Chiến lược 3 mũi giáp công Trung Quốc trên Biển Đông
Ngoài hòa đàm thì tìm kiếm tiếng gọi của công lý quốc tế, tăng cường tiềm lực quân sự và liên kết với các nước cùng "chiến tuyến" được xem là liều thuốc hữu hiệu ứng phó với lối hành xử ngang ngược của Bắc Kinh hiện nay.
Âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đang ngày càng hiện hữu. Chỉ trong tháng 5, Bắc Kinh đã tung ra một loạt chiêu thức, khiến tình hình khu vực biển này càng thêm dậy sóng.
Bắc Kinh đã điều tàu hải giám cùng 32 tàu cá tiến vào quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng kéo giàn khoan Lệ Loan nhằm mục đích thăm dò dầu khí trái phép tại khu vực nam Biển Đông. Trong bối cảnh quan hệ song phương với Manila đang vô cùng căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền bãi đá cạn Scarborough/Hoàng Nham, Trung Quốc cũng tìm mọi cách để ép Philippines. Từ ngày 8-25/5, một tàu khu trục hải quân, 2 tàu hải giám và 30 tàu cá Trung Quốc đã xâm nhập trái phép Bãi Cỏ Mây, thuộc quần đảo Trường Sa.
Cũng trong tháng 5, Bắc Kinh đã tổ chức diễn tập hải quân trên Biển Đông với sự tham gia của 3 hạm đội Đông Hải, Bắc Hải và Nam Hải, trong đó có các tàu chiến, tàu ngầm, không quân của hải quân để tập trận bắn đạn thật.
Những hành động “sặc mùi thuốc súng” của Trung Quốc khiến dư luận quan ngại rằng, Trung Quốc sẽ không chỉ chiếm đoạt từng điểm đảo, bãi đá, rặng san hô trong quần đảo Trường Sa mà trong tương lai Bắc Kinh có thể có nhiều hành hoạt động liều lĩnh với quy mô lớn hơn trên Biển Đông.
Chính vì vậy, tìm ra đối sách đối phó với tham vọng của Trung Quốc không phải là điều đơn giản, đặc biệt trong bối cảnh sức và lực của nước này ngày càng tăng trong tương quan so sánh lực lượng với các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Hòa đàm vẫn là giải pháp cơ bản, nhưng bên cạnh đó, theo tờ Thời báo Tài chính của Anh, các bên cần chú trọng chiến lược 3 mũi giáp công sau đây.
Tìm kiếm sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế
Trong trường hợp này, Philippines là một minh chứng tiêu biểu. Dù liên tục bị Trung Quốc hăm dọa, nhưng Manila không những không lùi bước mà còn kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế. Tờ Thời báo Tài chính số ra ngày 29/5 đăng bài của tác giả David Pilling nhận định rằng, dù có nhiều ý kiến khác nhau về động thái của Manila, nhưng đây vẫn là hành động đúng đắn khi dám thách thức Bắc Kinh. Đây là hành động kêu gọi các bên “sống và hành động theo luật pháp”, chứ không phải ứng xử với nhau theo kiểu “luật rừng”.
Trung Quốc đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nhưng dường như lại không có ý định tuân thủ văn kiện pháp lý này. Trong khi nhiều nước không dám “phơi bày” bộ mặt của Bắc Kinh ra “ánh sáng”, thì hành động của Manila được cho đã khiến Bắc Kinh hết sức bàng hoàng. Giáo sư Jerome Cohen, chuyên gia về luật pháp Trung Quốc và quốc tế tại Trường Luật của Đại học New York nhận định, vụ kiện của Philippines đã khiến Bắc Kinh bị sốc. Có thể sẽ mất nhiều thời gian để xem xét, giải quyết sự việc, nhưng nó đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về lối hành xử “tiền hậu bất nhất” của Bắc Kinh.
Quan hệ song phương Trung - Phi hết sức căng thẳng. |
Ở mức độ nào đó, hành động này được cho là “không thành công thì cũng thành nhân” bởi Trung Quốc đang tìm kiếm hình ảnh một quốc gia “trỗi dậy hòa bình và hành xử có trách nhiệm”. Nó không khác gì một gáo nước lạnh dội vào chiến lược của Trung Quốc. Nếu tuân theo luật pháp quốc tế thì Bắc Kinh phải nhượng bộ một phần tham vọng của mình. Ngược lại, nếu làm ngơ, Trung Quốc sẽ trở thành kẻ hành động bất chấp luật pháp quốc tế, đi ngược lại chính những gì mà giới lãnh đạo nước này thường rao rảng về cái gọi là “sự trỗi dậy Trung Hoa hòa bình”.
Tăng cường tiềm lực quốc phòng
“Có thực mới vực được đạo”, đó là câu nói không bao giờ sai. Nếu không trang bị những vũ khí tiên tiến, hiện đại, đủ khả năng răn đe thì khó lòng ngăn chặn tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà các nước đang phải còng lưng để ứng phó với hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu thì ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn không hề thuyên giảm, trong đó đặc biệt chú ý tới lực lượng hải quân. “Trung Quốc dự kiến tăng ngân sách quốc phòng lên 10,7%, tức 720,2 tỷ nhân dân tệ (115,7 tỷ USD) vào năm 2013”, Tân Hoa xã dẫn một báo cáo ngân sách cho biết. Tuy nhiên, trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn nhiều.
Chính vì vậy, nếu không tăng cường tiềm lực quân sự thì khó lòng có thể đối phó với Trung Quốc. Trong một bài viết đăng trên Sun.star mới đây, chuyên gia Santiago Sta. Romana cho rằng, dù thân thiết nhưng Philippines không nên kỳ vọng vào sự hỗ trợ về mặt quân sự của Mỹ trong đối phó với Trung Quốc về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Ông này nói thêm: “Mỹ không hỗ trợ Philippines, mà nước này chỉ duy trì quan điểm trung lập”. Điều này đồng nghĩa với việc, các nước “tự cứu” mình trước khi được người khác cứu.
Trung Quốc tăng cường tiềm lực quốc phòng nhiều các nước gia láng giềng quan ngại. |
Tờ Nhân dân Nhật báo số ra ngày 30/5 cho biết, hôm 28/5, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã công bố báo cáo thường niên về đánh giá chiến lược năm 2012, nhận định, các quốc gia Đông Nam Á chủ chốt, đặc biệt những nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, đã dồn dập đặt mua hàng loạt tàu chiến cỡ lớn như tàu tuần tra tên lửa, tàu hộ vệ tên lửa, tàu chiến đa năng trọng tải lớn có tốc độ nhanh, năng lực đột kích mạnh trong những năm gần đây. Báo cáo này cho biết, năm 2006, Việt Nam đặt mua 2 tàu hộ vệ lớp “săn báo” của Nga, năm 2011 đã được giao hàng đầy đủ. Ngoài ra, Việt Nam còn đặt mua 6 tàu ngầm lớp Kilo và 2 tàu tuần tiễu cao cấp lớp “đom đóm” của Nga. Trong khi đó, tháng 12/2012, Philippines cũng quyết định sửa đổi luật hiện đại hoá quân đội, thông qua kế hoạch hiện đại hoá vũ trang quân đội trong vòng 15 năm tới, dự kiến chi 1,8 tỷ USD mua sắm vũ khí trong vòng 5 năm.
Tìm kiếm đồng minh
Với tham vọng ngày càng lớn, đi kèm lối hành xử ngày càng hung hăng, Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng ngày càng xa cách mình. Trung Quốc gây hấn với tất cả các nước láng giềng có tranh chấp lãnh thổ với mình, từ Nhật Bản, đến Ấn Độ, Việt Nam, Philippines...
"Mối tình" Ấn - Nhật đơm hoa kết trái. |
Chính vì vậy, đã xuất hiện nhiều dự báo cho rằng, chính lối hành xử của Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng xích lại gần nhau trên một chiến tuyến nhằm đối trọng với Bắc Kinh. Điển hình nhất là chuyến thăm Ấn Độ vừa qua của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Tờ Thời báo Ấn Độ số ra ngày 30/5 nhận định, kiềm chế Trung Quốc là một trong những lý do quan trọng khiến New Dehli và Tokyo “tìm đến” với nhau, với việc hai nước nhất trí hợp tác, không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà sẽ thể chế hóa các kế hoạch diễn tập hải quân chung.
Thanh Hương
Theo Infonet