Theo báo cáo mới nhất được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố hôm 13/10, GDP Việt Nam được dự báo tăng 1,6% vào năm 2020 và 6,7% trong năm 2021. Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong nhóm ASEAN-5, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam, duy trì tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch Covid-19.
Trong khi đó, Singapore, Thái Lan và Indonesia có mức sụt giảm GDP lần lượt -6%, -7,1% và -1,5% trong năm 2020. Tốc độ tăng trưởng của ba nền kinh tế này sẽ phục hồi lần lượt lên 5%, 4% và 6,1% vào năm 2021, theo dự báo của IMF.
IMF đánh giá Việt Nam là nền kinh tế duy nhất trong nhóm ASEAN-5 tăng trưởng dương. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Philippines là quốc gia có mức sụt giảm GDP tồi tệ nhất trong nhóm ASEAN-5 với mức -8,3%. Vào năm 2021, tốc độ tăng trưởng của nước này dự kiến đạt 7,4%.
Với mức tăng trưởng này, GDP Việt Nam năm 2020 sẽ đạt 340 tỷ USD, vượt Singapore (337 tỷ USD) và Philippines (367 tỷ USD). IMF cũng dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam tăng lên 3,3% vào năm 2020 nhưng giảm xuống còn 2,7% trong năm 2021.
Dự báo tăng trưởng một số quốc gia của IMF. |
Cũng trong số các nền kinh tế mở rộng và đang phát triển của châu Á, Trung Quốc duy trì mức tăng trưởng dương 1,9% năm 2020 và leo dốc mạnh mẽ 8,2% vào năm 2021. Ấn Độ có thể chứng kiến GDP lao dốc 10,3% năm nay nhưng bật tăng mạnh 8,8% năm sau.
Trong khi đó, IMF dự báo kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm ở mức -4,4% vào năm 2020, tăng so với mức -5,2% hồi mùa hè. Dự báo của IMF giả định các lệnh giãn cách xã hội sẽ kéo dài đến năm 2021 và dịch Covid-19 giảm lây nhiễm ở các địa phương trên toàn thế giới vào năm 2022.
"Chúng tôi dự báo cuộc suy thoái bớt nghiêm trọng hơn so với dự báo hồi tháng 6, nhưng vẫn còn sâu sắc trong năm 2020", bà Gita Gopinath, Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath của IMF, bình luận.
"Những gói hỗ trợ tài chính toàn cầu gần 12 tỷ USD, việc cắt giảm lãi suất, bơm thanh khoản và mua tài sản của các ngân hàng trung ương đã cứu sinh kế của người lao động và ngăn chặn thảm họa tài chính", bà nói thêm.
Hồi tháng 9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 1,8% trong năm nay và 6,3% năm 2021 dù đại dịch Covid-19 tác động mạnh đến thị trường xuất khẩu.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, đánh giá tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nghiêm trọng hơn dự kiến.
Tuy nhiên, theo ông, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực. Nền kinh tế sẽ duy trì tăng trưởng dương trong năm 2020 và phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021.