Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Im lặng trước ô nhiễm không khí, Hà Nội đang thờ ơ?

Tôi chưa nhìn thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ với Zing.vn.

Sau nhiều ngày chất lượng không khí được cải thiện do ảnh hưởng bởi không khí lạnh, Hà Nội bước vào đợt ô nhiễm không khí mới khi người dân có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Trong các ngày 12-15/12, thành phố bị bủa vây trong bầu không khí đặc quánh và mịt mù, không thể phân biệt được lớp màng đó là sương hay bụi.

Cách để người dân thấy rõ nhất chất lượng không khí đang hít thở là theo dõi chỉ số AQI trên các ứng dụng đo chất lượng không khí hàng ngày. Tại đây, chỉ số tại các trạm quan trắc ở Hà Nội đồng loạt chuyển đỏ, cảnh báo chất lượng không khí ở ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe.

“Các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương đều làm rất tốt vai trò nhận định về tình trạng này, nhưng chưa một đơn vị nào lên tiếng về nguyên nhân và tiến hành các biện pháp để giảm thiểu nó”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, nói với Zing.vn.

Im lặng

Đánh giá về tình trạng ô nhiễm không khí trong những ngày qua, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng Hà Nội đang bước vào đợt ô nhiễm ở mức nghiêm trọng nhưng không có một đơn vị nào của thành phố đứng ra cảnh báo, nhìn thẳng vào thực trạng này.

“Khi ô nhiễm lên đỉnh điểm, các cảnh báo đã được đưa đến người dân thông qua các số liệu. Nhưng điều quan trọng hiện nay là làm sao cảnh báo được đến các nhà quản lý về thực trạng này để họ khẩn trương vào cuộc”, ông chia sẻ. 

o nhiem khong khi o Ha Noi anh 1

Nhiều ngày qua, Hà Nội bị bủa vây trong lớp bụi sương đặc quánh, mù mịt nhưng người dân không nhận được khuyến cáo nào từ các sở, ngành của Hà Nội. Ảnh: Duy Hiệu. 

Ông Cơ đặt vấn đề so sánh trong phản ứng của chính quyền ở Hà Nội với chính quyền những thành phố khác cũng từng trải qua giai đoạn ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

Theo đó, sau một thời kỳ phát triển nóng, chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng phải mất thời gian dài mới có thể dành sự quan tâm cho vấn đề ô nhiễm không khí và tiến hành các chính sách cải thiện tình hình.

Giáo sư Cơ quan ngại lãnh đạo Hà Nội cũng có phản ứng chậm chạp tương tự khi đứng trước tình hình này. Bởi lẽ, ô nhiễm không khí không phải vấn đề mới nhưng để giải quyết được, cần có sự quyết tâm đầu tư cả về công sức, trí tuệ và thời gian vì có thể kéo dài nhiều năm. 

“Chúng ta có đủ nguồn lực để làm tình hình trở nên khả quan hơn, nhưng hiện chưa có đơn vị nào dám đứng ra làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi chưa nhìn thấy vai trò quản lý của các sở, ngành của Hà Nội trong những ngày không khí ô nhiễm”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ chia sẻ.

Theo ông, tất cả nguồn lực từ ngân sách thành phố đến trí tuệ của các nhà khoa học để giải quyết tình hình chưa được sử dụng đúng mực. Tính cấp bách của hiện trạng này đã thể hiện rõ qua dư luận và những con số. Đã đến lúc các nhà quản lý không thể thờ ơ với ô nhiễm không khí được nữa. 

Giải quyết bằng cách chờ mưa?

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) đã đưa ra những nhận định cụ thể về chất lượng không khí tại Hà Nội và các thành phố lớn trong những ngày qua.

Theo đó, Tổng cục Môi trường cho biết nồng độ bụi PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đã vượt ngưỡng tiêu chuẩn 2-3 lần, chạm ngưỡng rất xấu. Cơ quan này khuyến cáo người dân không nên hoạt động ở ngoài trời.

Đáng chú ý, Tổng cục Môi trường đưa ra dự báo đến ngày 18/12, Hà Nội có thể có mưa. “Do đó, trong vài ngày tới, chất lượng không khí có thể duy trì ở mức xấu”, báo cáo của Tổng cục Môi trường nêu.

Như vậy, dù không nhận định về nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, đơn vị gián tiếp khẳng định chất lượng không khí xấu đi là do thời tiết. Và để giải quyết tình trạng này, người dân chỉ còn cách chờ mưa.

o nhiem khong khi o Ha Noi anh 2

Tổng cục Môi trường khuyến cáo người dân không nên hoạt động ngoài trời trong những ngày ô nhiễm không khí ở mức báo động. Ảnh: Duy Hiệu

Đánh giá về việc này, GS.TS Hoàng Xuân Cơ cho rằng đúng là không khí Hà Nội xấu đi do ảnh hưởng của khí hậu và thời tiết, nhưng đó không phải là toàn bộ nguyên nhân. Việc giải quyết ô nhiễm bằng cách chờ vào “ông trời” thể hiện sự bất lực của chúng ta.

"Khí hậu là thứ chúng ta không thể tác động được, nên phải nhìn vào những nguyên nhân khác để tìm giải pháp giảm thiểu", GS.TS Hoàng Xuân Cơ nói. 

Theo ông, có một giải pháp mà ai cũng biết, ai cũng nói nhưng chưa thấy ai làm đó làm hạn chế nguồn phát thải từ các phương tiện giao thông, công trình, hạ tầng đô thị... Đây là nguyên nhân chính khiến không khí Hà Nội trở nên tồi tệ trong những ngày lặng gió bởi các chất độc hại tích tụ và không được khuếch tán. 

Trước mắt, lãnh đạo thành phố đang đưa ra đề án xóa sổ than tổ ong trong năm 2020 và cấm xe máy trong năm 2030. Những đề án này hướng tới việc giải quyết tình hình ô nhiễm không khí ngày càng trở nên xấu đi. 

"Nhưng nó không phù hợp với đa số những người lao động ở thành phố có mức thu nhập trung bình hoặc thấp. Nên dù biết rất tốt cho môi trường, đây có thể không phải giải pháp dành cho mọi người", GS.TS Cơ chia sẻ. 

Ông cho rằng việc giảm thiểu phát thải nói thì rất dễ nhưng nếu nhìn rộng ra, đó là cả một bài toán lớn về quy hoạch, chính sách mà thành phố cần giải quyết. Trong lúc chưa tìm ra lời giải cho bài toán khó, thành phố cần lên tiếng trấn an và đưa ra những khuyến cáo cụ thể về tình trạng này để người dân chủ động phòng tránh thay vì im lặng. 

"Người dân có thể chờ đợi vài năm để chính quyền hành động cải thiện tình hình, nhưng điều quan trọng là các nhà quản lý cần thẳng thắn nhìn nhận vấn đề và quyết liệt vào cuộc. Nếu không, vấn đề này sẽ còn tiếp diễn từ năm này sang năm khác, ngày một nghiêm trọng và kéo theo những hệ lụy khôn lường", GS.TS Hoàng Xuân Cơ cảnh báo.

Khách nước ngoài: 'Hít thở không khí Hà Nội như hút thuốc lá vậy' Chất lượng không khí ở thủ đô suy giảm đến mức báo động, du khách nước ngoài đến đây thường bị khó thở, dị ứng, thậm chí còn so sánh độ độc hại của không khí với khói thuốc lá.

Ô nhiễm không khí, Bộ TN&MT khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài

Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) khuyến cáo người dân hạn chế hoạt động ngoài trời, đóng các cửa sổ và cửa ra vào, đeo khẩu trang khi ra đường trong điều kiện không khí ô nhiễm.

Miền Bắc ấm dần, ô nhiễm không khí tăng cao

Theo chuyên gia thời tiết, đợt rét và hanh khô tại Bắc Bộ kết thúc vào ngày 13/12, sau đó khu vực ấm dần lên với nền nhiệt duy trì trong khoảng 17-23 độ C.

Phat hien gau ngua quy hiem hinh anh

Phát hiện gấu ngựa quý hiếm

0

Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị vừa đặt bẫy ảnh và ghi nhận một con gấu ngựa nặng khoảng 150 kg ở trong lâm phần đơn vị quản lý. Đây là loài gấu ngựa thuộc nhóm IB nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm