ILO cũng hoan nghênh nỗ lực của Chính phủ về phê chuẩn 3 công ước cơ bản trong những năm sắp tới, bên cạnh 5 công ước cơ bản đã được phê chuẩn trước đó. 3 công ước mới ILO nhắc tới gồm có quyền tự do liên kết và quyền bảo vệ tổ chức, 1948; quyền tổ chức và thương lượng tập thể, 1949 và xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957.
“Các cam kết của Chính phủ đối với các tiêu chuẩn của ILO về tự do liên kết và công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể cho thấy Việt Nam sẵn sàng tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc phổ quát được duy trì bởi các quốc gia thành viên của ILO", Giám đốc ILO Việt Nam Chang-Hee Lee phát biểu.
“Khi các đối tác ba bên đề xuất, ILO sẵn sàng hỗ trợ toàn diện cho Chính phủ và các tổ chức đại diện của người lao động và người sử dụng lao động trong việc hoàn thiện pháp luật, các thiết chế và thực hành của Việt Nam để tuân thủ chặt chẽ hơn các tiêu chuẩn có liên quan của ILO. Điều này sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng, bình đẳng và hài hòa tại Việt Nam”, đại diện ILO tại Việt Nam cho biết thêm.
ILO cho biết rất hoan nghênh những cam kết của Việt Nam về quyền lao động và sẵn sàng hỗ trợ. Ảnh: ILO. |
Chương Lao động của TPP nêu rõ, để thụ hưởng đầy đủ các lợi ích từ những điều khoản có lợi được đề cập trong hiệp định, Việt Nam cần cải cách cả hệ thống pháp luật, thiết chế, thực hành để đảm bảo thực hiện các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động. Điều này đồng nghĩa với hệ thống quan hệ lao động của Việt Nam cần phát triển trong những năm tới để cho phép người lao động, người sử dụng được tổ chức, gia nhập tổ chức mà họ lựa chọn.
Theo quan điểm của người đứng đầu ILO tại Việt Nam, hệ thống quan hệ lao động dựa trên quyền tự do liên kết, công nhận quyền thương lượng tập thể là một đặc điểm chung của các nền kinh tế thị trường hiện đại. Điều này sẽ có thể tạo ra sự tăng trưởng công bằng, quan hệ lao động hài hòa hơn vì sẽ giúp tạo ra sự cân bằng quyền lực giữa giới chủ và người lao động. Khi đó, người lao động sẽ có tiếng nói trong xác lập tiền lương, các điều kiện làm việc thông qua đối thoại.
Ngoài hoan nghênh Việt Nam bởi những cam kết mạnh mẽ, Tổ chức Lao động quốc tế còn cho biết sẵn sàng hỗ trợ toàn diện không chỉ về cải cách luật pháp mà còn về mặt tăng cường năng lực của Chính phủ, các tổ chức của giới chủ, người lao động. ILO cũng sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ, các đối tác xã hội giải quyết những thách thức về thị trường lao động và chính sách xã hội phát sinh khi Việt Nam thực hiện những nội dung khác nhau của các hiệp định thương mại tự do.
Trước đó, trong phần chất vấn ngày 18/11 tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trên thực tế Việt Nam đã và đang thực hiện các quy định của ILO theo kế hoạch chủ động của mình.
Liên quan đến vấn đề lao động trong Hiệp định TPP, Việt Nam đang thực hiện và sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động.
Việt Nam sẽ có khoảng 5 năm để chuẩn bị và đây chính là thời gian để hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý nhằm bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc đạt được một khoảng thời gian hợp lý nêu trên để chuẩn bị là thể hiện thiện chí của các bên trong đàm phán và vị thế, uy tín của Việt Nam, nhất là trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có việc thực hiện tốt những quy định về lao động của ILO.
Đối với nội dung về lao động trong Hiệp định, Việt Nam sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật (có thể là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng) để thực thi nội dung về lao động trong Hiệp định, bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và quy định của ILO.
Các công ước cơ bản của ILO và việc phê chuẩn của Việt Nam
Quyền tự do liên kết và việc công nhận có hiệu quả quyền thương lượng tập thể
- Công ước về quyền tự do liên kết và Bảo vệ quyền được tổ chức, 1948 (Số 87) (chưa phê chuẩn)
- Công ước về quyền Tổ chức và Thương lượng tập thể, 1949 (Số 98) (chưa phê chuẩn)
Xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc
- Công ước về lao động cưỡng bức, 1930 (Số 29) (phê chuẩn năm 2007)
- Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức, 1957 (Số 105) (chưa phê chuẩn)
Xóa bỏ có hiệu quả lao động trẻ em
- Công ước về tuổi tối thiểu được đi làm việc, 1973 (Số 138) (phê chuẩn năm 2003)
- Công ước về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, 1999 (Số 182) (phê chuẩn năm 2000)
Xóa bỏ phân biệt trong việc làm và nghề nghiệp
- Công ước về trả công bình đẳng, 1951 (Số 100) (phê chuẩn năm 1997)
- Công ước về phân biệt đối xử (việc làm và nghề nghiệp), 1958 (Số 111) (phê chuẩn năm 1997)