Tối thứ bảy vừa qua, Odion Ighalo xé lưới Chelsea để nâng thành tích ghi bàn ở Ngoại hạng Anh lên con số 13. Trước đấy, anh góp một bàn trong chiến thắng khó tin 3-0 của Watford trước Liverpool. Vị trí và phong độ của Watford, thành tích ghi bàn của Ighalo đều khó tin. Sẽ còn ngạc nhiên hơn nữa nếu biết rằng chủ nhân của tuyệt kỹ “Iggy Chop” lớn lên giữa khốn khó và súng đạn.
Thời niên thiếu, Ighalo và đồng đội ở CLB Olodi Warriors – đội bóng đầu tiên của anh, thường phải chạy thục mạng để chui xuống gầm bàn trong phòng thay đồ dựng tạm bợ, mỗi khi nghe thấy tiếng súng của cảnh sát tiến hành truy quét hoặc các vụ thanh toán của băng đảng buôn ma túy. Viên đạn không thể phân biệt được đâu là cầu thủ trẻ, đâu là các tay buôn hàng trắng. Rất nhiều người chết oan. Đó là cảnh thường thấy trong cuộc sống ở trung tâm thủ đô Lagos (Nigeria).
Ighalo lớn lên ở khu ổ chuột Ajegunle – khu vực khốn khó và nghèo đói nhất Lagos. Những ngôi nhà xiêu vẹo nằm bên con đường ngập ngụa trong rác, cống tắc nghẽn làm nước dềnh lên bẩn thỉu, không có điện và nước sạch làm cho điều kiện sống ở đây hết sức tàn tệ. Ngôi nhà của Ighalo nằm ngay bên cạnh con mương đầy màu sắc của túi nilon nổi lềnh phềnh, ngăn cách khu thượng lưu Apapa với Ajegunle. Những con kênh hôi rình, những hàng rào thép gai lạnh ngắt ngăn cách hai thế giới trái ngược là đặc sản của châu Phi.
Ighalo ăn mừng bàn thắng ghi vào lưới Chelsea. Ảnh: Getty. |
Thanh niên lớn lên ở Ajegunle nhìn thấy tương lai đi thẳng đến con đường tội phạm nhiều hơn là đổi đời nhờ bóng đá. Với điều kiện kinh tế và xã hội khắc nghiệt như vậy, Ighalo không có môi trường thuận lợi để nuôi dưỡng tài năng bóng đá của mình. Anh lớn lên trong một gia đình có đến bảy người con tất cả. Anh chị em của anh thường có thói quen đứng bên bờ kênh hôi thối, ngưỡng vọng sang khu Apapa giàu có và cầu nguyện sự đổi đời sẽ đến.
Cha mẹ Ighalo luôn luôn cảnh báo các con về “đường dẫn đến địa ngục” nếu họ sa vào tệ nạn mà rất nhiều thanh niên ở Ajegunle dính phải: hút cần sa và trộm cắp. Ngôi nhà Ighalo ở được xây do chính bàn tay người cha và ông không bao giờ để các con ông đói khổ như nhiều đứa trẻ khác. Ngôi sao đang lên của Watford luôn tâm niệm một câu nói để tự răn mình: “Đứa trẻ đói khát sẽ bị cám dỗ bởi đồng tiền và sinh thói trộm cắp”.
May mắn có được kỹ năng xử lý bóng và tốc độ vượt trội, Ighalo nhận ra con đường để anh thoát khỏi khu ổ chuột. Tấm gương để anh noi theo là Samson Siasia, Jonathan Akpoborie và Ifeanyi Udeze.
Trái bóng Ighalo và chúng bạn sử dụng để vun đắp ước mơ thành cầu thủ là vỏ chai, quả cam hay thậm chí cả túi nilon. Nếu may mắn, một người có kinh tế dư dả sẽ tặng cho họ quả bóng nhựa. Bóng đá là môn thể thao lành mạnh, nhưng bố của Ighalo cấm tiệt con trai ra đường chơi bóng bởi ông sợ con bị bắt cóc, sợ “đường tên mũi đạn” chẳng may đi lạc. Ông từng đánh anh khi anh trốn khỏi nhà.
May mắn cho Ighalo vì mẹ anh đứng ra ủng hộ con trai. Bà len lén đưa cho anh số tiền ít ỏi tích cóp để đi mua đôi giày tử tế đầu tiên rồi làm lộ phí để đi thi đấu cùng đội Olodi Warriors.
Trong những ngày đầu đi đá giải, Ighalo và đồng đội không có thù lao nhưng họ được cung cấp nước sạch và chi phi đi lại. Ighalo coi những ngày đó là những ngày đáng nhớ nhất, theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực.
Tiêu cực ở chỗ, gần sân Tolu, thường được gọi vui với biệt danh “Maracana của Nigeria”, là khu vực tụ tập thường xuyên của bọn hút cần sa và cướp có vũ trang. Chính vì thế, Ighalo cùng đồng đội vừa tập vừa nơm nớp lo sợ cảnh sát sẽ ập đến khu này và những cuộc đấu súng lại nổ ra. “Mỗi khi có đấu súng, chúng tôi phải chạy thật nhanh về khu thay đồ được rào chắn tạm bợ”, Ighalo kể lại trải nghiệm kinh hoàng với kênh truyền hình Al Jazeera. Anh cũng tâm sự, bất cứ ai cũng không cần thêm động lực để tiến lên nếu sinh ra ở mảnh đất khắc nghiệt như Ajegunle. Tự hoàn cảnh khổ ải ấy là động lực quá lớn.
Năm 2006, khi Ighalo ở tuổi 17, HLV Fatai Amoo của đội Julius Berger chơi ở giải đấu cao nhất Nigeria ấn tượng với màn trình diễn của Ighalo khi đội của ông gặp Olodi Warriors. Ngay lập tức ông Fatai đề xuất với BLĐ chiêu mộ Ighalo.
Ighalo đứng trước ngã rẽ quan trọng của cuộc đời, bởi song song với bóng đá, anh cũng học hành rất khá. Ighalo tốt nghiệp trung học phổ thông loại giỏi và đang chuẩn bị đi thi trường luật. Ước mơ của anh là trở thành luật sư, bảo vệ lợi ích cho người dân ở Ajegunle. Tuy nhiên như chính lời Igahalo đã nói, Chúa mở ra con đường bóng đá cho anh.
Ighalo chỉ chơi bóng ở Julius trong thời gian rất ngắn. Anh lọt vào mắt xanh của người đại diện cầu thủ tên Marcelo Houseman. Ông này giới thiệu anh với đội bóng Lyn ở đất nước Na Uy xa xôi. Cuối cùng giấc mơ thoát khỏi khu ổ chuột cũng trở thành hiện thực.
Những ngày đầu ở Na Uy, Ighalo tê cóng trước cái lạnh khắc nghiệt của đất nước Bắc Âu. Ở nơi mà mùa đông chỉ có vài giờ ánh mặt trời soi rọi mặt đất, so với những ngày nắng chói chang ở châu Phi, Ighalo từng nảy sinh suy nghĩ quay lại Nigeria. Nhưng sau khi cân đo thiệt hơn, Ighalo quyết định anh không thể bỏ lỡ cơ hội. Anh tự nhủ rằng "đói nghèo và súng đạn không làm mình chùn bước thì sự cô đơn, lạnh lẽo và bất đồng ngôn ngữ càng không thể làm khát khao nguội đi".
Sau mùa giải thi đấu tương đối thành công ở Na Uy (10 bàn sau 23 lần ra sân), Ighalo tiếp tục lên đời khi chuyển sang Udinese vào năm 2008. Tuy vậy ở đây anh không cạnh tranh được vị trí chính thức và bị đem cho Granada mượn. Ở Granada, anh ghi hai bàn giúp đội bóng này chiến thắng trận play-off và được lên chơi ở La Liga.
Cuộc đời anh rẽ sang con đường mới khi Watford ấn tượng với con số 31 bàn thắng Ighalo ghi được cho Granada. Họ đưa anh về vào ngày 29/7/2014 và ký với anh bản hợp đồng dài hạn vào ngày 24/10, sau khi Udinese quyết định cho anh ra đi. Đúng ba tháng sau ngày ký hợp đồng, Ighalo ghi 4 bàn thắng gói gọn trong hiệp hai để giúp Watford đại thắng Blackpool đến 7-2. Tính chung cả mùa, 20 bàn thắng của Ighalo góp công lớn đưa Watford lên hạng. Cũng trong năm 2015 này, Ighalo được gọi lên ĐTQG Nigeria.
Dù đã trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp nhưng Ighalo không bao giờ quên những ngày khốn khó. Anh tâm sự: “Tiền bạc, thành công và danh vọng có thể khiến bất kỳ ai quên đi quá khứ của mình nhưng tôi chưa bao giờ thôi nghĩ về cha mẹ và người dân ở Ajegunle. Tôi muốn sử dụng ảnh hưởng của mình để tác động Chính phủ tăng cường an ninh cho khu Ajegunle và nâng cấp các sân bóng ở đây. Tôi muốn mở học viện bóng đá bởi các khu ổ chuột có rất nhiều tài năng tiềm ẩn và họ đều sống trong bóng tối vì rụt rè, vậy nên bạn phải có cơ sở vật chất như là nguồn ánh sáng thôi thúc họ lộ diện.”
Bây giờ, anh đã có 14 bàn thắng để trở thành người ghi bàn nhiều nhất cho đội bóng này trong lịch sử tham dự Premier League. Ighalo còn được biết tới với kỹ thuật "Iggy Chop" độc đáo.
“Iggy Chop” là kỹ thuật lừa bóng theo kiểu "lườm rau gắp thịt". Ighalo thường xuyên có những tình huống đánh lạc hướng bằng việc đảo ánh mắt về một hướng rồi đảo bóng rất nhanh bằng chân thuận về hướng ngược lại, khiến các hậu vệ đối phương bị vặn sườn.
Bên cạnh Sakho của Liverpool - nạn nhân gần nhất, các trung vệ như John Stones (Everton), James Collins (West Ham), Fabricio Coloccini (Newcastle) và Ryan Bennett (Norwich) là những người từng bị Ighalo sử dụng kỹ thuật này để qua người từ đầu mùa.
"Iggy" ở đây là biệt danh được lấy từ tên của Ighalo, trong khi từ “chop” trong tiếng Anh có thể hiểu là “hạ gục”. Thế nên, “Iggy Chop” có thể được coi là cách qua người mang phong cách Ighalo.
Với phong độ chói sáng từ đầu mùa và độ tuổi đang đạt đến thời điểm chín muồi của sự nghiệp, mùa bóng tới rất có thể chúng ta sẽ được thấy Ighalo chơi bóng ở Etihad, Old Trafford hay Stamford Bridge.