Sau bài viết kêu xuống đường của tài khoản Facebook Huỳnh Nghi, Quản trị viên nhóm "Tố cáo Pincoin - iFan", ngày 8/4, hàng chục người đã tập trung tại Toà nhà Vietcomreal 68 Nguyễn Huệ, quận 1 TP.HCM, để hô hào phản đối. Đây là nơi đặt trụ sở của Modern Tech, đơn vị đứng ra ký kết với iFan tại Việt Nam.
Nhóm người tham dự mang theo biểu ngữ tố cáo các nhân vật bị cho là lừa đảo, đồng thời kêu cứu các cơ quan chức năng. Nhóm này cũng cho rằng iFan đã lừa gạt nhiều người với số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng.
"Ăn theo" công nghệ mới và người nổi tiếng
Tiền số đa cấp hoạt động dựa trên hình thức lending (cho vay), lấy tiền người sau để trả cho người trước. Vì theo mô hình Ponzi, tiền số đa cấp thường lừa đảo, hứa hẹn trả lãi cao trong thời gian ngắn. Với trường hợp iFan, dự án này hứa hẹn người đầu từ sẽ thu về trên 48% mỗi tháng bằng một ứng dụng di động tự xưng "ứng dụng công nghệ blockchain 4.0", giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt Nam.
"Buổi ra mắt dự án, iFan hôm đó có sự tham gia của ca sĩ, diễn viên nổi tiếng. Sự kiện lại tổ chức ở Trung tâm Hội nghị Quốc gia nên chúng tôi tin tưởng đây là một dự án tốt để đầu tư", anh Trần Tấn, người tham gia đầu tư iFan với số tiền 40 triệu đồng cho biết.
Đàm Vĩnh Hưng đăng tải trên Facebook cá nhân xác nhận thông tin mình tham gia ICO iFan là hoàn toàn bịa đặt. Ảnh: Facebook Đàm Vĩnh Hưng. |
Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, một nghệ sỹ bị lợi dụng hình ảnh, đã phải lên tiếng để cảnh báo về việc không liên quan đến dự án này. Trên thực tế, iFan chưa hề xây dựng các tính năng, ứng dụng để hỗ trợ nghệ sỹ như những gì họ tô vẽ để chiêu dụ người đầu tư.
Bên cạnh đó, iFan cũng chạy bài quảng cáo trên một tờ báo lớn để củng cố lòng tin của người dân về dự án của mình. Với vỏ bọc hào nhoáng này, iFan len lỏi về được nhiều miền quê tại các tỉnh thành trên cả nước.
Mở nửa năm, bị tố lừa 15.000 tỷ đồng
Công ty Modern Tech đăng ký mã số thuế ngày 5/10/2017, cùng thời điểm đó, dự án iFan cũng bắt đầu triển khai các hoạt động quảng bá đầu tiên.
"Hiện tại ứng dụng đã xây dựng xong và đang triển khai, V-FAN đã có ứng dụng của Lệ Quyên, Đàm Vĩnh Hưng các bạn có thể tải trên Android và iOS. Bạn nghĩ sao nếu các ca sĩ kêu gọi Fan mình tải ứng dụng. Bạn có thể sử dụng iFan để thanh toán trực tuyến mua vé biểu diễn nhạc, phim, thanh toán khi xem các video.... của các ca sĩ, diễn viên", bài viết đăng tải kêu gọi mua 1,6 triệu đồng tiền iFan với giá 0,8 USD/đồng đăng tải trên Facebook iFancoin.
"Nhưng thực chất sau 4 tháng kêu gọi vốn, ứng dụng này vẫn không hề được phát triển. Lúc này tôi xác định mình đã mất tiền vào một dự án ma", anh Trần Tấn nói thêm.
iFan khẳng định đã hợp tác với hàng loạt ngôi ssố nhằm chiếm dụng lòng tin của ngừoi đầu tư. |
Dự án iFan yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token (tương tự như cổ phiếu, nhưng ở dạng chuỗi mã kỹ thuật số), số lượng tối thiểu 1.000 USD. Sau đó người đầu tư phải trải qua quá trình cho vay với lãi suất "khủng" lên đến vài chục phần trăm mỗi tháng.
Việc này nhằm kéo dài thời gian "sống" cho dự án vì duy trì được lượng tiền lớn trong dự án. Trong lúc cho vay, người đầu tư được khuyến khích kêu gọi thêm người vào để hưởng "hoa hồng" theo nhiều mức. Chính số tiền của những người vào sau được dùng để trả lãi cho những người trước.
Số tiền đầu tư tối thiểu đã cao, số tiền rút ra cũng cao không kém. Ban đầu là 0.02 BTC (khoảng 5 triệu đồng) có lúc tăng đến 0.8 BTC (gần 200 triệu đồng). "Họ nâng giới hạn để không cho người đầu tư rút. Những nhà đầu tư bây giờ cũng chỉ biết đứng nhìn số tiền của mình hiển thị trên màn hình chứ cũng không mong thu hồi được tiền mặt nữa rồi", Thành Nguyễn, sinh viên tại TP.HCM dành 30 triệu tiền từ việc bán máy ảnh đầu tư hết vào iFan cho biết, nói với Zing.vn.
iFan tràn về vùng quê kêu gọi người dân đầu tư với lợi nhuận khủng. Ảnh: NVCC. |
Không chỉ có sinh viên và giới văn phòng, những người dân ở các vùng quê cũng được mạng lưới "coin đa cấp" hướng dẫn tận tình cách thức tham gia. Với những "gói đầu tư" sinh lợi hấp dẫn, nhiều người đã dành hết cơ nghiệp của mình cho các dự án trá hình này.
Ban đầu, những người bị mất tiền quyết tâm đòi lại vốn bằng việc tạo ra nhiều nhóm tố cáo. "Sau thời gian dài cố gắng nhưng không có kết quả, mọi chuyện lại lắng xuống. Các nhóm chat của chúng tôi chỉ lay lắt còn lại vài người hàng ngày vào chửi rủa, than khóc. Mọi người tự an ủi nhau vì càng nói lại càng sợ người ta bảo mình tham và ngu", anh Tấn chia sẻ sự bất lực vì trót tham gia hình thức đầu tư chưa được pháp luật bảo hộ.
Nhiều người đã chọn cách im lặng, xem nó như một bài học mà họ phải ghi nhớ suốt đời. Số khác, trong đó có những người tham gia buổi "kêu cứu" hôm 8/4, đã lên tiếng với hy vọng thu lại số tiền đầu tư. Với từ khoá "iFan", "iFancoin", "Tuấn Scam"... hàng chục trang, nhóm Facebook được thành lập với hàng nghìn người tham gia nhằm "đòi lại công lý".
Ai cũng là người bị hại
Lê Ngọc Tuấn, người có ảnh in trên băng rôn "kêu cứu" tại phố đi bộ Nguyễn Huệ được những người đầu tư đặt cho biệt hiệu "Tuấn Scam" (lừa đảo). Ban đầu, người này tổ chức các buổi họp mặt, diễn thuyết với tư cách nhà đầu tư cấp trên kêu gọi thêm nhiều cấp dưới để hưởng hoa hồng.
Ngoài Tuấn còn có các cái tên như Vũ Hữu Lợi, Diệp Khắc Cường, Nguyễn Thu Thuỷ... cũng bị cho là tham gia với vai trò nhà đầu tư cấp trên kêu gọi mọi người tham gia để lấy phần trăm. Đây có thể xem như "thế hệ F1" của hệ thống đa cấp iFan.
Khẩu hiệu "Go to the moon" được các leader (người kêu gọi đầu tư) này đọc vang trong suốt các buổi thuyết trình, bài đăng, đoạn chat nhằm khiến mọi người tin rằng iFan sẽ giúp số tiền đầu tư nhân 10, nhân 100.
Lê Ngọc Tuấn, người kêu gọi nhiều nhà đầu tư tham gia dự án iFan bị nhiều người lên tiếng tố cáo lừa đảo. |
Thế nhưng, khi iFan bắt đầu gặp nhiều vấn đề tài chính sau đợt suy thoái giá của Bitcoin cuối năm 2017, Ngọc Tuấn và nhóm leader đã đăng đàn chối bỏ mọi liên quan với iFan. Tuấn cho rằng mình cũng là một nhà đầu tư muốn mang "lợi" đến cho mọi người nhưng chẳng may gặp phải dự án thất bại.
Trong một nhóm kín, Tuấn đã trả lại hơn 80 tỷ đồng nhằm chia sẻ sự "không may" trong đầu tư với những người khác.
"80 tỷ chỉ dành cho hơn 60 người trong nhóm trên cùng của chuỗi đa cấp đầu tư mà Tuấn kêu gọi. Còn với hàng ngàn người khác như chúng tôi nó chẳng thấm vào đâu. Hơn một tỷ đồng tiền vốn tích cóp và vay mượn của tôi coi như mất trắng", Tùng Phạm, ngụ Hà Nội, người từng làm việc với nhóm cấp cao của Tuấn chia sẻ.
Kể từ cuối tháng 1/2018, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat Telegram và trang cá nhân của các "lãnh đạo iFan" đều biến mất. "Lúc này chúng tôi cũng hiểu ra câu chuyện mà trước đó mình không dám tin. Tiền của chúng tôi đã mất", Tùng nói thêm.
Hiện công ty Modern Tech, pháp nhân của các hệ thống tiền số lừa đảo, vẫn im hơi lặng tiếng trước cáo buộc "lừa đảo 15.000 tỷ" tại Việt Nam. Theo những người trong nhóm xuống đường ngày 8/4, con số này là ước tính, chưa có thống kê chính xác nhưng số tiền bị mất thực tế có thể cao hơn.