"Như tất cả các loại hình đầu tư khác, ICO và lending coin cũng tiềm tàng nhiều rủi ro. Nếu đầu tư nhầm vào các dự án ICO biến tướng, người chơi có nguy cơ mất trắng tài sản. Và dĩ nhiên, những mất mát này sẽ không được pháp luật bảo vệ", anh Minh Hoàng - chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cho biết.
Trong thời đại phát triển của công nghệ tiền ảo, người Việt đã có thêm một kênh đầu tư mới mẻ và hiệu quả. Thế nhưng không phải ai cũng đủ tỉnh táo, hiểu biết để đem hết số vốn dành dụm rót vào sân chơi mạo hiểm này.
Người đầu tư sẽ giữ một con số có giá trị rất lớn nhưng bán không ai mua. Ảnh: CoinTelegraph. |
Từ huy động vốn...
ICO là hình thức huy động vốn từ các nhà đầu tư bằng cách phát hành các mã token, một dạng trái phiếu điện tử. Hiểu một cách đơn giản, chủ dự án đang bán một thứ không có giá trị và hứa hẹn nó sẽ có giá trị bằng các dự án kinh doanh. Thường các dự án liên quan đến dịch vụ IoT (Internet of Things) thường sử dụng hình thức huy động này. Các ứng dụng điện thoại là một ví dụ.
Số tiền người chơi nạp vào sẽ được dùng đầu tư cho các dự án kinh doanh để sinh lời. Khi lời đã đủ, các mã token sẽ được dùng để đổi lấy đồng tiền ảo dựa trên công nghệ blockchain. Sau đó, tiền này được niêm yết lên các sàn giao dịch quốc tế. Nhưng trong quá trình huy động vốn, lượng token này cũng được người chơi mua bán tại sàn nội bộ riêng hoặc bắt người chơi cho bên phát hành vay lại số coin đó. Việc làm này trong giới gọi là "lending".
Việc bắt buộc lending cũng là một cách khiến người chơi không thể rút được vốn. Ngoài ra, các sàn còn đặt giá tối thiểu được bán ra nhằm hạn chế việc rút vốn.
"Khi được mua bán trên sàn nội bộ, mọi diễn biến tăng giảm giá thường được người phát hành token quyết định. Đa phần các dự án ICO lừa đảo đều chết yểu trước khi đủ mạnh để lên sàn quốc tế hay kết thúc giai đoạn lending", anh Hoàng nhận định về tỷ lệ thành công của các dự án ICO mà người Việt đang hào hứng tham gia.
...Đến mô hình Ponzi thời công nghệ
Thực chất trong giai đoạn kêu gọi vốn, hình thức biến tướng này không khác gì mô hình Ponzi, lấy tiền người vào sau nuôi người trước. Vì thế tình trạng chào mời, lôi kéo người khác tham gia chuỗi phát triển rầm rộ tương tự mô hình đa cấp. Thuật ngữ trong giới gọi những đồng này là “coin đa cấp”.
Nhiều diễn đàn đã dự báo cái chết của các đồng ICO từ lâu, người chơi biết được nhưng không tài nào rút vốn ra. |
Dựa trên mô hình kinh tế Ponzi nhưng lending coin biến tướng thu hút người chơi vì nguồn tiền được nạp vào để đầu tư chủ yếu sử dụng hai kênh là Bitcoin và Ethereum, hai đồng tiền điện tử sở hữu tính ẩn danh, đang phát triển mạnh mẽ, tiện lợi.
Sau khi người chơi nạp tiền hoàn tất, việc còn lại là ngồi chờ hệ thống trả lãi. Lãi suất không được quy định trước nhưng người tham gia vững tin do bản chất lending coin trả lãi rất cao, trên 40% mỗi tháng. Nhiều trường hợp chỉ sau vài tháng số tiền vốn được nhân lên vài chục lần.
Bằng nhiều mánh lới kêu gọi lòng tin từ người đầu tư, các sàn xây dựng được một cộng đồng vững tin vào tương lai của dự án (thường là kinh doanh dịch vụ công nghệ). Việc còn lại, họ chỉ cần thao túng giá cả của các mã token nhằm kéo dài sự sống cho dự án. Một số dự án sử dụng tiền của người đầu tư để mua Bitcoin và giao dịch kiếm lời để trả lãi cho người chơi.
Ngoài ra, giá trị thặng dư để trả lãi còn đến từ việc người mua tăng nhanh, người sau tự nuôi người trước. “Nếu một cộng đồng lending coin không được xây dựng từng ngày, không có người mới vào chắc chắn nó sẽ chết”, anh Quốc - một nhà đầu tư ICO chia sẻ.
Ẩn danh 'cá mập' thao túng thị trường
Ở giai đoạn đầu đời của dự án, chủ sàn dùng mọi cách để tạo nên các cơn sốt đầu tư. Họ tự lập các trang chợ đen, niêm yết mức giá cao (10-20 USD/token), hứa hẹn tương lai thành công của dự án, mở các buổi hội thảo ở nơi sang trọng, khoe khoang những thành công của bản thân và nói về tương lai. Người chơi mới thấy dự án được niêm yết giá cao, hạ tầng cao cấp thường nghĩ dự án có giá trị nên mua vào.
Sau khi có một lượng người mua nhất định, họ thành lập ra các sàn nội bộ, một dạng sàn giao dịch nơi người chơi mua bán mã token mà mình có để kiếm lời. Không chỉ người chơi, chủ sàn, người nắm giữ một lượng lớn token cũng tham gia giao dịch trong sàn nhằm thao túng giá. Chủ sàn thực hiện thủ thuật xả mã token số lượng lớn khiến giá giảm mạnh núp bóng "cá mập".
Chủ sàn thường là người đứng sau quá trình làm giá đồng ICO để trục lợi. Ảnh: CoinTelegraph. |
Khi số người chơi và lượng mã token đã đến mức giới hạn, chủ dự án tiếp tục duy trì nó bằng một số thủ thuật thao túng giá trị. Để thực hiện việc này, các dự án thường không phát hành quá 3 triệu mã token vì nếu vượt quá số lượng này, các thủ thuật bơm/xả vốn khó được chủ sàn kiểm soát.
"Trường hợp chủ sàn bán quá 70% số token sẽ không thể điều phối giá trị đồng tiền. Lúc này họ thực hiện thủ thuật 'rung cây dọa khỉ'. Chỉ cần chủ sàn thông báo bị hack, bảo trì vài ngày, người chơi sẽ hoang mang, bán tháo số token mà họ đang nắm giữ với giá rẻ mạt. Chủ sàn lại tiếp tục quy trình mua giá rẻ bèo, bơm tin tốt và bán lại với giá tăng dần. Cứ như thế, quá trình bán nhiều mua ít là nguồn lợi nhuận trả lãi đều đặn cho những người sở hữu token ICO", anh Minh Hoàng nói về thủ thuật làm giá trên sàn nội bộ của chủ dự án, cũng là chủ sàn.
Dùng tiền đổi lấy những con số
Khi đã kêu gọi đủ số vốn cũng là lúc nguồn thu chi đã vững mạnh, chủ dự án sẽ niêm yết lên các sàn quốc tế, kết thúc quá trình lending, ngưng trả lãi cho nhà đầu tư.
Lúc này giá trị đồng tiền của dự án được chính những người sở hữu, người đầu tư quyết định thông qua việc mua bán. Nếu dự án thực sự có nền tảng, làm ăn sinh lãi để trả lợi tức cho người tham gia thì coi như dự án ICO đã thành công mỹ mãn.
Sau khi kết thúc quá trình lending, đồng Bitconnect suy sụp chỉ trong 2 giờ. |
Tuy nhiên, đa phần các dự án ICO biến tướng được lập ra với mục đích lừa đảo hoặc đầu tư những lĩnh vực mạo hiểm. Nếu thành công thì lợi nhuận cao dư sức trả cho người chơi, nếu thất bại họ dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm.
Thậm chí ở giai đoạn đã lên sàn giao dịch, những đồng này cũng chỉ được mua bán bởi chính chủ sàn. Họ tự mua, tự bán mỗi ngày với tổng giá trị giao dịch chỉ vài trăm nghìn USD đổ lại để tạo sự sống ảo cho đồng tiền ảo của họ.
Đến cuối cuộc chơi, bong bóng ICO chính thức vỡ khi người đầu tư sở hữu trong tay số lượng coin có giá trị rất cao nhưng bán không ai mua. Lúc này họ rơi vào tình cảnh dùng tiền thật để đổi lấy những con số được gán cho giá trị rất cao nhưng không sử dụng được. Ngoài ra, còn có tình trạng một số người chơi giữ mã token giá trị thấp hơn lúc mua kèm theo lời an ủi của chủ sàn “khi nào lên giá thì bán”.
Thời gian tồn tại của ICO dễ nhận biết thông qua lãi suất trả cho người chơi và độ biến động giá cả của token. Dự án nào trả lãi thấp, có kế hoạch kinh doanh, sản phẩm cụ thể và có biểu đồ giá ổn định thường có thời gian tồn tại lâu hơn và xác suất thành công cao hơn.
Chỉ trong ngày 16/1, giá đồng Bitconnect, đồng tiền được cảnh báo từ lâu đã giảm từ 331 USD xuống 21 USD. Điều này là minh chứng cụ thể cho mô hình ICO đa cấp lừa đảo, không có mô hình kinh doanh cụ thể. Người chơi chỉ quan tâm lợi nhuận, một khi kết thúc quá trình cho vay sẽ rút tháo vốn khiến đồng tiền suy sụp.