"Trâu cày" tiền số được nhiều người biết đến qua hình ảnh những khung sắt lấp đầy card đồ hoạ. Với nhược điểm là tốn diện tích và dễ hỏng hóc, giới "thợ mỏ" đã chuyển dần qua máy đào tự động chuyên dụng (ASIC). Việc này giúp tiết kiệm không gian, thời gian, đặc biệt loại máy đào chuyên dụng này có khả năng khai thác vô cùng mạnh mẽ.
Tuy công nghệ đã hỗ trợ cho "công cuộc khai khoáng" dễ dàng tiếp cận hơn, nhưng không phải ai cũng đào được "mỏ vàng" cho riêng mình. Một số nhà đầu tư ở Việt Nam đã phải ngậm ngùi rút dây điện, nghỉ đào để không phải lỗ thêm tiền điện mỗi tháng.
Chết vì suy nghĩ 1+1=2
Nhiều "thợ mỏ" nghiệp dư, chân ướt chân ráo bước vào lĩnh vực này với công thức thu hồi vốn khá đơn giản. Mỗi ngày trừ tiền điện và các chi phí thì thu được 10 USD, mỗi tháng 300 USD, 8 tháng 2.400 USD, hoàn vốn.
Thế nhưng thực tế không dễ dàng như vậy.
"Công thức này chứa rất nhiều biến số và cả sự may mắn. Các yếu tố khác có thể kể đến như giá máy đào thời điểm mua vào, giá trị đồng tiền số lên xuống, giá điện và đặc biệt quan trọng là số lượng máy mới ra đời", anh Hưng Trần, một "thợ mỏ" lâu năm tại TP.HCM chia sẻ.
Mỏ đào Bitcoin có giá trị chục tỷ với mỗi máy đào có giá từ 40-100 triệu đồng. Ảnh: Xuân Tiến. |
Đào tiền điện tử là hình thức sử dụng sức mạnh của máy tính để giải mã các giao dịch, từ đó sản sinh các đồng tiền số. Một khối tiền điện tử sẽ xuất hiện và tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định.
Vì cùng một lượng chuỗi mã xuất hiện trong một khoảng thời gian, số lượng máy càng nhiều thì lợi nhuận càng thấp, nhưng vẫn tiêu tốn từng ấy điện.
Mỗi đợt máy mới ra đời thì lợi nhuận này mất đi tương ứng. Máy mới sản xuất quá ồ ạt đôi khi khiến mức lợi nhuận giảm 10 lần chỉ trong vài tháng, khiến công thức tính lợi nhuận trên không còn chính xác nữa.
"Nhiều thợ mỏ lựa chọn các loại máy đào đã ra đời từ lâu với mức giá hợp lý để giảm sức cạnh tranh với các dòng mới. Ví dụ như Antmine S9, loại máy đào thuật toán SHA 256 đã có từ nhiều năm trước. Nếu lô hàng tiếp theo của S9 ra mắt thì lợi nhuận giảm sẽ không đáng kể vì vốn dĩ máy đã quá nhiều", anh Hoàng Sơn, chủ một trại ký gửi máy đào tại Tân Bình, TP. HCM cho biết.
Máy đào tiền ảo có hiệu năng hoạt động cao và dễ dàng sửa lỗi hơn các dàn "trâu" VGA. Ảnh: Xuân Tiến. |
Ngoài ra, giá điện là vấn đề khiến rất nhiều người chơi quan tâm. Mỗi máy đào tiêu tốn hơn 2 triệu tiền điện mỗi tháng. Giá điện chỉ cần thay đổi vài trăm đồng đã có thể giảm ngay lợi nhuận mỗi máy đào xuống vài trăm nghìn mỗi tháng, khiến thời gian thu hồi vốn dãn ra. Càng kéo dài thời gian thu hồi vốn thì rủi ro của nhà đầu tư càng gia tăng và khó kiểm soát.
Vừa qua, Bộ Công thương áp giá điện kinh doanh cho dịch vụ giải mã tiền số khiến nhiều chủ trâu đành ngậm ngùi "rút dây điện nghỉ đào" để tránh lỗ thêm nặng. Nguyên do nằm ở một số thợ mỏ nhập vào với giá trị quá cao cộng với việc chịu bão giá khi coin lao dốc khiến họ không có cách nào để hoàn vốn nữa.
Nếm đắng vì điên cuồng mua trâu theo trào lưu
Tháng 11/2017 ghi nhận mức giá máy đào coin tăng kỷ lục. Model máy đào Antmine S9 từ Bitmain bình thường có giá khoảng 40 triệu đã tăng lên 90-110 triệu đồng. Nhiều người ồ ạt mua máy với hy vọng chỉ cần 4-5 tháng đã có thể hoàn vốn bởi giá Bitcoin thời điểm đó rất cao.
Không chỉ máy đào mà các "giàn trâu" VGA cũng trong tình trạng cháy hàng trầm trọng. Các đơn hàng phải chờ vài tháng ngày một nhiều hơn. Thương lái tha hồ thi nhau đẩy giá lên 3-4 lần.
Thế nhưng cuối tháng 12, giá Bitcoin lao dốc thảm hại, những người mới tham gia lĩnh vực này gần như không còn hy vọng lấy lại vốn nữa và giá máy cũng đã quay về mức hợp lý.
Rủi ro không chỉ có vậy, ngay từ khâu mua máy, những thợ mỏ gà mờ có thể bị "thuốc" dễ dàng bởi những "lái trâu" thiếu trung thực. "Tuổi đời một máy đào Bitcoin khoảng hơn 1 năm. Nếu 8 tháng là thời gian hoàn vốn thì những tháng tiếp theo là thời gian kiếm lời của nhà đầu tư", anh Hưng Trần nói thêm.
Bitmain, hãng máy đào nổi tiếng từ Trung Quốc xuất hiện phổ biến tại các mỏ đào Việt Nam. Ảnh: Xuân Tiến. |
Bằng nhiều chiêu trò bất chính, một số thương lái lại tranh thủ dùng máy mới để "đào tiền" trước 1-2 tháng, sau đó mông má, thổi bụi lại, làm mới và bán cho người đầu tư. Thiệt hại 1-2 tháng tuổi thọ máy tưởng như đơn giản, nhưng có ảnh hưởng sống còn đến các nhà đầu tư.
Nếu mua phải những máy này, thời gian kiếm lời sẽ giảm xuống đáng kể, tốn kém chi phí, thời gian sửa chữa, gây thiệt hại cho "người chăn trâu". Vì vậy lựa chọn thương lái uy tín đang là vấn đề khiến nhiều người đầu tư hoang mang.
Một thực tế là máy đào tiền ảo bền, tốt sẽ có giá rất cao. Tuy nhiên những loại này thường chỉ được các "thợ mỏ nghiệp dư" lựa chọn vì tính ổn định. Giới chuyên nghiệp lại không xem đây là lựa chọn tối ưu. Vì máy quá đắt sẽ kéo dài thời gian hoàn vốn. Điều này khiến người đầu tư khó kiểm soát các rủi ro như giá tiền ảo, tiền điện, và các lô máy mới. Máy giá rẻ với thời gian hoàn vốn nhanh thường được xem là lựa chọn hàng đầu.
Với hàng loạt các yếu tố liên tục thay đổi kể trên, thời gian hoàn vốn càng nhanh càng giúp thợ mỏ kiểm soát rủi ro. Ngành công nghiệp khai thác tiền số ở Việt Nam thật sự chỉ dành cho những người chơi chuyên nghiệp.
Nếu không có kiến thức thì việc mua máy và ký gửi tại các "trại trâu" là lựa chọn an toàn cho người mới tiếp cận cách kinh doanh này. Khi đó, các chủ "trại trâu" sẽ kiêm luôn dịch vụ trông nom, bảo dưỡng và đảm bảo đầu ra nhất định cho những nhà đầu tư non tay.