AFP dẫn lời ông Michael Elleman, chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên, cho biết tên lửa được phóng ngày 28/7 của Bình Nhưỡng vẫn còn hạn chế. Cụ thể, phần bảo vệ đầu đạn trong quá trình vào lại khí quyển đã bị vỡ.
"Nó gần như bị vỡ thành từng mảnh... Trước đó, nhiều phần bên ngoài đã bị rơi ra", ông Elleman nhận định.
Đánh giá trên được ông đưa ra sau khi theo dõi đoạn video được quay từ đảo Hokkaido của Nhật Bản, cho thấy một vật thể bay bị vỡ ở độ cao khoảng 10 km.
Vụ phóng tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên. Ảnh: Reuters. |
Ông khẳng định nếu không có lớp bảo vệ đúng chuẩn trong quá trình hồi quyển, đầu đạn của tên lửa sẽ bốc cháy trước khi tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đang cho thấy sự tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ tên lửa và có thể khắc phục điều này trong năm 2018.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) xuống vùng biển Nhật Bản vào đêm 28/7 và khẳng định cả nước Mỹ đều nằm trong tầm bắn của tên lửa này.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói tên lửa bay được khoảng 45 phút trước khi rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, chưa có báo cáo về thiệt hại.
Lầu Năm Góc cho biết tên lửa của Bình Nhưỡng bay được khoảng 1.000 km, đạt độ cao 3.700 km và xác nhận đây là tên lửa đạn đạo liên lục địa
Trước đó, hồi đầu tháng 7, Triều Tiên tuyên bố lần đầu tiên phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.