Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hy Lạp, Macedonia lại đưa nhau ra LHQ vì tranh cãi tên nước

Hy Lạp đã phản đối việc sử dụng tên Macedonia kể từ khi đất nước Balkan tuyên bố tách ra từ Nam Tư vào năm 1991, khiến việc gia nhập EU và NATO của Macedonia gặp nhiều trở ngại.

Hôm 17/1, Hy Lạp và Macedonia đã quay lại nhờ Liên Hợp Quốc "phân xử" nhằm tìm ra giải pháp giúp khép lại cuộc tranh cãi kéo dài suốt 27 năm qua về tên của đất nước thuộc Liên bang Nam Tư cũ.

AFP đưa tin đặc phái viên LHQ Matthew Nimetz quyết định gặp mặt các nhà ngoại giao từ cả hai nước trên tại trụ sở LHQ sau khi chính phủ mỗi bên một lần nữa bày tỏ mong muốn giải quyết tranh chấp.

tranh cai ten nuoc Macedonia anh 1
Quân đội Macedonia tuần tra gần biên giới với Hy Lạp. Ảnh: Reuters.

"Tôi nghĩ người dân ở cả hai nước có lẽ đã sẵn sàng để lắng nghe một số giải pháp phù hợp với lợi ích quốc gia nhưng cũng chứa đựng các yếu tố mang tính thỏa hiệp giúp giải quyết vấn đề", ông Nimetz nói trong cuộc phỏng vấn với truyền hình nhà nước Hy Lạp.

Ông Nimetz, nhà ngoại giao người Mỹ đã cố gắng giải quyết cuộc tranh chấp từ năm 1994, nói rằng ông nhìn thấy một vài "động lực tích cực". Tuy nhiên, một nguồn tin từ LHQ cho hay khả năng không đạt được đột phá vẫn hiện diện.

Hy Lạp vẫn duy trì lập trường rằng việc sử dụng tên gọi Macedonia cho thấy Skopje có yêu sách lãnh thổ với vùng đất cũng có tên gọi Macedonia nằm ở phía bắc Hy Lạp, nơi có hai thành phố cảng Thessaloniki và Kavala.

tranh cai ten nuoc Macedonia anh 2
Macedonia trùng tên với một vùng phía bắc Hy Lạp. Đồ họa: BBC.

Khi Macedonia gia nhập LHQ với tên chính thức là Cộng hòa Nam Tư Cũ Macedonia (viết tắt tiếng Anh: FYR Macedonia hay FYROM), Hội đồng Bảo an đã thừa nhận rằng đây chỉ là tên tạm thời. Macedonia cũng được kết nạp vào Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế dưới tên này.

Một số giải pháp được đưa ra bao gồm sử dụng tên "New Macedonia" (Tân Macedonia) hoặc "Northern Macedonia" (Bắc Macedonia). Tuy nhiên, phe chủ nghĩa dân tộc ở Hy Lạp cho rằng tên gọi của đất nước Balkan hoàn toàn không được phép chứa từ Macedonia.

Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev hồi tháng này nói rằng ông tin tưởng giải pháp có thể được đưa ra trước tháng 7, trong khi người đồng cấp Hy Lạp Alexis Tsipras từng nói vấn đề nên được giải quyết xong trong năm nay.

Vịnh nhỏ châu Âu dậy sóng vì tranh chấp Croatia - Slovenia

Tòa quốc tế sắp ra phán quyết về tranh chấp lâu năm giữa Slovenia và Croatia, 2 quốc gia tách ra từ Nam Tư cũ, xung quanh vịnh Piran và vùng đất bao quanh chỉ rộng 13 km2.

'Con đường Balkan' đông nghẹt người tới châu Âu

Bất chấp mưa to, gió lớn, bùn đất và nhiệt độ lạnh giá, hàng nghìn người nhập cư bất hợp pháp di chuyển qua “con đường Balkan” để tới châu Âu.

Đông Phong

Bạn có thể quan tâm