Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hy Lạp - cửa ngõ cho tham vọng châu Âu của Trung Quốc

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm chính thức Hy Lạp hôm 11/11, đánh dấu "kỷ nguyên mới" của sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước, vốn đang được EU và Mỹ theo dõi sát sao.

"Hy Lạp không chỉ công nhận Trung Quốc là siêu cường, mà còn là một quốc gia đã tự mình giành chiến thắng, vượt qua những khó khăn để đóng vai trò kinh tế và chính trị địa chiến lược hàng đầu", Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis nói khi đón tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Athens.

Đến tối, trong buổi tiệc chào mừng ông Tập đến thăm, Tổng thống Hy Lạp Prokopis Pavlopoulos tuyên bố: "Chuyến thăm lần này mở ra một chương mới, có tầm quan trọng trong mối quan hệ vốn đã rất tuyệt vời giữa Trung Quốc và Hy Lạp.

Hy Lap cua ngo tien vao chau Au cua Trung Quoc anh 1
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đưa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới thăm cảng Piraeus ở gần Athens. Ảnh: AP.

"Đầu rồng"

Bài viết của Al Jazeera nhận định rằng Athens đang rất hào hứng để đóng một vai trò quan trọng hơn trong kế hoạch vươn ra thế giới của Trung Quốc. Trong chuyến thăm lần này của ông Tập, phái đoàn hai bên đã ký 16 thỏa thuận hợp tác, trong đó nổi bật nhất là các dự án đầu tư năng lượng của Trung Quốc vào Hy Lạp.

Một chi nhánh của Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc (ICBC) sẽ được mở tại Athens để hỗ trợ tài chính cho các dự án năng lượng tái tạo. Một nhà máy điện mặt trời công suất 50 megawatt cũng đang được xây dựng trên đảo Crete với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Tập đoàn Xây dựng Năng lượng Trung Quốc (CEEC).

Al Jazeera nhận định mối quan hệ giữa Athens và Bắc Kinh hết sức nồng ấm trong năm nay, sau khi chính phủ bảo thủ mới đắc cử của Hy Lạp phê duyệt những khoản đầu tư trị giá 611 triệu euro từ Trung Quốc, vốn đã bị đóng băng 18 tháng trước đó dưới chính phủ của đáng Syriza cánh tả.

Trong vòng 5 năm tới, các khoản đầu tư này - được gọi là "kế hoạch tổng thể" - sẽ nâng số tiền mà Công ty Vận tải Biển Trung Quốc (COSCO) đầu tư vào cảng Piraeus lên gần 3 tỷ USD. Đây chính là dự án đầu tư chiến lược của Bắc Kinh vào Hy Lạp, nằm trong sáng kiến Vành đai & Con đường và là nơi mà ông Tập gọi là "đầu rồng".

COSCO đã phát triển Piraeus như một điểm nhập cảnh và trung chuyển cho hàng hóa Trung Quốc trong một thập kỷ qua. So với các cảng nước sâu ở phía bắc như Hamburg, Rotterdam and Antwerp, lợi thế của Piraeus là nó tiết kiệm được 1 tuần di chuyển trên biển và 2 triệu USD cho mỗi chuyến tàu. Điều này khiến cho Piraeus trở thành một liên kết quan trọng trong sáng kiến Vành đai và Con đường - kế hoạch gồm hàng trăm công trình cơ sở hạ tầng giúp giảm chi phí xuất khẩu của Trung Quốc sang châu Âu và châu Phi.

Nhờ sự đầu tư của COSCO, số lượng container đi qua cảng Piraeus đã tăng từ 685.000 vào năm 2010 lên tới 5 triệu vào năm 2018. Piraeus chính thức trở thành cảng bận rộn nhất ở khu vực Địa Trung Hải trong năm nay, và hiện 10% hàng hóa Trung Quốc đến châu Âu đi qua cửa ngõ này, nhưng như thế là chưa đủ.

Hy Lap cua ngo tien vao chau Au cua Trung Quoc anh 2
Dưới dòng tiền đầu tư của Trung Quốc, chính phủ Hy Lạp hy vọng cảng Piraeus sẽ trở thành cảng hàng hóa bận rộn nhất châu Âu. Ảnh: New York Times.

Hôm 4/11, Thủ tướng Mitsotakis đã tới Thượng Hải làm việc trực tiếp với chủ tịch COSCO là ông Xu Lirong. Ông Xu khi đó tuyên bố: "Chúng tôi dự định biến Piraeus thành cảng lớn nhất châu Âu, và kế hoạch tổng thể lần này sẽ giúp chúng tôi thành công. Chúng tôi muốn đưa Piraeus trở thành trung tâm vận chuyển hàng hóa toàn cầu, theo mô hình của Singapore".

Để trở thành cảng lớn nhất châu Âu, năng suất xử lý hàng hóa của Piraeus sẽ phải vượt mốc 10 triệu container/năm và chắc chắn nó sẽ cần hàng tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện cảng Rotterdam ở Hà Lan đứng đầu châu lục với 14,5 triệu TEU, Antwerpt của Bỉ xếp sau với 11 triệu và Hamburg đứng thứ 3 với gần 9 triệu.

Đồng minh tự nhiên

"Chúng tôi là quốc gia đi biển. Hy Lạp kiểm soát 25% phi đội tàu biển thương mại của thế giới. Vì vậy sự hợp tác với Trung Quốc, nền kinh tế xuất khẩu lớn nhất thế giới, là điều hiển nhiên", ông Misotakis phát biểu tại Triển lãm Xuất khẩu Quốc tế Trung Quốc diễn ra ở Thượng Hải hôm 5/11.

Bằng cách đầu tư vào Piraeus, Trung Quốc đang giúp hiện thực hóa giấc mơ kéo dài hàng thập kỷ của giới chủ tàu Hy Lạp nhằm tạo ra một trung tâm dịch vụ, vận chuyển, quản lý và sửa chữa tàu biển cũng như các dịch vụ tài chính và bảo hiểm.

Các ngân hàng Trung Quốc đã cho chủ tàu Hy Lạp vay 3 tỷ USD để đóng thêm tàu ở những xưởng đóng tàu tại đại lục. Ông Mitsotakis cho biết Hy Lạp đã mua hơn 1000 tàu từ các xưởng đóng tàu Trung Quốc trong vòng 15 năm qua.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích nhận định mặc dù mối quan hệ hiện tại là rất nồng ấm, những lợi ích mà hai bên đạt được có thể sẽ không cân xứng.

"Theo tính toán của chúng tôi, phía Hy Lạp sẽ chỉ nhận được khoảng 1% những lợi ích tổng thể mà Piraeus mang lại", ông Plamen Tonchev, người đứng đầu nhánh các vấn đề Trung Quốc tại Viện Quan hệ Kinh tế và Quốc tế tại Athens, cho biết.

Dưới sự quản lý của COSCO, doanh thu của Piraeus đã tăng lên 30% và lợi nhuận thì tăng gấp 4. Năm 2018, cảng trả số cổ tức 11 triệu USD và 24% trong số đó được chuyển cho chính phủ Hy Lạp.

Mặc dù chấp thuận việc COSCO mua lại Cơ quan Quản lý cảng Piraeus vào năm 2016, Ủy ban châu Âu cũng đã bày tỏ sự dè dặt về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Hy Lạp.

Sự ảnh hưởng này được thể hiện rõ nhất dưới chính phủ trước của Hy Lạp do đảng Syriza lãnh đạo. Ông Syriza lên nắm quyền vào năm 2015 với lời hứa chấm dứt các chính sách thắt lưng buộc bụng mà các nước Eurozone áp đặt cho Hy Lạp kể từ cuộc khủng hoảng nợ năm 2010.

Ông cố gắng để tiếp cận các khoản vay lớn từ Trung Quốc và Nga, mặc dù đã không thành công, với hy vọng điều đó sẽ làm đối trọng cho đòn bẩy mà các nước Eurozone nắm giữ - đó là 2/3 khoản nợ công của Hy Lạp.

Như một phần của nỗ lực này, ông Syriza chủ động bênh vực Bắc Kinh tại EU. Vào tháng 6/2016, ngay sau khi cảng Piraeus được bán cho Trung Quốc, Hy Lạp chặn một tuyên bố chung của EU nhằm kêu gọi Trung Quốc tôn trọng luật biển quốc tế. Khi đó Bắc Kinh vừa thua trong vụ kiện của Philippines lên tòa trọng tài quốc tế ở La Hague về Biển Đông.

Mặc dù Croatia và Slovenia cũng phản đối tuyên bố chung này, nhưng sự phản đối của Hy Lạp - quốc gia kỳ cựu của EU (gia nhập năm 1981), mới khiến các nhà phân tích quan ngại.

Hy Lap cua ngo tien vao chau Au cua Trung Quoc anh 3
Thủ tướng Hy Lạp Mitsotakis đón tiếp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Athens hôm 5/10. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Athens.

Mỹ chắc chắn là không hài lòng, trong chuyến thăm Athens tháng trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã cảnh báo Hy Lạp về Trung Quốc và nói rằng đây là việc "một quốc xuất hiện với thứ mà trên bề mặt là sản phẩm thương mại, nhưng hóa ra sản phẩm đó lại được tặng để đổi lấy lợi ích chính trị".

Ông Pompeo cũng đặc biệt nhấn mạnh Hy Lạp nên suy nghĩ kỹ trong việc mua các thiết bị 5G từ Trung Quốc.

Trong chuyến thăm tới Thượng Hải, ông Mitsotakis đã có cuộc gặp với lãnh đạo tập đoàn ZTE về việc xây dựng một nhà máy của công ty này ở Hy Lạp để sản xuất thiết bị viễn thông.

Trong một thập kỷ mà nền kinh tế Hy Lạp suy giảm tới 25% quy mô do các biện pháp thắt lưng buộc bụng, tham vọng của Trung Quốc nhằm có được một vị thế lâu dài ở quốc gia này đã được đón nhận.

"Công ty của ông nói riêng và Trung Quốc nói chung đã tin tưởng và đầu tư vào đất nước tôi trong thời điểm mà nhiều người cảm thấy rằng triển vọng đầu tư vào Hy Lạp là không có", ông Mittsotakis nói với chủ tịch COSCO tại Thượng Hải.

Nhà khoa học TQ nhận tội ăn cắp bí mật thương mại tỷ đô của Mỹ

Bộ Tư pháp Mỹ cho biết nhà khoa học Trung Quốc đánh cắp thông tin về cách chế tạo một sản phẩm với tổng giá trị hơn 1 tỷ USD. Ông bị bắt giữ trước khi về nước vào tháng 12/2018.

Báo cáo chiến lược của Mỹ công kích TQ 'ngang ngược', gây bất ổn

Báo cáo Bộ Ngoại giao Mỹ về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cập nhật những bước tiến sau 2 năm công bố, đồng thời chỉ trích các hành động gây bất ổn của Trung Quốc.


Sơn Trần

Theo Al Jazeera

Bạn có thể quan tâm