Báo cáo dài 30 trang, mang tên "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở: Thúc đẩy tầm nhìn chung", được Bộ Ngoại giao Mỹ công bố ngày 3/11 nêu chi tiết những bước tiến của chính phủ Mỹ liên quan đến chiến lược mà Tổng thống Donald Trump công bố tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC tháng 11/2017 ở Đà Nẵng, Việt Nam.
Báo cáo mới nhất về "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Mở" (FOIP) bao gồm 5 nội dung chính là: tiếp cận đối tác và thể chế khu vực, củng cố thịnh vượng kinh tế, thúc đẩy quản trị tốt, đảm bảo hòa bình và an ninh, đầu tư vào nguồn nhân lực.
Bản báo cáo được mô tả là tài liệu cập nhật việc xúc tiến chiến lược FOIP sau gần 2 năm. Ngoại tưởng Mỹ nhấn mạnh đây mới là giai đoạn đầu của chiến lược. Văn bản được công bố giữa lúc cam kết của Mỹ với khu vực được đặt trước nhiều hoài nghi, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vắng mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ vừa qua tại Thái Lan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ở APEC 2017, tổ chức tại Đà Nẵng, Việt Nam. Ảnh: Reuters. |
Tiếp tục lo ngại "cường quốc xét lại"
Trong thông điệp mở đầu báo cáo, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh Mỹ hợp tác sâu rộng và cam kết đảm bảo sự thịnh vượng của toàn khu vực. Ông khẳng định Mỹ đang "gia tăng mật độ và quy mô" phối hợp cùng các đồng minh, đối tác và nhiều thiết chế khu vực từ ASEAN, nhóm nước Mekong, đến nhóm đảo quốc Thái Bình Dương.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngay từ những nội dung đầu tiên đã gián tiếp bày tỏ mối quan ngại về sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với khu vực.
Văn bản này cáo buộc "những cường quốc xét lại", cách Washington gọi Trung Quốc và Nga trong nhiều báo cáo chiến lược thời gian qua, "đang tìm cách thúc đẩy những lợi ích hẹp hòi của mình bất chấp lợi ích của những nước khác". Báo cáo nhận định cuộc cạnh tranh giữa "tầm nhìn tự do hay cưỡng ép cho trật tự quốc tế tương lai" đang là thách thức có sức tác động lớn nhất đối với lợi ích của Mỹ và các đối tác.
Khái niệm "chiến thuật toàn chính phủ" trong xúc tiến chiến lược FOIP cũng chính thức được đưa vào báo cáo sau khi nhiều lãnh đạo và quan chức cấp cao tại Washington liên tiếp đề cập trong thời gian qua.
Lần gần nhất, trong bài phát biểu ngày 23/10 tại Viện Brookings, Bộ trưởng Hải quân Mỹ Richard Spencer đã lặp lại nhu cầu huy động nguồn lực toàn chính phủ trong đối phó Trung Quốc.
Trong 4 giá trị cốt lõi của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Washington thúc đẩy, có đến 3 điểm liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và các vùng biển khu vực, gồm: (1) tôn trọng chủ quyền và sự độc lập của mọi quốc gia; (2) giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và (3) tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không.
Giá trị thứ 4 được báo cáo nhắc đến là "thương mại tự do, công bằng và có qua có lại dựa trên đầu tư mở, thỏa thuận minh bạch và tính kết nối khu vực". Nội dung này gián tiếp nhắm đến chiến lược Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc với mô hình cho vay phát triển cơ sở hạ tầng.
Giới chức Washington nhiều lần chỉ trích mô hình của Trung Quốc thiếu bền vững và đẩy các nước nghèo vào bẫy nợ, phải đánh đổi chủ quyền cho các khoản vay thiếu minh bạch.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ tiếp tục nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đối với cấu trúc khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ. |
Xây dựng mạng lưới đối tác an ninh
Báo cáo cũng nhấn mạnh Washington đặt mục tiêu xây dựng "mạng lưới các đối tác an ninh cùng chí hướng", với sức bền bỉ và mức độ linh hoạt cao để đối phó những thách thức chung trong khu vực.
Báo cáo cho biết Mỹ đang chia sẻ thông tin và hỗ trợ xây dựng tiềm lực cho các lực lượng an ninh trong khu vực để "bảo vệ khu vực hàng hải" và "đối phó tập thể với những mối đe dọa mới nổi", bên cạnh các thách thức khác như tội phạm xuyên quốc gia và vấn đề môi trường.
Mỹ tái khẳng định duy trì hiện diện quân sự tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với gần 375.000 quân nhân và nhân sự trực thuộc Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM). Hiện diện quân sự tiền tiêu của Mỹ tiếp tục được củng cố với việc gia hạn thỏa thuận sử dụng cơ sở hải quân, không quân và hỗ trợ hậu cần tại Singapore thêm 15 năm.
Hợp tác an ninh với khu vực được mở rộng quy mô sang các thách thức phi truyền thống như chống tội phạm xuyên quốc gia, bao gồm: đánh bắt cá trái phép, buôn lậu, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, tội phạm mạng, cùng những hoạt động phạm tội xuyên biên giới khác.
Mỹ trong năm qua cũng tổ chức chuỗi tập huấn đầu tiên trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) về an ninh hàng không và chia sẻ thông tin.
Báo cáo cho biết Mỹ tiếp tục tăng cường hợp tác với các đồng minh then chốt để giải quyết nhiều thách thức an ninh và trật tự kinh tế tương lai của khu vực, điển hình là mô hình "Bộ tứ Kim cương" với các đối tác Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.
Washington cũng hai lần nhấn mạnh tầm "quan trọng chiến lược" của Việt Nam trong cục diện khu vực, đặt trong bối cảnh sắp tiếp nhận ghế chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020 và thành viên nhóm các quốc gia sông Mekong.
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ và tàu sân bay trực thăng JS Uzumo của Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) diễn tập trên Biển Đông vào tháng 6. Ảnh: Hạm đội 7. |
Công kích trực tiếp Trung Quốc
Đặc biệt về phương diện hàng hải, báo cáo nhấn mạnh Mỹ tăng cường hợp tác cùng các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "duy trì tự do hàng hải và các khía cạnh sử dụng biển phù hợp luật pháp quốc tế, để mọi quốc gia được tiếp cận và hưởng lợi từ những lợi ích hàng hải chung".
"Trong khu vực Biển Đông, chúng tôi kêu gọi mọi bên tranh chấp, trong đó có Trung Quốc, giải quyết xung đột một cách hòa bình, không sử dụng cưỡng ép và phù hợp với luật pháp quốc tế", báo cáo nhấn mạnh thông điệp.
"Các tuyên bố hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông, mà điển hình sự ngang ngược của 'đường chín đoạn', là không có cơ sở, bất hợp pháp và vô lý. Những tuyên bố này vốn dĩ không có cơ sở về pháp lý, lịch sử và địa lý, đồng thời buộc các nước khác phải trả giá đắt", báo cáo nhấn mạnh.
"Thông qua liên tiếp những hành động khiêu khích trong nỗ lực áp đặt đường chín đoạn, Bắc Kinh ngăn cản các thành viên ASEAN tiếp cận dự trữ năng lượng có thể khai thác trị giá đến 2.500 tỷ USD, gây nên bất ổn và rủi ro xung đột", Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ trích.
Mỹ đánh giá cao những hoạt động hợp tác hàng hải với các nước trong khu vực trong 2 năm qua, nhấn mạnh đã đạt được nhiều cột mốc đầu tiên mang tính lịch sử. Báo cáo nhắc lại các sự kiện đáng chú ý trong hợp tác hàng hải như đợt tuần tra chung trên Biển Đông tháng 5 của lực lượng hải quân bốn nước: Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines. Tháng 9 vừa qua, Mỹ và Thái Lan đồng chủ trì đợt huấn luyện hàng hải Mỹ - ASEAN đầu tiên trong lịch sử.
Washington cũng mở rộng Sáng kiến Thực thi Luật pháp Hàng hải Đông Nam Á vào năm 2018. Trong 3 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, chính quyền Mỹ phân bổ hơn 1,1 tỷ USD cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế (USAID) dành để hợp tác an ninh với các nước Nam Á và Đông Nam Á.
Gần 365 triệu USD được chi cho Sáng kiến An ninh Hàng hải Đông Nam Á (SAMSI) và Sáng kiến Vịnh Bengal. Các chương trình hỗ trợ huấn luyện và trang thiết bị cho các nước tăng cường năng lực nhận diện mối đe dọa, chia sẻ thông tin và "ứng phó tập thể" với các khủng hoảng cả do "thiên nhiên hoặc con người tạo nên".
Sáng kiến An ninh Hàng hải của Bộ Quốc phòng Mỹ và "Mục 333" (về quyền của Bộ Quốc phòng Mỹ củng cố các lực lượng an ninh nước ngoài) cũng chi khoảng 250 triệu USD để tăng cường khả năng chia sẻ thông tin, hiệp đồng, và hợp tác hàng hải đa quốc gia tại khu vực.
Trực thăng H-60R Sea Hawk và tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Wayne E. Meyer của Mỹ tham gia đợt diễn tập hàng hải cùng các nước ASEAN. Ảnh: Hải quân Mỹ. |