Được công bố chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố rằng không có lực lượng nào có thể cản trở những tiến bộ của Trung Quốc, nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bản thảo nói về quan hệ của Thụy Điển với Trung Quốc ở mức thấp nhất trong số tất cả quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Cựu chủ hiệu sách Hong Kong Gui Minhai, công dân Thụy Điển gốc Hoa, đã bị giam giữ 4 năm vì xuất bản các tài liệu chính trị nhạy cảm này.
Trên hết, sự gia tăng của các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Âu đang buộc Thụy Điển - nước ủng hộ tự do thương mại - phải tiến tới xem xét cơ chế sàng lọc đầu tư quốc gia.
Báo cáo chiến lược Trung Quốc của Thụy Điển được đăng tải một ngày sau lễ kỷ niệm 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Ảnh: Kyodo. |
Bjorn Jerden, người đứng đầu chương trình châu Á tại Viện các vấn đề quốc tế của Thụy Điển, cho biết bản thảo chiến lược của Thụy Điển "kêu gọi hợp tác giữa châu Âu và Mỹ để đối phó các thách thức an ninh do sự trỗi dậy toàn cầu của Trung Quốc gây ra".
Theo tài liệu này, việc Trung Quốc phát triển quan hệ với siêu cường ở sân sau của Thụy Điển là Nga cũng gây lo ngại cho các chính trị gia Stockholm.
"Quan hệ của Trung Quốc với Nga đang phát triển, ngay cả khi nó có sự bất ổn", tài liệu cho biết. Bản thảo này được Bộ Ngoại giao Thụy Điển công bố sau khi thu thập ý kiến từ các nhà lãnh đạo chính đảng của quốc hội.
"Mối quan hệ được ràng buộc với nhau bởi lợi ích chung trong việc thay đổi hệ thống quốc tế vì lợi ích của cả hai quốc gia", tài liệu nhấn mạnh.
Theo South China Morning Post, bản thảo cũng hướng sự chú ý của Thụy Điển về mối quan tâm của Trung Quốc đối với nỗ lực giành "ảnh hưởng lớn hơn ở Bắc Cực".
Năm ngoái, Trung Quốc đã chuyển sang mở rộng dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của mình, Sáng kiến Vành đai và Con đường, đến tận phía bắc bằng cách phát triển các tuyến vận tải mà sự nóng lên toàn cầu đã mở ra ở vùng cực.
Trong khi nhấn mạnh rằng Thụy Điển sẽ đồng hành với EU trong chiến lược tổng thể của Trung Quốc, bản thảo gián tiếp tuyên bố rằng khối này đã thất bại trong việc đưa ra kế hoạch toàn diện để kiểm soát nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Thụy Điển thừa nhận trong bản thảo rằng quan hệ song phương với Trung Quốc đang ở tình trạng kém, mặc dù đây là quốc gia phương Tây đầu tiên công nhận Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Trung Hoa gần bảy thập kỷ trước.
"Quan hệ của Thụy Điển với Trung Quốc bị ảnh hưởng xấu bởi một số vấn đề song phương", tài liệu cho biết.
"Một trong số đó là trường hợp của công dân Thụy Điển Gui Minhai bị cầm tù, khi chính quyền Trung Quốc, bất chấp yêu cầu của chính phủ Thụy Điển, từ chối thực hiện các nghĩa vụ theo thỏa thuận lãnh sự quốc tế, và từ chối thực hiện các yêu cầu của Thụy Điển về việc thả Gui", tài liệu nêu rõ.