Ngày 10/12/2014, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hoàn Kiếm (BIDV Hoàn Kiếm) đã tổ chức thanh toán Thẻ tiết kiệm có kỳ hạn tiền bằng Đồng Việt Nam (VND) và Ngoại tệ đôla Mỹ (USD) cho khách hàng gửi tiền tiết kiệm từ các năm 1999 đến năm 2001.
Cụ thể, trong thời gian trên, ngày 13/5/1999, bà Ngô Thị Hợi tại Hà Nội đã gửi sổ Tiết kiệm có kỳ hạn VND số PY 0000933, với số tiền 27 triệu đồng, kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 0,80%/tháng. Ngày 16/10/2001, bà Hợi gửi tiếp sổ Tiết kiệm có kỳ hạn VND số UY 0099589, với số tiền 20 triệu đồng, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 0,55%/tháng và Sổ tiết kiệm có kỳ hạn USD số AN 0007951, với số tiền 7.000 USD, kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 2,25%/tháng.
Anh Phan Anh – con trai bà Hợi cho biết, do mẹ anh tuổi cao, lại mắc bệnh mất trí nhớ nên bà không nhớ ra 3 cuốn sổ tiết kiệm đã gửi tại ngân hàng và đã để quên không tới tất toán 3 sổ tiết kiệm này tới 15 năm. Mãi tới đầu tháng 12/2014, gia đình anh mới phát hiện ra 3 cuốn sổ trên và tới ngân hàng làm thủ tục thanh toán.
Phía ngân hàng, đại diện BIDV Hoàn Kiếm cho biết, ngay sau khi nhận được đề nghị của anh Phan Anh, BIDV Hoàn kiếm đã kiểm tra trên máy chủ và xác nhận các sổ tiết kiệm có kỳ hạn nói trên do BIDV phát hành gần 15 năm trước.
Do chủ sổ là bà Ngô Thị Hợi nay đã già yếu 79 tuổi, có bệnh lý mất trí nhớ...nên ngân hàng đã hướng dẫn anh thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để nhận được số tiền trên về chăm sóc mẹ già.
Một trong 3 cuốn sổ của bà Hồ Thị Hợi gửi tại BIDV Hoàn Kiếm từ năm 1999. |
Đến ngày 10/12/2014, BIDV Hoàn kiếm đã hoàn thành các thủ tục theo quy định và trao lại số tiền gốc và lãi các sổ tiết kiệm có kỳ hạn trên cho gia đình bà Hợi.
Theo đó, Sổ tiết số PY 0000933 đã được nhận tổng giá trị gốc và lãi đến ngày 10/12/2014 là 97.993.500 đồng. Sổ tiết kiệm số UY 099589 đã được nhận tổng giá trị gốc và lãi đến ngày 10/12/2014 là 66.676.900 đồng và sổ tiết kiệm số AN 0007951 đã được nhận tổng giá trị gốc và lãi đến ngày 10/12/2014 là 10.427,77 USD.
Trường hợp của bà Hợi quên sổ tiết kiệm trong tủ 15 năm và được tất toán số tiền gần 400 triệu đồng được cho là may mắn hơn nhiều các trường hợp gửi thời gian trước đó. Số tiền bà Hợi được tất toán cao hơn nhiều so với các trường hợp gửi tiền tiết kiệm từ “thời bao cấp” trước đây nhưng tới nay mới làm thủ tục thanh toán.
Như trường hợp của bà Lê Thị Bích Thủy (quận Bình Thạnh – TP.HCM) gửi tiết kiệm tại ngân hàng VietinBank từ năm 1983 với số tiền gửi lúc bấy giờ 270 đồng (tương đương 2 chỉ vàng thời đó), đến nay toàn bộ số tiền ngân hàng tất toán chỉ là 4.385 đồng.
Nói thêm về việc tất toán sổ tiết kiệm của bà Thủy, tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng giải thích, bà Thủy gửi tiền từ trước năm 1985. Thời điểm năm 1985 nước ta có đổi tiền. Khi rà soát, năm 1985, theo pháp lệnh của Nhà nước về việc phát hành tiền ngân hàng mới thu đổi, ngân hàng cũng quy định Nhà nước phát hành các loại tiền ngân hàng mới.
Theo đó, các cá nhân nắm giữ đồng tiền thì cũng đổi từ tiền cũ sang tiền mới. Qua kiểm tra cho thấy, riêng tiền gửi tiết kiệm nhà nước đã có chính sách ưu đãi đặc biệt đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm còn số dư đến ngày thu đổi”.
Cụ thể theo quy định, đối với những khoản tiền gửi từ 1/3/1978 trở về trước được quy đổi theo tỷ lệ là 1 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Bên cạnh đó, cũng có những giai đoạn được ưu tiên như từ 2/3/1978 đến 31/5/1981 quy đổi là 2 đồng cũ bằng một đồng mới. Từ 1/6/1981 đến 31/12/1984 được quy đổi theo tỷ lệ 6 đồng cũ bằng 1 đồng mới.
Từ 1/1/1985 đến 31/7/1985 được quy đổi theo tỷ lệ 9 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Từ 1/8/1985 đến ngày đổi tiền thì theo tỷ lệ 10 đồng cũ bằng 1 đồng mới. Như vậy, tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm từ thời kỳ ngân hàng ở thứ cấp chuyển sang ngân hàng hai cấp đều được ngân hàng nhà nước chuyển giao cho các ngân hàng thương mại quản lý, thực hiện chi trả cho người gửi tiền.
Bà Hồng khẳng định, không có trường hợp nào ngân hàng nhà nước tự tất toán tiền gửi hay thu phí quản lý đối với khoản tiền nhỏ hay không hoạt động trong thời gian dài.