Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Vụ gửi 'vàng' nhận 'rau': VietinBank nên làm gì?

Nhiều người cho rằng, VietinBank trả cả vốn lẫn lãi là 4.385 đồng cho bà Lê Thị Bích Thủy (TP.HCM) từ khoản gửi tiết kiệm 270 đồng cách đây 30 năm là hành động đúng nhưng chưa đẹp.

Đầu tháng 11, báo Tuổi trẻ có bài viết về trường hợp khách hàng Lê Thị Bích Thủy (tại quận Bình Thạnh, TP.HCM) đã gửi 270 đồng tiền tiết kiệm (theo mệnh giá năm 1983) vào Quỹ tiết kiệm xã hội chủ nghĩa của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Bà Chiểu, theo sự vận động của tổ dân phố lúc đó. Đây được ca ngợi là cử chỉ đẹp, thể hiện lòng yêu nước thiết thực.

Qua 30 năm với nhiều thay đổi, khoản tiền gửi trên được xác định tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh 7. Tuy nhiên, sau nhiều phép quy đổi, tính toán, ở lần xử lý thứ nhất, VietinBank đã xác định số tiền tiết kiệm của bà Thủy hiện bằng 0, do số tiền gửi thấp hơn tiền duy trì tài khoản theo quy định, nên khoản tiền trong sổ bị trừ dần đến hết.

Lần thứ 2, ngày 24/11, VietinBank đã rà soát lại, căn cứ theo các quy định hiện hành để tính toán số tiền gốc, lãi suất quy định từng thời kỳ và thực hiện chi trả tổng cộng 4.385 đồng cho bà Thủy tính đến 30/11/2014. Dù sau 2 lần "nâng lên đặt xuống",  khoản tiền xưa không hề bị "bốc hơi", người gửi sẽ nhận lại được cả gốc lẫn lãi, song cách hành xử của VietinBank với vị khách hàng đặc biệt này đã tạo nên làn sóng tranh luận mạnh mẽ.

Sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Lê Thị Bích Thủy. Ảnh: Tuổi trẻ.

Phải là những người cùng thế hệ với khách hàng Lê Thị Bích Thủy mới hiểu hết giá trị của số tiền 270 đồng vào những năm đầu thập niên 80. Nhân vật chính chia sẻ: "Số tiền này tương đương 5 tháng lương của một công chức và đáng giá tiền sinh hoạt nhiều tháng của một gia đình đông người".

Lời than thở ấy nhận được nhiều đồng cảm của rất nhiều độc giả cùng thời với bà Thủy. "Ngày ấy đồng tiền có giá trị lắm. 270 đồng phải mua được chỉ rưỡi đến 2 chỉ vàng. Nếu gửi vàng thì chắc giờ bà Thủy đã không mất trắng như vậy", bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1950, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

Liên hệ với trường hợp tương tự trong gia đình, độc giả Mạnh Tiến cho biết: "Trước mẹ mình mất mấy tháng lương để mua ngân phiếu, sau này đổi ra được 45.000 cho tất cả số ngân phiếu đó. Giờ số ngân phiếu đang nằm trong tủ để làm kỷ niệm. Và mình hiểu tại sao mẹ mình chỉ thích vàng".

Phần đông ý kiến đều cho rằng, ngân hàng xử lý không sai. Tuy nhiên, cách trả lại sòng phẳng số tiền tương đương 2 chỉ vàng xưa bằng khoản tiền mặt chỉ đủ mua một mớ rau, khiến không ít người cảm thấy chua xót. Như cách nói của một độc giả tại Hà Nội: "VietinBank có thể làm đúng, nhưng chưa đẹp. Nhất là đối với một tấm lòng yêu nước".

Đối với nhiều người, ngân hàng nên chọn hành xử theo cách khác hợp tình hơn. Ngân hàng này lẽ ra phải làm cái việc cần làm để phù hợp với truyền thống uống nước, nhớ nguồn của người Việt.  "Nguyên tắc là đúng, nhưng hệ thống ngân hàng có được ngày hôm nay là nên tri ân những khách hàng đặc biệt như Bà Lê Thị Bích Thủy", độc giả Kiên Trung chia sẻ.

"Kể cả ngân hàng có làm hợp lý đi nữa thì liệu đã hợp tình chưa? Trả sòng phẳng đúng, đủ số tiền 4.385 đồng cho khách hàng sau 30 năm gửi tiền, vậy là hết? Thay vì cách hành xử lạnh lùng ấy, tại sao ngân hàng không có cách giải quyết khác nhân văn hơn để tri ân người đã góp công vì đất nước trong hoàn cảnh khó khăn?", một độc giả khác cũng chung trăn trở với Kiên Trung.

Và điều quan trọng nhất, theo suy nghĩ của nhiều người, cách hành xử có tình cũng sẽ là cơ hội vàng để VietinBank nâng tầm uy tín, xây dựng thương hiệu, xứng đáng với đẳng cấp của một ngân hàng lớn.

Tuy nhiên, cũng có những quan điểm bình tĩnh hơn, cho rằng dư luận nên thông cảm cho ngân hàng. "Vấn đề ở đây theo mình nghĩ là 'lực bất tòng tâm', muốn làm nhưng không được. Ngày nay mọi hoạt động kinh doanh trong hệ thống các ngân hàng thương mại đều bị kiểm soát chặt chẽ. Nên việc 'khoáng hậu' cho bà Thủy (và những trường hợp như bà Thủy) là rất khó, tạo một tiền lệ không mấy lành mạnh, dẫn đến những thất thoát khôn lường.

VietinBank thực sự không thể làm gì hơn ngoài việc áp dụng luật và bàn giao cho bà Thủy 4.385 đồng. Chúng ta chia sẻ sự bất bình với bà Thủy, nhưng 'tiên trách kỷ - hậu trách nhân'. Thiết nghĩ đây cũng là bài học đắt giá về việc quản lý tài chính cá nhân, theo dõi sát tình hình biến động giá cả, lạm phát lẫn lãi suất huy động/cho vay của ngân hàng để có phương án linh hoạt cho túi tiền của mình”, Anh Thư nêu quan điểm.

"Nếu tôi là bà Thủy, có lẽ tôi sẽ từ chối nhận tiền mặt và giữ lại cuốn sổ tiết kiệm làm kỷ niệm. Hơn 4.000 đồng có khi chưa đủ mua một mớ rau ở chợ thành phố. Còn nếu tôi là VietinBank, thay bằng việc trả tiền, tôi nghĩ ngân hàng nên bỏ ra chút thời gian mua một món quà lưu niệm ý nghĩa để tri ân vị khách đặc biệt này, cũng là cách khiến xã hội nhìn 'người làm tiền' với ánh mắt thiện cảm hơn", bà Nguyễn Thị Xuân gợi ý nhà băng nói trên hướng đến cách giải quyết khác đẹp lòng dư luận.

 

 

Diệp Sa (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm