Các hãng hàng không trên toàn thế giới đang vật lộn với sự thiếu hụt phi công. Các phi công liên tục bị chiêu dụ bởi các đối thủ với nhiều phúc lợi trong quá trình làm việc. Nhưng tại Hong Kong lại xảy ra trường hợp đặc biệt đến từ Hong Kong Airlines.
Trong lúc khó khăn, hãng hàng không lớn thứ ba của Hong Kong đã giới thiệu việc làm lâu dài cho các phi công của mình ở các hãng hàng không Thiên Tân, HK Express, Hải Nam và Hong Kong Air Cargo. Cho đến nay, 57 phi công đã chấp nhận lời đề nghị. Hãng hàng không quốc gia của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất Emirates đã thuê khoảng 1/5 lượng phi công của HKA để lái các máy bay Airbus A380 của họ.
HKA, được hỗ trợ bởi Tập đoàn HNA của Trung Quốc, đã trải qua những biến động to lớn trong vài tháng trở lại đây, mà lý do xuất phát từ vấn đề tài chính. Nhiều nhân vật chủ chốt đã ra đi và nhiều chủ nợ và bên cho thuê máy bay nghi ngờ về khả năng trả nợ của hãng.
Hong Kong Airlines, được hỗ trợ bởi Tập đoàn HNA của Trung Quốc, đang gặp khó khăn về tài chính. Ảnh: Reuters. |
Tình trạng dư thừa phi công xuất hiện sau khi hãng hàng không này không thể nhận về bốn máy bay mới do vấn đề về dòng tiền.
Một nguồn tin của hãng hàng không cho biết con số dư ra vượt quá 100 phi công. Trước đó, Emirates đã trích dẫn HKA cho biết hãng này đang thừa ra 10% phi công. Tính đến ngày 10/4, tổng số phi công được HKA tuyển dụng là 626, nếu con số 10% là chính xác thì hãng đang thừa 62 phi công.
57 phi công đã nộp đơn xin chuyển đến các hãng hàng không khác. 13 người chọn đến Emirates và 10 người chọn làm việc cho HK Express. Trong khi đó, hãng hàng không Thiên Tân thu về nhiều phi công nhất với 21 ứng viên.
Vào năm 2018, Emirates đã thông báo rằng họ thiếu tới 150 phi công. Hãng hàng không đến từ Trung Đông này cũng đã tuyển chọn phi công từ hãng Etihad, đối thủ trong nước của họ, cũng như hãng hàng không giá rẻ của Na Uy.
Emirates đang trong cơn khủng hoảng thiếu phi công với nhu cầu lên đến 150 người. Ảnh: EPA. |
HKA lần đầu tiếp cận Emirates vào tháng hai để môi giới một giải pháp có lợi đôi bên. Ngày 15/3, hãng hàng không Hong Kong đã mời chào hàng loạt hãng hàng không đến tuyển phi công của họ.
HKA sẵn sàng cho các phi công chuyển nơi làm việc vĩnh viễn, tới HK Express hoặc Emirates, thực hiện biệt phái tới hãng hàng không Thiên Tân đối với các cơ trưởng của chiếc A330. Hãng cũng chuyển hợp đồng làm việc hàng năm hoặc vĩnh viễn tới Hong Kong Air Cargo cho các phi công lái dòng A330.
Vào đầu tháng 4, các cơ trưởng của HKA Airbus A330 và A350 cũng đã có được hợp đồng làm việc hàng năm với Hàng không Hải Nam.
Tuần trước, HKA đã mời đội ngũ phi công của mình tham gia các buổi tuyển dụng của hãng hàng không HK Express, một hãng hàng không giá rẻ đang trong quá trình bán cho Cathay Pacific Airways. Các phi công được hứa rằng họ sẽ được trao hợp đồng lâu dài với công ty nếu họ rời HKA.
Phát ngôn viên của HKA chia sẻ với South China Morning Post rằng: “Phi công là một tài sản quan trọng và chúng tôi đã thực hiện các thỏa thuận với các hãng hàng không khác để mang lại lợi ích cho phi hành đoàn của chúng tôi. Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp cho họ cơ hội làm việc trong các môi trường hoạt động khác nhau trong khi vẫn duy trì thâm niên của họ với Hong Kong Airlines”.
Cô nói thêm sự sắp xếp sẽ diễn ra trong một năm. Điều này khiến giảm bớt tình trạng không rõ ràng của các phi công khi chuyển việc sang các hãng bay khác.
HK Express không nói rõ có bao nhiêu phi công chấp thuận kế hoạch này.
HKA đã thua lỗ 3 tỷ đôla Hong Kong (khoảng 380 triệu USD) vào năm ngoái và cần 2 tỷ đôla Hong Kong để tuân thủ các yêu cầu của chính phủ trong việc giữ giấy phép hoạt động.
Hãng hàng không do tập đoàn HNA hậu thuẫn đã cắt giảm 100 nhân viên và đang sử dụng 3.798 người. Trước đó, hãng đã giảm khoảng 1/4 số lượng máy bay chở khách, từ 38 xuống còn 28 chiếc.
Các vấn đề tài chính của hãng đã thu hút sự chú ý từ chính phủ. Hong Kong đang thắt chặt sự giám sát của mình với các công ty bằng cách đặt ra nhiều yêu cầu hơn trong kế hoạch tài chính để đảm bảo công ty có thể có được lợi nhuận. Kể từ tuần trước, nhiều cổ đông của HNA đã đấu tranh để giành quyền sở hữu hãng HKA, làm tăng thêm sự bất an cho khả năng tiếp tục hoạt động của hãng hàng không này.
Tương lai cho Hong Kong Airlines vẫn còn nhiều gian truân. Ảnh: Bloomberg. |