Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp gỡ đạo diễn trẻ 'nghèo nhất Việt Nam'

Huỳnh Tuấn Anh - đạo diễn phim "Lô tô" - kể anh bị cha từ mặt suốt năm năm vì theo đuổi nghệ thuật và bị NSƯT Hữu Châu gọi là đạo diễn nghèo nhất Việt Nam.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ về sự thành công của phim Lô tô Đạo diễn không nhận công lớn ở mình mà phim Lô tô được yêu thương là nhờ cả ê-kip.

Ngay khi ra mắt, Lô tô nhận nhiều tình cảm của khán giả và báo chí. Chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc nhưng bộ phim đã tạo được dấu ấn đẹp, xóa bỏ định kiến của khán giả về phim Việt chỉ gắn với hài nhảm thời gian qua. Sự thành công của Lô tô một lần nữa chứng tỏ những bộ phim chạm đến cảm xúc và trái tim người xem luôn được trân trọng. 

Người tạo nên thành công của Lô tô là đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Anh không phải con nhà nòi, cũng không được đào tạo bài bản về điện ảnh. Nhưng 16 năm lăn lộn với nghề biên kịch sân khấu, phim truyền hình đã đem lại cho anh những kinh nghiệm quý báu.

dao dien phim Lo to Huynh Tuan Anh anh 1
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh được bạn bè hỗ trợ làm phim Lô tô. Ảnh: Bá Ngọc.

'Cảm ơn những ai chê tôi non tay'

- Từng là tác giả của nhiều kịch bản sân khấu và phim điện ảnh, vì sao anh không viết kịch bản cho "Lô tô"?

- Tôi là người rất hiểu mình mạnh và yếu điểm gì. Tôi làm nghề trong giai đoạn điện ảnh rơi vào khủng hoảng. Vì thế, khi làm phim để an toàn mình phải chọn một câu chuyện nào mà khán giả đã thích sẵn. Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng là sự lựa chọn quá đẹp.

Xem xong phim, mỗi người một ý kiến nhưng đều công nhận cảm xúc mà phim đọng lại. Điều tôi vui hơn cả là ê-kíp từ ánh sáng, phục trang... đều yêu phim. Họ như sống trong đoàn hát lô tô thực sự chứ không phải quay phim.

Chỉ khi vang lên tiếng cắt, diễn thì mọi người mới biết đó là đóng phim. Đạo diễn và diễn viên chính ăn uống chung với mọi người. Mỗi người một tô, có thể ngồi ăn ngay bên bờ lúa, bờ đê.

Điều quan trọng là tôi thấy một ông tự viết và tự quay thì làm được đến phim thứ hai là giỏi lắm rồi. Sang đến phim thứ ba sẽ không tránh khỏi sự chủ quan. Làm việc hai trong một như thế sẽ thiếu sự phản biện trong phương pháp sáng tạo.

Tôi biết người biên kịch có sự sáng tạo đặc biệt, thế mạnh của họ là câu chữ. Ông đạo diễn chỉ là thông dịch viên chuyển chữ thành hình nên hãy tách hai vai trò ấy riêng biệt.

Tôi không chê những người tự viết tự đạo diễn nhưng tôi nghĩ nếu muốn thoát khỏi góc nhìn biên kịch thì phải giao lại việc ấy cho người khác. Mời biên kịch khác viết cho mình là sự an toàn của tôi.

Để có một Lô tô được khán giả yêu thích, tôi nghĩ mình đã chọn đúng người. Tôi chọn lựa đến khi không thể chọn lựa được nữa mới thôi. Đặc biệt tôi trân trọng hai tác giả viết kịch bản là Kim và Ngọc Bích. Tôi trả tiền cát-xê kịch bản của Lô tô cao hơn hẳn giá trên thị trường, là 250 triệu đồng.

dao dien phim Lo to Huynh Tuan Anh anh 2
Huỳnh Tuấn Anh làm Lô tô vì những tình cảm tốt đẹp khán giả dành cho Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng. Ảnh: Bá Ngọc. 

- Thành công của "Lô tô" phần nào nhờ vào tình cảm của khán giả từng yêu thích "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng", anh nghĩ sao?

- Có nhiều ý kiến trái chiều, tôi không phủ nhận chuyện đó nhưng khán giả khi xem phim sẽ thấy hai phim là hai thể loại với câu chuyện khác nhau. Tôi nghĩ khán giả xem phim sẽ càng yêu thêm chị Phụng. Chính Lô tô góp phần tôn vinh Chuyến đi của chị Phụng và đạo diễn Nguyễn Thị Thắm.

- Có tác phẩm mới dễ thuyết phục nhà sản xuất bỏ tiền đầu tư, còn anh vốn xuất thân là biên kịch, anh thuyết phục nhà sản xuất bằng cách nào?

- Có quá nhiều đạo diễn cũng bị vướng trở lực không thuyết phục được nhà đầu tư. Cá nhân tôi là người từng có kỹ năng đi chào bán các kịch bản trên giấy nên có kinh nghiệm để thuyết phục nhà sản xuất. Tôi hiểu cách thuyết phục nhà sản xuất không gì hơn là mang tới một kịch bản hay. 

Khi tôi cảm xúc với câu chuyện này thì tôi sẽ làm nó tốt hết mức có thể. Nhưng cũng không phủ nhận rằng với Lô tô, tôi là người may mắn. Nhà sản xuất là bạn thân của tôi. Họ tin tôi, góp tiền cho tôi làm. Họ không tham gia vào quá trình chọn diễn viên, quay. Dĩ nhiên, họ đã chứng kiến tôi làm nghề, trải qua nhiều đắng cay.

Họ nói với tôi: “Tuấn Anh làm phim đi. Tao thấy mày lận đận quá. Cứ thử đi, tao có tiền nè. Tao chỉ có yêu cầu nếu thất bại thì cũng đứng lên và đi xa hơn”. Điều đó cho tôi năng lượng làm việc và quyết tâm dù có bán mạng thì cũng phải làm cho thật tốt.

- Anh nghĩ sao khi không ít ý kiến nhận xét anh còn non tay?

- Không có đạo diễn nào hoàn hảo, giỏi các mặt. Khán giả nhận xét như thế nghĩa là tôi đang yếu ở một khâu nào đó. Còn về cơ bản, tôi đã chọn được một kịch bản tốt, dàn diễn viên phù hợp thì đó là điều không phải ai cũng làm được. Đã là tác phẩm đầu tay mà kèm thêm từ non tay rất bình thường. Tôi phải cảm ơn những nhận xét như thế để cố gắng hơn.

dao dien phim Lo to Huynh Tuan Anh anh 3
Huỳnh Tuấn Anh viết nhiều kịch bản sân khấu và phim ảnh. Ảnh: Bá Ngọc.

Quá khứ làm bảo vệ, xe ôm

- Vốn tốt nghiệp sư phạm, từng đi dạy học vậy điều gì kéo anh ra khỏi thế giới sư phạm đến với nghệ thuật?

- Tôi thích văn nghệ từ thời cấp 3, trong trường luôn múa, hát, vẽ khá tốt nhưng không biết đi học nghệ thuật làm sao. Khi thi đại học, tôi đậu ba trường đại học nhưng ba khuyên nên học sư phạm vì ra trường không sợ bị thất nghiệp. Vào học một năm, tôi thấy mình chọn nhầm trường.

Tôi tự nhủ không thể trở thành một chiếc máy thu âm phát đi phát lại bài học giảng văn năm này qua năm khác. Nghĩ tới viễn cảnh là ông giáo già nhìn ra ngoài cửa sổ trời mưa buồn bã, tôi không chấp nhận được. Vì vậy đi dạy được sáu tháng tôi quyết định nghỉ, trở về quê làm ở trung tâm tâm văn hóa tỉnh Hà Tiên. Làm một năm, tôi lại cảm thấy không chịu nổi.

Sau khi đi trại sáng tác thơ ở Đà Lạt, tôi không về quê mà quay xuống Sài Gòn. Trong túi chỉ có 80.000 đồng, tôi đi học đạo diễn sân khấu. Bỏ nghề có thu nhập ổn định theo nghiệp xướng ca vô loài, tôi bị ba giận không nói chuyện suốt năm năm.

Ông không chu cấp tiền học cho tôi vì vậy tôi ở nhờ nhà bạn sáu tháng, học sân khấu. Tôi nghĩ ai ở tỉnh muốn theo nghệ thuật nếu đủ lòng tin, độ lỳ thì sẽ thành công sẽ có. 

- Thời gian bám trụ ở Sài Gòn, để theo đuổi nghề, anh đối diện với khó khăn thế nào?

- Rất khổ cực. Để có tiền học tôi làm thêm nhiều nghề như phục vụ, bảo vệ, dắt xe, chạy xe ôm. Từ một thầy giáo được học sinh, phụ huynh trọng vọng, đi làm thêm ban đầu xấu hổ lắm nhưng đói thì đầu gối phải bò.

Có những lúc khổ quá, bất lực tôi phải vào ngôi chùa, ngồi nhìn tượng Phật chỉ để hỏi một câu: “Con sinh ra trong đời này làm gì”. Tôi đã nghĩ đến chuyện về quê, quỳ xuống lạy cha xin tha thứ và tiếp quản 4-5 cái ghe của ông.

Tôi nhớ thời gian học đạo diễn sân khấu, thường ngồi trước cổng đại học Sư phạm có quán sinh tố với cây đèn tù mù. Lúc đó chỉ ăn một ổ bánh mì khô khốc nhưng vẫn có niềm tin ở tương lai. Khi niềm tin không còn nữa thì có nghĩa là lòng tin rất lớn vì cuộc đời không bao giờ đẩy chúng ta đến cùng.

May mắn mỉm cười khi tôi gõ cửa chị Hồng Vân thì chị nhận vở Giếng lạ, tìm tới anh Thành Lộc thì anh nhận vở Cuộc chơi nghiệt ngã. Sau đó tôi chắp bút viết kịch bản cho live show Bao Công kỳ án của anh Hoài Linh.

dao dien phim Lo to Huynh Tuan Anh anh 4
Huỳnh Tuấn Anh áp lực sau khi thành công với phim Lô tô. Ảnh: Bá Ngọc.

Nhìn lại, 16 năm theo đuổi nghệ thuật, thành quả của anh đạt được là gì?

- Anh Hữu Châu nói tôi là đạo diễn nghèo nhất Việt Nam. Nếu đi vào nghệ thuật kiếm tiền thì tôi đã khác nhưng tôi xác định làm nghệ thuật là phải để lại dấu ấn. Về vật chất tôi không có gì nhưng về tác phẩm thì khá đồ sộ với hàng chục phim truyền hình, sân khấu, kịch bản điện ảnh.

Tôi luôn biết mình là ai, ưu khuyết điểm là gì nên luôn tỉnh táo trước lời mời đầy cám dỗ. Có người mời tôi làm tác phẩm tôi không thích thì sẽ không làm.  Người ta vẫn bảo mua danh ba vạn, bán danh một đồng. Tôi chọn tác phẩm vừa với mình, làm tử tế nhất, tiền ít một chút cũng được. Mới đây tôi từ chối một show với cát- xê một tỷ đồng vì không hợp.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh sinh ra tại Hà Tiên. Anh tốt nghiệp Đại học sư phạm năm 2004. Anh nổi tiếng với vai trò biên kịch trong các vở Giếng lạ, Cuộc chơi nghiệt ngã. Với hai kịch bản Cổng mặt trời và Thời gian để yêu, anh góp phần giúp hai bộ phim đoạt cánh diều vàng.

'Lô tô': Nỗ lực vượt thoát thành công của điện ảnh Việt

“Lô tô” cho thấy với sự dụng công, quyết tâm và niềm đam mê, điện ảnh Việt hoàn toàn có thể sáng tạo được những bộ phim về thân phận con người vừa giàu cảm xúc, vừa lôi cuốn.

 

Bích Hằng

Ảnh: Bá Ngọc

Bạn có thể quan tâm