Theo Apple Daily, Kim Dung qua đời tại bệnh viện ở Hong Kong sau một thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Cuối cùng “võ lâm minh chủ” của văn đàn võ hiệp Trung Quốc cũng đã theo chân Cổ Long và Lương Vũ Sinh về “chốn giang hồ”, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho biết bao thế hệ độc giả châu Á đã say mê những cuốn tiểu thuyết võ hiệp kinh điển của ông.
Kim Dung là một kỳ tài từ khi còn nhỏ. Ảnh: Nhân Dân nhật báo. |
Kim Dung thực sự là một kỳ nhân của văn đàn võ hiệp Trung Quốc. Ông tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Hải Ninh, Chiết Giang. Họ Tra ở Hải Ninh là một gia tộc hiển hách, thời nhà Thanh từng sản sinh ra 7 tiến sĩ. Trong cuốn Liên thành quyết, Kim Dung từng viết về ông nội của mình là Tra Văn Thanh, tri huyện Đan Dương (Giang Tô).
Kỳ tài từ nhỏ
Theo cuốn Võ hiệp ngũ đại gia (tác giả Trần Mặc, NXB Trẻ 2003), Kim Dung đọc sách võ hiệp từ năm 8 tuổi, 15 tuổi viết cuốn sách hướng dẫn học sinh thi sơ trung. Từng muốn theo đuổi nghề ngoại giao, ông trở thành phóng viên của Đông Nam nhật báo, Đại Công báo, Tân Vãn báo..
Thời kỳ này, ông viết nhiều bài bình luận điện ảnh, kịch bản, thậm chí được mời làm đạo diễn. Năm 1959, ông cùng một người bạn thành lập tờ Minh báo. Sau vài chục năm, Minh báo trở thành một trong ba tờ báo hàng đầu Hong Kong.
Kim Dung không chỉ là một tác gia tiểu thuyết võ hiệp mà còn là một doanh nhân thành đạt, một cây bút bình luận về chính trị, xã hội, ngoại giao sắc bén. Cuối thập niên 1970, ông tham gia vào chính trị, gặp gỡ Đặng Tiểu Bình và nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Năm 1986, Kim Dung được mời vào tổ soạn thảo thể chế chính trị Hong Kong (nhưng sau đó rút lui). Ông cũng tham gia vào ủy ban do chính phủ Trung Quốc lập vào năm 1996 để giám sát quá trình chuyển giao Hong Kong cho Trung Quốc.
Không chỉ là tác gia tiểu thuyết võ hiệp xuất sắc, Kim Dung còn viết rất nhiều thể loại. Ảnh: Quartz. |
Nhờ những thành tựu của mình, Kim Dung rất nhiều lần được giới học thuật và các chính phủ tôn vinh. Năm 1981, ông được chính phủ Anh trao huân chương Order of the British Empire. Chính phủ Pháp trao cho ông Bắc Đẩu bội tinh năm 1992 và Ordre des Arts et des Lettres năm 2004. Ông là giáo sư danh dự của rất nhiều trường đại học trên thế giới.
Kim Dung viết rất nhiều thể loại khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất là 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp. Đó là Phi hồ ngoại truyện, Tuyết sơn phi hồ, Liên thành quyết, Thiên long bát bộ, Xạ điêu anh hùng truyện, Bạch mã khiếu Tây phong, Lộc đỉnh ký, Tiếu ngạo giang hồ, Thư kiếm ân cừu lục, Thần điêu hiệp lữ, Hiệp khách hành, Ỷ thiên Đồ long ký, Bích huyết kiếm, Việt nữ kiếm và Uyên ương đao.
Rời bỏ khi lên đỉnh cao
Bộ tiểu thuyết đầu tay của Kim Dung là Thư kiếm ân cừu lục, được đăng liên tục trên Hương Cảng thương báo năm 1955. Bấy giờ ông làm biên tập tờ phụ san Tân Vãn báo cùng Lương Vũ Sinh.
Bộ Long hổ đấu kinh hoa của Lương Vũ Sinh giúp lượng phát hành của Tân Vãn báo tăng vọt. Nhờ đó, Lương Vũ Sinh được đánh giá là “khai sơn trưởng lão” của tiểu thuyết võ hiệp tân phái. Ông chủ Tân Vãn báo mời Kim Dung viết để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của bạn đọc.
Vốn thích tiểu thuyết võ hiệp, lại có kiến thức phong phú, ông bắt tay sáng tác Thư kiếm ân cừu lục. Lập tức câu chuyện truyền kỳ về xuất thân của vua Càn Long, mối quan hệ phức tạp với người anh em Trần Gia Lạc gây sốt dữ dội.
Tiếp đó, ông viết Bích Huyết kiếm, kết hợp chặt chẽ giữa câu chuyện lịch sử và chất truyền kỳ của tiểu thuyết võ hiệp. Tuyết sơn phi hồ kể câu chuyện oán cừu trăm năm thời nhà Thanh, càng khẳng định tài năng của Kim Dung.
Nhưng phải đến Xạ điêu anh hùng truyện Kim Dung mới thực sự được công nhận là võ lâm minh chủ. Câu chuyện về cậu bé ngu ngơ, thuần hậu Quách Tĩnh trở thành cao thủ võ lâm, một đại hiệp vì dân vì nước chinh phục hoàn toàn độc giả. Ông vượt qua Lương Vũ Sinh, trở thành ngọn cờ đầu của tiểu thuyết võ hiệp tân phái.
Kim Dung viết tổng cộng 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp, tất cả đều rất quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả châu Á. Ảnh: Nipic. |
Năm 1959, Kim Dung sáng lập Minh báo và phần lớn tác phẩm của ông đều đăng trên báo này. Thần điêu hiệp lữ và Ỷ thiên Đồ long ký giúp Kim Dung hoàn tất “Xạ điêu tam bộ khúc” hoành tráng, hùng hậu.
Tiếp tục sau đó là Bạch mã khiếu Tây phong, Uyên ương đao, Liên thành quyết, Hiệp khách hành, Thiên long bát bộ, Tiếu ngạo giang hồ, Việt nữ kiếm. Năm 1969, Lộc đỉnh ký bắt đầu được đăng báo, kéo dài đến năm 1972. Sau bộ tiểu thuyết được đánh giá là vĩ đại nhất sự nghiệp, Kim Dung dừng bút.
Nhưng Kim Dung không “quy ẩn giang hồ” như nhiều nhân vật của ông. Từ năm 1972, ông bắt đầu sửa chữa các cuốn sách của mình. Mọi yếu tố kỳ ảo, hoang đường, những nhân vật thừa thãi… đều bị loại bỏ.
Việc sửa chữa kéo dài tới 10 năm. Từ năm 1999 đến 2006, ông lại sửa thêm toàn bộ chúng một lần nữa. Có thể nói trong số hàng nghìn tác gia tiểu thuyết võ hiệp, không ai nghiêm túc với các tác phẩm của mình như Kim Dung.