BÌNH LUẬN
Michael Phelps là VĐV Olympic vĩ đại nhất mọi thời đại. 28 huy chương đủ loại trải qua 5 kỳ Thế vận hội của Phelps là điều không ai có thể sánh kịp. Phelps cũng giành tới 23 huy chương vàng Olympic, nhiều nhất trong lịch sử.
Cựu kình ngư 36 tuổi đến từ vùng Baltimore sinh ra là dành cho bơi lội. Việc cao tới 1,93 m, sở hữu khung hình to lớn, vai rộng, bàn tay và chân to, hoạt động như vây cá, giúp cơ thể của Phelps trở nên hoàn hảo cho môn thể thao dưới nước.
Sự nghiệp vĩ đại
Hơn 20 năm trước, Phelps bắt đầu ghi dấu ấn tại kỳ Olympic Sydney 2000, khi mới 15 tuổi. Anh trở thành VĐV trẻ nhất trong thành phần tuyển bơi lội Olympic Hoa Kỳ trong 68 năm (Ralph Flanagan nắm kỷ lục 13 tuổi tại Thế vận hội 1932).
Tại Sydney, vị trí cao nhất của Phelps chỉ là về đích thứ 5 ở nội dung 200 m bơi bướm. Một sự khởi đầu không hề tồi. Nhưng đó là vị trí thấp nhất mà Phelps từng đạt được trong lịch sử tham dự Oympic.
Qua 4 kỳ Thế vận hội tiếp theo, Phelps chuyển mình ngoạn mục, giành huy chương ở mọi nội dung tham gia, ngoại trừ một nội dung. Đó là khi anh về đích thứ 4 ở cự ly 400 m hỗn hợp cá nhân tại Olympic London 2012.
Phelps là huyền thoại trên đường đua xanh. Ảnh: Getty Images. |
Phelps tuyên bố giải nghệ sau kỳ Thế vận hội Rio 2016. Ở nội dung thi đấu Olympic cuối cùng - tiếp sức 4x100 m - tay bơi vĩ đại nhất mọi thời đại về đích với thành tích 47,12 giây. Anh đạt thành tích 100 m nhanh nhất trong sự nghiệp, để thực sự vươn lên đỉnh cao. Tại Rio, Phelps bổ sung thêm vào bộ sưu tập danh hiệu đồ sộ với 6 huy chương (5 vàng).
Phelps là vận động viên giành được nhiều huy chương vàng Olympic nhất lịch sử, thu về tổng cộng 28 huy chương trong sự nghiệp. Trong số này, Phelps có 23 huy chương vàng, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng.
Anh có nhiều hơn 10 huy chương so với VĐV thể dục dụng cụ của Liên Xô Larisa Latynina. Không ai tiến gần đến số huy chương vàng của anh. Người đạt số huy chương vàng nhiều thứ nhì là Latynina với 9 lần giành chiến thắng.
Phelps giành được nhiều huy chương Olympic, chiến thắng ở Giải vô địch Thế giới, Giải quốc gia và thiết lập vô số kỷ lục thế giới, vượt trội hơn bất kỳ kình ngư nào khác trong lịch sử đường đua xanh.
Phelps 8 lần được vinh danh là "Vận động viên Bơi lội" của năm từ 2003-2016. Anh cũng được Ủy ban Olympic & Paralympic Hoa Kỳ 4 lần trao giải "Vận động viên thể thao của năm" , 2 lần là "Vận động viên của năm" của Liên đoàn báo chí và là "Vận động viên thể thao" của tạp chí Sports Illustrated năm 2008.
Phelps gặt hái nhiều vinh quang trong sự nghiệp. Ảnh: Getty Images. |
Kỷ lục của Phelps
Hai mươi năm trước, cậu bé 15 tuổi Phelps đã lập kỷ lục thế giới đầu tiên của mình. Anh hoàn thành cự ly 200 m bướm với thành tích 1 phút và 54,92 giây tại giải bơi lội toàn quốc mùa xuân năm 2001.
Đó là màn khởi đầu của một sự nghiệp toàn kỷ lục. Anh thiết lập 39 kỷ lục thế giới khác nhau trước khi giải nghệ. Phelps hiện vẫn giữ 4 kỷ lục thế giới: 400 m hỗn hợp cá nhân (Thế vận hội), 4x100 m tiếp sức tự do (Thế vận hội), 4x100 m tiếp sức hỗn hợp (Giải vô địch thế giới) và 4x200 m tiếp sức tự do (Giải vô địch thế giới).
Phelps từng là ông hoàng của nội dung bơi bướm, dù những năm sau khi giải nghệ, các kỷ lục cá nhân của anh không còn là tiêu chuẩn của thế giới nữa. Phelps lập kỷ lục 100 m bướm đầu tiên vào năm 2003, nhưng bị Ian Crocker phá vỡ một ngày sau đó. Anh thiết lập kỷ lục mới một lần nữa vào năm 2009, nhưng Milorad Cavic của Serbia nhanh chóng vượt lên trong cùng một tháng.
Điều đó càng giúp Phelps nỗ lực hơn và anh một lần nữa lấy lại kỷ lục ở Giải vô địch thế giới năm 2009. Kỷ lục 100 m bơi bướm tồn tại gần 10 năm trước khi bị Caeleb Dressel phá vỡ với thành tích 49,5 giây vào năm 2019.
Ở nội dung 200m bướm, Phelps lần đầu lập kỷ lục ở cự ly này vào năm 2001. Anh tự phá kỷ lục của chính mình thêm 7 lần nữa, và đạt thành tích tốt nhất là 1 phút 51,51 giây ở Giải vô địch thế giới năm 2009. Vẫn là 10 năm sau, VĐV người Hungary Kristof Milak soán ngôi Phelps với thời gian 1 phút 50,73 giây.
Phelps hạnh phúc bên gia đình. Ảnh: Getty Images. |
Phelps của hiện tại
Phelps thành lập thương hiệu đồ bơi và dụng cụ tập luyện mang tên mình. Anh hợp tác với HLV Bob Bowman để mang nhiều năm kinh nghiệm vào thị trường, sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất hỗ trợ các VĐV chuyên nghiệp.
Ngoài công việc kinh doanh, Phelps còn tham gia vào nhiều hoạt động từ thiện. Anh đã sử dụng số tiền thưởng trị giá 1 triệu USD sau Thế vận hội 2008 để thành lập "Quỹ Michael Phelps".
Trong những năm tháng sau này, "Quỹ Michael Phelps" đã phát triển mạnh mẽ và hiện tập trung vào việc đảm bảo an toàn nguồn nước, cuộc sống lành mạnh và dạy trẻ em theo đuổi ước mơ.
Anh cũng tham gia vào hội đồng quản trị Medibio, một tổ chức tập trung vào chẩn đoán các rối loạn sức khỏe tâm thần. Năm 2018, Phelps tiết lộ rằng anh phải vật lộn với chứng ADHD (rối loạn tăng động, giảm chú ý ở người lớn - PV) và nguy hiểm hơn là căn bệnh trầm cảm.
Suốt hàng chục năm quen với guồng quay tập luyện rồi thi đấu chinh phục các kỷ lục, đi khắp mọi nơi, cựu vô địch Olympic thường hụt hẫng và chật vật khi trở lại cuộc sống của một người bình thường.
Để xoa dịu tinh thần, VĐV thành công nhất Olympic duy trì các thói quen sinh hoạt tích cực. Phelps tìm niềm vui trong công việc tư vấn sức khỏe, giúp đỡ những người có vấn đề về tâm lý như anh.
Phelps có 3 người con - Boomer, Beckett và Maverick - với vợ Nicole. Sau nhiều năm thi đấu đỉnh cao, Phelps đã có thể dành thời gian cho gia đình.
Ngay sau khi giải nghệ, Phelps từng chia sẻ bức ảnh chụp cùng cậu con trai và vợ Nicole trên trang cá nhân với thông điệp: “Không gì có thể sánh được bằng việc về nhà. Cách thật tuyệt để trải qua ngày đầu tiên sau giải nghệ".
Vợ và con chính là động lực tinh thần và là niềm vui để Phelps có thể vượt qua những nỗi ám ảnh về chứng trầm cảm, từng khiến anh nghĩ tới cái chết.