Sau nhiều trăn trở, Chen Mi, một nhà phân tích dữ liệu 31 tuổi làm việc tại Thượng Hải, đưa ra quyết định hủy bỏ vé tàu trở về nhà ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, ổ dịch bệnh viêm phổi lạ do virus corona gây ra.
Hủy kế hoạch về nhà Tết nguyên đán
Chen theo dõi diễn biến dịch viêm phổi từ tháng 12, nhưng người phụ nữ chưa bao giờ tưởng tượng tình hình sẽ tiến triển tới mức tồi tệ đến mức cô phải hủy chuyến đi về nhà trong dịp Tết nguyên đán.
Thế nhưng, đầu tuần qua, mẹ của Chen đã thuyết phục cô ở lại Thượng Hải. Một người bạn là bác sĩ ở Vũ Hán cũng cho Chen biết tình hình đã trở nên trầm trọng trong bối cảnh người dân thiếu ý thức về sự bùng phát của dịch bệnh.
"Ông của tôi đã 80 tuổi. Nếu chúng tôi mang virus về nhà, thanh niên có thể được an toàn hơn một chút, nhưng người già sẽ gặp nguy hiểm thực sự. Mẹ tôi cũng đã dùng lý do đó để thuyết phục chú và dì tôi không về nhà", Chen nói.
Một bệnh nhân nhập viện tại thành phố Vũ Hán. Ảnh: AFP. |
Trong đêm ngày 22/1, Trung Quốc xác nhận 541 người mắc bệnh viêm phổi do virus corona gây ra, trong đó có 17 ca tử vong. Trước đó, Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Mỹ cho biết ca nhiễm virus corona có nguồn gốc từ Vũ Hán đầu tiên đã được ghi nhận ở Mỹ.
Chen chắc chắn không phải là trường hợp duy nhất mà kế hoạch trở về đoàn tụ với gia đình hay du lịch trong dịp Tết bị ảnh hưởng bởi dịch viêm phổi. Dịch bệnh bùng phát tại Trung Quốc trong dịp hàng trăm triệu người di chuyển trước thềm Tết nguyên đán, nhiều người đã phải hủy bỏ chuyến đi hoặc có thêm các biện pháp phòng ngừa.
Tại Vũ Hán, nhà chức trách đã ban hành lệnh cấm tất cả các hình thức giao thông cộng cộng hoạt động bắt đầu từ 10 giờ sáng 23/1. Quyết định này khiến hàng trăm nghìn người bị ảnh hưởng, trong bối cảnh nhiều lao động ngoại tỉnh chưa kịp rời khỏi Vũ Hán về nhà.
"Tôi có lẽ sẽ mắc kẹt ở Vũ Hán vì không kịp mua vé tàu. Nhà ga đã chật cứng ngay trong đêm, tình hình hiện đã quá tải", một nam giới tên Liu quê ở tỉnh Quảng Đông cho biết.
Nhà chức trách Trung Quốc ước tính có khoảng 3 tỷ chuyển đi khắp cả nước trong mùa cao điểm giao thông Xuân vận kéo dài 40 ngày, kể từ 10/1 đến 18/2. Trong đó, 2,4 tỷ chuyến đi bằng đường bộ, 440 triệu chuyến đi bằng tàu hỏa, 70 triệu chuyến bằng máy bay, và 45 triệu chuyến bằng thuyền.
Nhà báo Sarah Wang, người vừa trở về Trung Khánh từ Bắc Kinh hôm 22/1, cho biết đa phần hành khách trên máy bay đeo khẩu trang. Trên đường phố, người dân Trung Khánh đều đeo khẩu trang, thậm chí cả trên taxi. Wang đã thuyết phục gia đình hủy bỏ các chuyến đi không cần thiết, và không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
"Nếu bố tôi đề nghị ăn thịt động vật hoang dã ở nhà hàng, tôi sẽ nhất định phản đối", Wang cho biết. Động vật hoang dã bán tại một khu chợ ở Vũ Hán được cho là nguyên nhân làm bùng phát dịch bệnh.
Nhiều người coi thường dịch bệnh
Trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nhà chức trách Trung Quốc đã triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn cho hàng tỷ chuyến đi của người dân, một thay đổi đáng kế so với các ứng phó của Bắc Kinh khi dịch SARS bùng phát năm 2002-2003.
Trong cuộc họp báo hôm 21/1, Zeng Guang, một quan chức y tế cấp cao được cử tới Vũ Hán, đã yêu cầu người dân "hạn chế di chuyển tới Vũ Hán ít nhất có thể, và người dân Vũ Hán nên ở nhà nhiều nhất có thể" trong dịp Tết nguyên đán.
Nhân viên nhà ga Hankou tại Vũ Hán theo dõi màn hình máy quét thân nhiệt hành khách. Ảnh: AFP. |
Nhiều máy quét thân nhiệt hồng ngoại đã được lắp đặt tại các sân bay, ga tàu, các trạm xe bus đường dài ở các thành phố lớn như Vũ Hán, Quảng Châu, Thâm Quyến, nơi nhiều ca nhiễm virus corona được phát hiện. Chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã ra lệnh hạn chế các hoạt động công cộng quy mô lớn và giám sát chặt chẽ sự di chuyển của người dân.
Trước sự mạnh tay của nhà chức trách, nhận thức của người dân Đại lục về dịch bệnh gia tăng, nhiều người đăng tải thông tin về tình hình dịch bệnh lên internet, chia sẻ các bài viết và cập nhật về cách phòng tránh virus, tìm kiếm dữ liệu về bản đồ để theo dõi sự lây lan của dịch bệnh.
Mặc dù vậy, một số người sử dụng internet cho biết gặp khó khăn để thuyết phục người già cẩn trọng hay nắm bắt diễn biến của dịch bệnh. Nhiều người thậm chí lên các diễn đàn xin lời khuyên về cách "thuyết phục bố mẹ đeo khẩu trang".
Nhiều người cho biết các bậc lớn tuổi trong gia đình vẫn mua gà sống từ chợ và tham gia khiêu vũ tại các quảng trường ở nơi công cộng. Nhiều người từ chối đeo mặt nạ vì sợ người xung quanh nghĩ họ có thể đang bị bệnh.
Chen cho biết gia đình cố đã cảnh giác cao độ ngay khi dịch bệnh xuất hiện và có dấu hiệu bùng phát. Tuy nhiên, chuyên gia đang làm việc tại Thượng Hải nói nhiều bạn bè cô tại Vũ Hán gặp khó khăn khi thuyết phục những thành viên khác trong gia đình nâng cao cảnh giác về dịch bệnh.
Chen cho biết khi bạn bè cô chia sẻ đường link và thông tin về sự bùng phát của dịch bệnh, nhiều người trong gia đình đã phản ứng lại, nói rằng việc lên giọng giáo dục hay có những biện pháp phòng ngừa là "quá phiền phức".
Thậm chí, một họ hàng của Chen nhận được câu trả lời khi hỏi về tình hình tại Vũ Hán từ người bạn học đang du lịch ở thành phố này: "Tôi đến Vũ Hán từ 2 ngày trước, thành phố đông vui và náo nhiệt lắm".