Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Huy động 420.000 tỷ đầu tư sân bay từ đâu?

Theo quy hoạch, năm 2030 cả nước sẽ có 30 cảng hàng không. Cách nào để huy động được 420.000 tỷ đồng để đầu tư là bài toán đang cần lời giải.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tới năm 2030 cả nước có 30 cảng hàng không sân bay.

Khi đó, diện mạo hạ tầng hàng không chắc chắn sẽ có những thay đổi lớn, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, cách nào để huy động được 420.000 tỷ đồng để đầu tư là bài toán đang cần lời giải.

Đến 2030, cả nước có thêm 8 sân bay mới

TS Nguyễn Bách Tùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), người có nhiều năm kinh nghiệm làm tư vấn xây dựng công trình hàng không cho hay, hệ thống 22 cảng hàng không đang khai thác hiện nay bảo đảm cho 86% dân số có thể tiếp cận trong bán kính 100 km. Con số này cao hơn mức trung bình của thế giới (75%).

Theo quy hoạch, tới năm 2030 cả nước sẽ có 30 cảng hàng không, gồm 14 cảng quốc tế và 16 cảng quốc nội.

Như vậy, cả nước sẽ có thêm 8 cảng hàng không khai thác dân dụng so với hiện nay, gồm: Long Thành, Lai Châu, Sa Pa, Nà Sản, Quảng Trị, Phan Thiết, Thành Sơn và Biên Hòa.

Đánh giá về 30 cảng hàng không nằm trong quy hoạch giai đoạn đến năm 2030, ông Tùng cho biết việc phân bổ khá hài hòa, hợp lý.

Số lượng các cảng hàng không theo quy hoạch cơ bản đã đáp ứng đủ cho các địa phương, kể cả các địa phương vùng sâu, vùng xa như Cao Bằng, Lai Châu, Lào Cai…

Với Lai Châu, hiện giao thông lên khu vực này tương đối khó khăn.

Thời gian đi lại kéo dài, đường đi khó khăn, gần như đường độc đạo.

Tương tự, việc có sân bay Nà Sản giúp kéo gần khoảng cách giữa Sơn La về các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước.

“Việc có thêm sân bay Sa Pa cũng sẽ giúp tạo điều kiện cho người dân, khách du lịch tiếp cận nhanh hơn với điểm du lịch nổi tiếng này”, ông Tùng phân tích và cho biết thêm, phân bổ cảng hàng không theo quy hoạch, đến năm 2030 sẽ đảm bảo trên 95% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.

Đến năm 2050, sau khi tiếp tục đầu tư các cảng hàng không mới như Cao Bằng, sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô, cảng hàng không quốc tế Hải Phòng, 97% dân số có thể tiếp cận tới cảng hàng không trong phạm vi 100 km.

Theo thông tin của Báo Giao thông, hiện tại, tỷ lệ này của Mỹ là 96,27%, Canada 91,65%, Pháp 98%, Nhật Bản 99%, Hàn Quốc 100%, Trung Quốc 73,37%, Maylaysia là 98,13%, Philippines 93,62%, Thái Lan 88%, Indonesia 78,93%.

Theo Phó viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và phát triển GTVT Phạm Hoài Chung, việc phân bổ khá phù hợp với đặc điểm, vị trí địa lý ở đất nước với 2 đầu mối trọng tâm là Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Trong đó, ở khu vực phía Nam, Long Thành sẽ trở thành cảng trung chuyển lớn của khu vực. Đây chính là điểm nổi bật trong quy hoạch mới được phê duyệt.

Huy động 420.000 tỷ đồng nâng cấp hạ tầng

Theo Quyết định của Thủ tướng, sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối như: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc; Đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo...

Tổng số tiền dự kiến cần để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không đến năm 2030 lên tới 420.000 tỷ đồng.

Trong số này, ước tính chi phí đầu tư theo quy hoạch lớn nhất là Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành (109.000 tỷ đồng), đảm bảo công suất thiết kế 25 triệu khách.

Kế đó là Nội Bài với hơn 96,5 nghìn tỷ đồng, giúp nâng công suất cảng này lên 60 triệu khách; Khoản đầu tư hơn 23,7 nghìn tỷ đồng để đầu tư Cảng HKQT Cam Ranh, nâng công suất lên 25 triệu khách.

dau tu san bay anh 1

Tại Cảng HKQT Tân Sơn Nhất, dự kiến cần khoảng hơn 12,2 nghìn tỷ đồng, Chu Lai gần 16.000 tỷ đồng, Đà Nẵng hơn 19,5 nghìn tỷ đồng, Phú Quốc hơn 9,5 nghìn tỷ đồng

Số tiền đầu tư một số cảng hàng không mới cũng được dự kiến rõ trong quy hoạch. Theo đó, Lai Châu cần hơn 4,3 nghìn tỷ, Sa Pa 4,2 nghìn tỷ, Nà Sản hơn 5,6 nghìn tỷ, Quảng Trị hơn 3,8 nghìn tỷ, Biên Hòa hơn 6,6 nghìn tỷ, Thành Sơn hơn 5,3 nghìn tỷ đồng

Đáng chú ý, Quyết định cũng nêu rõ: Quy mô theo quy hoạch là quy mô dự kiến, được tính toán dựa trên dự báo nhu cầu. Trong quá trình triển khai, tùy theo nhu cầu vận tải thực tế, khả năng nguồn lực đầu tư để nghiên cứu, phân kỳ đầu tư đảm bảo hiệu quả dự án.

Đối với các dự án quy hoạch đầu tư sau năm 2030, trường hợp các địa phương có nhu cầu đầu tư phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và huy động được nguồn lực, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đầu tư sớm hơn.

Huy động nguồn lực cách nào?

Về giải pháp huy động vốn đầu tư, theo quy hoạch, đối với cảng hàng không mới, sẽ huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư theo phương thức PPP.

Đối với cảng hàng không đang khai thác, nghiên cứu xây dựng cơ chế đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không theo phương thức PPP/nhượng quyền và các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật…

Các cảng hàng không quan trọng quốc gia, các cảng hàng không có hoạt động quân sự và các cảng hàng không khu vực biên giới, hải đảo sẽ được ưu tiên sử dụng nguồn lực của Nhà nước để đầu tư các công trình thiết yếu.

Về nguồn vốn đầu tư, ông Phạm Hoài Chung cho rằng trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước hạn chế, việc huy động xã hội hóa đầu tư là rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân và thúc đẩy kết nối giữa các vùng miền.

“Phát triển cảng hàng không gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương nên sẽ được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Tuy nhiên, vẫn cần chính sách hỗ trợ để hấp dẫn nhà đầu tư, đảm bảo tính khả thi”, ông Chung nói.

Chủ tịch Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) Lại Xuân Thanh cho biết việc đầu tư PPP là giải pháp không thể khác, căn cứ trên nhu cầu thực tế hiện nay.

“PPP ở đây không chỉ với cảng hàng không mới mà cả hạ tầng khác trong các cảng hàng không đang khai thác”, ông Thanh nói và cho rằng, để thực hiện quy hoạch này cần tới 420.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn Nhà nước chỉ đầu tư vào khu bay. ACV cũng chỉ có thể huy động hơn 110.000 tỷ đồng. Số còn lại đương nhiên phải xã hội hóa.

Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là quy hoạch cuối cùng trong 5 chuyên ngành GTVT được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trước đó, trong cùng năm 2021, có 4 quy hoạch chuyên ngành, gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây cũng là lần đầu tiên cả 5 quy hoạch chuyên ngành GTVT được lập đồng thời theo hướng tích hợp, đảm bảo tính đồng bộ, linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, thu hút đầu tư PPP với hàng không không dễ do hạ tầng cảng hàng không không mang lại quá nhiều lợi nhuận. Để hấp dẫn được nhà đầu tư, Nhà nước cần gánh vác phần mặt bằng, trao mặt bằng sạch cho doanh nghiệp. Kế đó, cần đảm bảo giá đầu ra, có cơ chế thu hút hành khách, hỗ trợ phát triển thị trường…

“Giá đầu ra của hạ tầng hàng không là giá dịch vụ hành khách vẫn do Nhà nước quản lý. Do đó, cần chính sách hợp lý hơn”, ông Thanh nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bách Tùng thông tin, hiện Bộ GTVT đang hoàn thiện Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Tại Đề án này, các cảng hàng không sẽ được chia thành nhiều nhóm, căn cứ vào tầm quan trọng đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; quy mô, khả năng hấp dẫn nhà đầu tư của các cảng hàng không, từ đó định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư.

Nói thêm về thu hút PPP, ông Tùng cũng cho rằng, hàng không là ngành khá đặc thù, đầu tư lớn, lưu lượng khách qua cảng chưa nhiều ngay trong thời gian đầu.

Điều này khiến thời gian hoàn vốn lâu hơn rất rất nhiều so với các công trình giao thông khác. Do đó, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật, tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút đầu tư.

ĐBQH Phạm Văn Thịnh (Ủy viên Ủy ban Kinh tế): Quy hoạch cảng hàng không là trọng tâm của quy hoạch giao thông

Hàng không là loại hình giao thông đặc biệt quan trọng, một quốc gia muốn phát triển, hội nhập sâu rộng với thế giới chắc chắn phải có hạ tầng giao thông hàng không hiện đại.

Những năm qua chúng ta không ngừng phát triển hạ tầng đường bộ cao tốc để tăng tính liên kết vùng, điều này rất quan trọng. Tuy nhiên, chỉ tập trung phát triển cao tốc là chưa đủ, song hành với nó phải có một hệ thống sân bay hiện đại để tăng tính kết nối ở trong nước cũng như là quốc tế.

Để có được mạng lưới sân bay hiện đại, tránh chồng chéo, việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò quan trọng và nó là trọng tâm của trọng tâm trong quy hoạch giao thông.

Việc có quy hoạch này sẽ giúp chúng ta xác định được vị trí các cảng hàng không, từ đó định hình ra không gian phát triển.

Nhìn vào quy hoạch này, chúng ta thấy, hệ thống cảng hàng không được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Hà Nội và TP.HCM. Đây là hướng đi đúng đắn và phù hợp với nhu cầu vận tải hàng không hiện hành và trong tương lai, giúp cho Việt Nam tăng tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy du lịch.

Quy hoạch cũng xác định đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo là một hướng đi tốt để giúp các vùng này phát triển kinh tế xã hội, giảm khoảng cách với vùng khác.

Đất nước gấm hoa không đơn thuần là một atlas địa lý, mà như một cẩm nang hình ảnh sinh động, cô đọng về thông tin khi đề cập đến 63 tỉnh thành Việt Nam.

https://www.baogiaothong.vn/huy-dong-420-nghin-ty-dau-tu-san-bay-tu-dau-d594030.html

Thanh Bình/Báo Giao Thông

Bạn có thể quan tâm