Ông bảo các công trình hạ tầng đang mọc lên tại địa phương, thu hút lưu lượng xe cộ lớn đi lại. Rồi đây, bộ mặt Quảng Ninh sẽ đổi khác với một loạt cầu, đường cao tốc và cả sân bay được đầu tư.
Rút ngắn khoảng cách để kinh tế phát triển
Vài năm trước, trong cuộc làm việc của lãnh đạo Quảng Ninh với các nhà đầu tư nước ngoài, một trong các vấn đề được các đại gia quan tâm trước khi quyết định rót vốn là bao giờ khoảng cách giữa Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh sẽ được rút ngắn.
Quảng Ninh vốn được xem là một cực tăng trưởng kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng và một phần của tam giác chiến lược Hà Nội - Hải Phòng -Quảng Ninh với lợi thế cửa ngõ xuất khẩu của khu vực phía Bắc để ra các thị trường Trung Quốc, ASEAN và từ đó vươn ra các nước khác. Thời gian di chuyển kéo dài giữa Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh đã trở thành điểm nghẽn, hạn chế sự phát triển của địa phương và cả vùng.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đang được thành hình. Ảnh: X. Được. |
Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội thông qua huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, vì thế, được địa phương này xác định là một trong ba mũi đột phá chiến lược, ông Nguyễn Văn Thành - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết. Nhiều dự án hàng chục nghìn tỷ đồng đã được đầu tư tại địa phương này.
Mới đây, trong cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Giao thông Vận tải và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Đức Long, hai đơn vị đã thống nhất ngày thông cầu Bạch Đằng vào ngày 31/5.
Phó chủ tịch Quảng Ninh Vũ Văn Diện thông tin đây là hợp phần của tổ hợp 4 dự án trọng điểm lớn sẽ thúc đẩy phát triển của Quảng Ninh gồm: Cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và sân bay Vân Đồn. Trong đó cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và sân bay Vân Đồn được đầu tư theo hình thức BOT.
“Đây không đơn thuần là công trình kết nối giao thông và còn thúc đẩy phát triển kinh tế vì rút ngắn quãng đường từ Hà Nội về Hạ Long và các khu du lịch”, ông Diện nói.
Cầu Bạch Đằng dự kiến sẽ được thông cầu vào cuối tháng 5/2018. Ảnh: X.Được. |
Khi hệ thống cao tốc hoàn thành sẽ kết nối sân bay Vân Đồn với sân bay Cát Bi (Hải Phòng) và Nội Bài (Hà Nội). Ngoài ra, chuỗi cao tốc tại Quảng Ninh hoàn thành sẽ thúc đẩy sự phát triển của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vì người dân đi từ Hà Nội xuống Quảng Ninh sẽ vẫn phải đi một vài km đường hỗn hợp. Bên cạnh đó là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18, đoạn Hạ Long - Mông Dương (1.400 tỷ đồng), thành phần của dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn…
Khi dự án cầu Bạch Đằng hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hạ Long đến Hà Nội còn 1 giờ 45 phút với chiều dài khoảng 110km (giảm 2 giờ đồng hồ so với việc đi theo tuyến các quốc lộ 18, 10 và 5).
Tương tự, với Cảng hàng không Quảng Ninh, người dân tiết kiệm được thời gian, chi phí di chuyển cả trăm km để tới được các sân bay Nội Bài, Cát Bi...
Tiến sỹ Nguyễn Hữu Thủy - Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Quảng Ninh, nhận định, sự phát triển về hạ tầng giao thông của Quảng Ninh là một trong những yếu tố quyết định tạo nên sức hút các dòng vốn đầu tư.
Các dự án của các nhà đầu tư nước ngoài như Texhong đầu tư vào ngành dệt may tại Hải Hà, Rent A Port… đầu tư vào logistics tại đầm Nhà Mạc, đến dòng vốn của các nhà đầu tư trong nước như Vingroup, Sun Group, Tuần Châu, Bimgroup, FLC… rót hàng chục nghìn tỷ vào nhiều lĩnh vực từ bất động sản, du lịch, cảng biển, y tế, nông nghiệp… là bằng chứng.
Ghi nhận những nỗ lực của Quảng Ninh, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng Quảng Ninh đã chứng tỏ sự năng động của mình.
Với việc hoàn thành các dự án hạ tầng đường bộ, khoảng cách Hà Nội - Quảng Ninh, Hải Phòng - Quảng Ninh sẽ được rút ngắn. Về đường biển, cảng container quốc tế Cái Lân (CICT) đã chính thức trở thành điểm trung chuyển trên tuyến hàng hải quốc tế ACS (Ấn Độ, tới Malaysia, Singapore, Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc) từ ngày 6/6/2017. Sân bay Vân Đồn dự kiến khai thác quý II/2018 giúp Quảng Ninh kết nối tốt hơn bằng đường không.
“Việt Nam định hướng xuất khẩu, và Hải Phòng là cửa ngõ quan trọng ở miền Bắc. Hải Phòng chưa làm được điều đó thì nên ủng hộ Quảng Ninh để tạo cạnh tranh như một cửa ngõ”, ông Cung nói.
Điểm sáng đối tác công tư
Trong khi đó, TS. Trần Đình Thiên thì ghi nhận Quảng Ninh như một hình mẫu của mô hình đối tác công tư trong phát triển hạ tầng.
Tại nhiều cuộc thảo luận, với Bộ Giao thông Vận tải, và giới chuyên gia, TS Trần Đình Thiên dẫn trường hợp xây dựng sân bay Vân Đồn - dự án BOT đầu tiên trong lĩnh vực hàng không, là minh chứng cho thành công.
“Tư nhân làm sân bay trong vòng 18 tháng và tháng 6/2018 sẽ khai trương đường bay. Nếu để Nhà nước làm thì sẽ mất 15-20 năm”, TS Thiên nói.
Ông phân tích kinh tế tư nhân từ lâu đã đóng vai trò rất quan trọng. Vốn tư nhân đã dần thay được vốn đầu tư công vốn giải ngân vô cùng chậm và phức tạp.
Khi Nhà nước và tư nhân cùng bắt tay, theo TS Thiên, sẽ cho thấy sự khác biệt cả về tiến độ và đẳng cấp.
“Thời gian từ lúc làm sân bay Vân Đồn rất nhanh… trong khi đó, chúng ta bàn việc cấp bách gấp vạn lần Vân Đồn là cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất và xây dựng sân bay Long Thành, thì riêng thời gian bàn bạc đã gấp mấy lần thời gian xây dựng sân bay Vân Đồn” - ông Trần Đình Thiên cho hay.
Từ góc nhìn địa phương, ông Vũ Văn Diện, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho rằng trong điều kiện ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh không có, hình thức BOT giúp Quảng Ninh tranh thủ được nguồn lực của xã hội.
Quảng Ninh không mất kinh phí ra đầu tư nhưng vẫn có các công trình hiện đại, từ đó tăng lượng khách du lịch (thu ngân sách về dịch vụ du lịch), thu hút nhà đầu tư (tạo thêm việc làm cho người dân).
Hơn nữa, các công trình BOT hoàn thành sẽ phát triển cơ sở hạ tầng cho Quảng Ninh, từ đó giá bất động sản tăng nhanh góp phần tăng thu ngân sách. Sản phẩm hàng hóa bán dễ dàng cũng đóng góp vào thu ngân sách qua thuế sản phẩm.