Gần đây, tôi xem một bộ phim tài liệu về một nghệ nhân làm sushi người Nhật tên là Jiro Ono, tên phim là Jiro Dreams of Sushi. Nhà hàng của ông chỉ có 10 chỗ ngồi và chỉ phục vụ sushi, thậm chí không phục vụ thêm món ăn kèm, song là nhà hàng sushi đầu tiên được Michelin đánh giá 3 sao và được người yêu sushi khắp nơi tìm đến.
Trong phóng sự có một đoạn bình luận:
"Các đầu bếp trên thế giới khi ăn sushi của Jiro đều nói: “Sao một thứ đơn giản như thế lại có hương vị đậm đà đến vậy?”.
Để nói về sushi của Jiro thì chỉ cần một câu thôi: “Đơn giản tuyệt đối thể hiện sự thuần khiết”.
Câu chuyện của nghệ nhân Jiro đã truyền cảm hứng về tinh thần sống trọn vẹn. Ảnh từ phim tài liệu Jiro Dreams of Sushi. |
Khi nhìn vào câu chuyện của người nghệ nhân đó, chúng ta thấy sự vinh danh - thành công - và sự hoàn hảo. Vậy trong nhiều chục năm qua, Jiro làm gì? Ông chỉ ngồi đó và nghiễm nhiên đạt đến sự hoàn hảo ư?
Những gì ta đang thấy là kết quả của một quá trình dài. Năm 2011, khi bộ phim ra mắt, Jiro đã 85 tuổi và vẫn tiếp tục làm sushi.
Bí quyết thành công quả thực cũng đơn giản như chính phong cách nhà hàng sushi của Jiro: “Chỉ cần nỗ lực hết mình và hàng ngày làm đi làm lại một thứ. Có người sinh ra đã sẵn tư chất trời cho. Có người nhạy bén về khẩu vị và hương vị… Còn lại phụ thuộc vào sự cần cù của mình”.
Quan sát quá trình của bản thân, tôi nhận ra một điều, con người mình không nhất định đặc điểm nào cũng có bước tiến.
Thời niên thiếu, bản thân tôi không mấy khi phân tích, ngắm nhìn và tự si hình ảnh mình khi làm một việc. Thường là chỉ chú mục vào việc mình đang làm.
Bước vào trung học, tôi lấy việc viết đi viết lại những bài văn mỗi ngày làm công việc và lẽ sống. Đó là định vị sự tồn tại của bản thân nơi học đường. Biết rằng mình phải làm thế thì mới mong nhìn thấy tựu thành.
Tôi thuở hoa niên ấy vẫn cảm thấy đã sống tốt với bản thân mình, cảm thấy mình sống có lý lẽ và chân thực.
Sang những năm hai mươi, lại cảm thấy bản thân ngày càng quan tâm đến chuyện tựu thành, dù là vẫn kiên trì theo đuổi một con đường đó. Đã có lúc cảm thấy không còn đủ tỉ mỉ, nhẫn nại như xưa, rồi thường rơi vào chán nản, thất vọng.
Thấy những trúc trắc của đời sống như chống lại mình. Kì thực, tâm trí chẳng còn được bình yên trong sự nhẫn nại, chú tâm đơn thuần.
Sau quãng giữa những năm hai mươi là khoảng thời gian đắm chìm vào nỗi buồn thương, thất vọng, đau khổ của bản thân. Tự rời xa chính mình, quay sang hờn trách sự đời bất công.
Con tim hỗn loạn trong bể dâu xúc cảm. Lý trí chập chờn như chiếc bóng đèn hỏng. Vơ vào mình việc này việc kia để cảm thấy mình còn tồn tại, còn có nghĩa, thực ra chỉ chôn chân trong chứng tự si, mải ngắm vuốt chính mình, hay bấu víu vào ảo ảnh về vẻ đẹp của nỗi buồn để làm cao với đời.
Rèn giũa sự chú tâm, sự nhẫn nại để tận hưởng hương vị của đời sống trọn vẹn. Ảnh: Pinterest. |
Chạm mốc ba mươi, cảm thấy mình là không, không tựu thành được gì. Lần mò học lại cách thế sống thời thiếu niên đã lỡ đánh mất.
Người lớn thường tự cho mình là trưởng thành. Thở dài vì những ưu tư, vẫn thầm ngạo nghễ rằng “mình có ưu tư”, rồi lại lén nuối tiếc những năm tháng “vô ưu vô lo”.
Đến giờ bỗng nhận ra, niên thiếu không phải là “vô ưu vô lo” mà là đã sống hết mình, làm việc gì cũng không nghĩ ngợi mông lung.
Một lần nữa, tôi nhớ đến câu nói ấn tượng trong bộ phim tài liệu kia: “Đơn giản tuyệt đối thể hiện sự thuần khiết.”
Suy ngẫm thêm một chút, cảm thấy không chỉ là đang nói về hương vị của món ăn.
Trong món ăn (cũng như trong một việc làm nói chung) chứa cả cuộc đời người làm nó, thái độ sống của người ấy và cách thế người ấy quan hệ, tương tác với nhân gian.
Đó chắc hẳn là sự thuần khiết của một tấm lòng, một tâm thế sống luôn hết mình. Sự giản đơn của việc chú tâm hoàn toàn vào hành động và việc mình làm. Sự nhất quán của một tâm trí luôn kiên trì, bền bỉ, nhẫn nại.
Nhờ đó đạt được sự thuần khiết trong tâm tư và trong cách quan hệ với đời, với người. Rèn giũa sự chú tâm, sự nhẫn nại. Hiểu được thế nào là sống trọn vẹn.