Trong cuốn sách Thịnh Vượng do Phương Nam Book phối hợp NXB Thế Giới phát hành, Deepak Chopra đề xuất phương pháp chuyển hóa nỗi sợ hãi thành động lực tích cực. Ông khuyến khích độc giả khám phá nội tâm để tìm kiếm giá trị bản thân và sự thịnh vượng đích thực. Thịnh Vượng cũng hướng dẫn cách đạt được sự cân bằng, ổn định và phát triển sáng tạo trong cuộc sống.
Có rất nhiều sách dạy về việc kiếm tiền và bàn về đời sống tâm linh. Tuy nhiên, hiếm khi hai chủ đề này cùng được kết hợp mổ xẻ trong một cuốn sách. Theo Deepak Chopra, nguyên nhân là vì con người thường có khuynh hướng tách rời thế giới bên ngoài và thế giới bên trong.
Thế giới bên ngoài là “thế giới của vạn vật và những người khác”. Thế giới bên trong là “nơi tâm trí thường xuyên hoạt động, tạo ra những suy nghĩ và cảm giác”. Phần lớn con người đều đau khổ vì không biết cách kết nối hai thế giới này lại với nhau hoặc để cho chúng bị xung đột, mâu thuẫn lẫn nhau.
Có những người sẽ quan tâm đến thế giới bên ngoài nhiều hơn và ngược lại. Chính vì vậy, hai thể loại sách dạy về việc kiếm tiền (thuộc thế giới bên ngoài) và sách tâm linh (thuộc thế giới bên trong) thường được phân tách để phục vụ hai đối tượng riêng biệt. Deepak Chopra cho rằng việc chỉ quan tâm đến một trong hai thế giới sẽ làm cho đời sống của con người mất đi sự cân bằng.
Cuốn sách "Thịnh Vượng" của tác giả Deepak Chopra. |
Với tâm niệm này, Deepak Chopra đã viết nên cuốn sách Thịnh Vượng kết hợp cùng lúc hai chủ đề thường được tách rời. Từ đó, tác phẩmgiúp người đọc tiến gần hơn đến điểm cốt lõi nhất của hai chữ “làm giàu” theo cả nghĩa đen (về vật chất) và nghĩa bóng (về tinh thần). Deepak Chopra dẫn chứng về khái niệm của yoga và tiền. Theo tác giả, Yoga chính là chiếc cầu nối cần thiết để gắn kết hai thế giới mà chúng ta thường tự tách rời riêng rẽ. Ông cũng cho rằng khi sự hợp nhất đó diễn ra, sẽ có được cả thành công và hạnh phúc.
Bằng việc bắt đầu với nguồn gốc sâu xa của từ yoga, Deepak Chopra cũng dùng chính yoga để lý giải về tiền bạc. “Tôi biết yoga hiếm khi gắn liền với tiền bạc. Ở phương Tây, người ta chỉ biết đến một nhánh của yoga - Hatha Yoga. Đây là hình thức luyện tập thể chất được định danh cùng với lớp học yoga - lớp học này đang trải qua làn sóng phổ biến chưa từng được biết đến trong quá khứ", Deepak Chopra lý giả.
Trong tác phẩm Thịnh Vượng, Deepak Chopra chủ yếu tập trung vào triết lý tổng quan rộng lớn hơn của tinh thần yoga. Chính vì vậy, tác giả chọn cách viết hoa chữ "Yoga" trong sách để độc giả không bị nhầm lẫn với những bài tập rèn luyện thường được dạy trong các lớp yoga.
Từ nền văn hóa Vệ Đà cổ đại, yoga đã xuất hiện để hướng dẫn người Ấn Độ cách sống giữa cuộc đời qua suốt nhiều thế kỷ. Trong những hướng dẫn đó, có bao gồm cả lĩnh vực tiền bạc. Thịnh vượng được xem là thành tựu đầu tiên trong cuộc đời mỗi người. Nhưng điều đó không có nghĩa là khi tiền bạc đến thì mới hạnh phúc.
Trước nhiều biến động xã hội đầy khó khăn trong những năm gần đây, tinh thần cốt lõi của yoga về tiền bạc rằng “khi ta hạnh phúc, tiền sẽ đến” có phần khiến nhiều người hoài nghi. Con người hầu như không thể có được tiền theo cách dễ dàng mà phải lao động cật lực, siêng năng, tốn nhiều thời gian, công sức. Bối cảnh thực tế đó dường như đang cho thấy điều ngược lại.
Deepak Chopra chia sẻ: “Tuổi già là một canh bạc trên mọi mặt trận nhưng chủ yếu là mặt trận sức khỏe và tiền bạc". Từ đó, ông định nghĩa lại về tiền bạc theo nguyên tắc yoga: niềm vui bên trong mới là “thước đo thành công đích thực duy nhất”. Khi con người có thể thay đổi nhận thức của chính mình, hợp nhất được thế giới tinh thần và thế giới vật chất, đó cũng là lúc ta sẽ tìm được sự thịnh vượng trọn vẹn, toàn diện.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.