Nhà văn Nabokov. Ảnh: Marc Riboud/Magnum. |
Theo Joseph Epstein, tác giả sách A Literary Education and Other Essays, trong kho tàng văn học nhân loại, có rất ít cuốn tự truyện có thể được coi là thực sự vĩ đại. Có thể kể đến tự truyện của Benvenuto Cellini, Jean-Jacques Rousseau, Ben Franklin và một vài nhà văn khác. Con số ít ỏi này không có gì đáng ngạc nhiên, vì trong tất cả thể loại văn học, tự truyện có lẽ là thể loại khó thành công nhất.
Một trong những khó khăn lớn ở thể loại này là tác giả phải bộc trực, không được phép tỏ ra điêu toa hay tự phụ. Nhà văn nổi tiếng George Orwell đã nêu quan điểm: "Tự truyện chỉ đáng tin khi nó tiết lộ điều gì đó đáng hổ thẹn. Nếu một người đánh giá tốt về bản thân, người đó hẳn đang nói dối, vì cuộc đời nào khi nhìn từ bên trong cũng chỉ đơn giản là một chuỗi thất bại".
Để viết một cuốn tự truyện xuất sắc, ta không chỉ cần năng khiếu văn học, thứ có thể đạt được bằng nỗ lực, mà còn cần một cuộc đời vốn sẵn thú vị - cái này thì hiếm thấy hơn. Con người ta thường chỉ sở hữu được một trong hai điều trên. Chỉ một số ít may mắn mới có thể hình dung lại cuộc đời của họ, để tìm ra các chủ đề và khuôn mẫu có thể lý giải được nó.
Vladimir Nabokov là số ít tác giả làm được điều này. Cuối cuốn Nói đi, ký ức, ông viết rằng "hình xoắn ốc là một vòng tròn được tâm linh hóa" và "một hình xoắn ốc sặc sỡ bên trong một quả cầu thủy tinh nhỏ" là cách ông nhìn cuộc sống của chính mình.
Xoắn ốc cuộc đời Nabokov có bốn bước ngoặt. Đầu tiên là 20 năm ông sống cuộc đời xa hoa ở quê hương nước Nga (1899-1919). Tiếp theo đó là 21 năm lưu vong nghèo khó ở Anh, Đức và Pháp (1919-1940). Thứ ba là những năm ông làm giáo viên ở Mỹ (1940-1960). Bước ngoặt thứ tư chính là thành công vang dội của cuốn tiểu thuyết Lolita, giúp ông được tự do quay trở lại châu Âu - đặc biệt là Montreux, Thụy Sĩ - nơi ông sống an nhàn cho đến khi qua đời ở tuổi 78 vào năm 1977.
Bản dịch tiếng Việt tự truyện Nói đi, ký ức của Vladimir Nabokov. |
Thời thơ ấu tại Nga của văn hào
Nói đi, ký ức không thuật lại cuộc sống của Nabokov ở Mỹ hay kể về những ngày tháng của ông ở Montreux. Nó kết thúc khi ông, vợ ông và đứa con trai nhỏ chạy trốn khỏi Đức quốc xã, chuẩn bị lên đường đến Mỹ. Thay vào đó, phần lớn cuốn tự truyện tái hiện cuộc sống của ông ở Nga.
Là một tiểu thuyết gia tài ba, Nabokov lựa chọn dùng những chi tiết nhỏ để dẫn lối người đọc đến với những chủ đề vĩ đại hơn. Ông viết: "Dường như ở đó, trong các thang bậc kích thước của thế giới, đã có một điểm giao cắt tinh tế giữa trí tưởng tượng và kiến thức, một điểm mà ta đạt đến bằng cách thu nhỏ những thứ to lớn và phóng lớn những điều bé nhỏ, một việc làm mang bản chất nghệ thuật thực sự". Đó là phương pháp nghệ thuật của riêng Nabokov và cũng chính là điều mang lại danh tiếng cho ông trên thị trường quốc tế.
Những chân dung Nabokov khắc họa cha mẹ mình trong Nói đi, ký ức là một lời nhắc nhở rằng con người ta may mắn đến nhường nào khi có cha mẹ để yêu thương.
Về mẹ mình, ông viết: "Yêu thương bằng tất cả linh hồn của một người và để phần còn lại cho số phận chính là quy luật đơn giản mà mẹ tuân theo". Nói đi, ký ức chia sẻ những lát cắt cuộc sống về mẹ ông: đàn chó dachshund màu nâu của bà, mẹ ông ra ngoài săn nấm, hình ảnh mẹ ông chăm chú lắng nghe những vần thơ đầu tiên của con trai mình. Nabokov viết: “Bà trân trọng quá khứ của chính mình với cùng nhiệt huyết hoài cổ, giống như lúc này hồi tôi đang làm với hình ảnh bà và quá khứ của tôi”.
Cha của Nabokov là một người luôn sẵn sàng hy sinh vì đại cục (cuối cùng ông cũng đã chết vì điều này). Là một người có học và có văn hóa, ông đã lên tiếng chống lại những cuộc tàn sát diễn ra quanh ông, chống lại án tử hình, chống lại nhiều điều tàn ác trong chế độ sa hoàng vào thời của ông. Ông bị giết vào năm 1922 tại Berlin, khi che chắn cho một chính trị gia và biên tập viên theo chủ nghĩa tự do khỏi làn đạn của một kẻ cuồng tín theo chủ nghĩa sa hoàng cực hữu.
Cái mà Nabokov gọi là “sự ổn định và đầy đủ thiết yếu” thời trẻ của ông sớm đi đến hồi kết.
"Khu rừng ngôn từ"
Nói đi, ký ức cũng không thiếu những trường đoạn về loài bướm và những bàn cờ vua. Đây là hai đam mê cháy bỏng trong trong đời Vladimir Nabokov, những thứ đã xuất hiện trong không ít tiểu thuyết và truyện ngắn của ông.
Cuối cùng, trong cuốn tự truyện của mình, Nabokov viết về những thứ mà "người ta luôn hy vọng sẽ thoát được ngục tù của khu rừng ngôn từ". Trong "khu rừng" này, người ta tìm thấy những từ cực kỳ lạ lẫm và cả những cụm từ mà thông thường không đi với nhau, nhưng qua tay bút của Nabokov lại trở nên “xứng đôi vừa lứa” lạ lùng. Joseph Epstein cho rằng văn hào Vladimir Nabokov không có khả năng viết một câu văn nhàm chán.
Một kiệt tác tự truyện phải nắm bắt được tinh thần của thời đại và của nơi chốn; được viết hay và đáng nhớ; tạo điều kiện cho độc giả hiểu được cuộc đời của tác giả. Có thể nói, Nói đi, ký ức thỏa mãn cả ba điều trên.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Zing News
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Zing News mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.