Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hungary lại khuấy động châu Âu

Các biện pháp kinh tế mới của Hungary bị EU chỉ trích là phân biệt đối xử với người nước ngoài, trái với nguyên tắc thị trường tự do, có nguy cơ đẩy hai bên rơi vào xung đột.

hungary EU xung dot anh 1

Hungary đang trợ giá bán xăng cho người dân tại các điểm bán lẻ, nhưng chính sách này không áp dụng với xe đăng ký tại các quốc gia khác dù thuộc Liên minh châu Âu (EU), theo AP.

Budapest cũng ban hành thêm loại thuế mới có đánh vào "lợi nhuận bất thường" của giới doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Hungary cũng áp đặt mức giá trần cho một số loại thực phẩm.

Chính quyền Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố các biện pháp kinh tế mới nhằm hỗ trợ người dân trước sức ép từ giá nhiên liệu tăng cao. Trước đó, Hungary nhiều lần nữa khẳng định sẽ không ủng hộ bất cứ gói trừng phạt nào của EU nếu nhắm vào khí đốt xuất khẩu của Nga.

Giải cứu kinh tế hay dân túy?

Từ tháng 11/2021, Hungary đã ấn định giá trần cho xăng và dầu diesel là 1,25 USD/lít. Tuy nhiên tới tháng 5 vừa qua, Budapest ra quy định mới, theo đó các phương tiện mang biển kiểm soát nước ngoài sẽ phải trả tiền mua xăng, dầu theo theo giá thị trường, tức cao hơn 60%.

Ngoài ra, Hungary cũng áp đặt mức giá trần với một số thực phẩm như đường, dầu hướng dương, bột mỳ, đùi lợn, ức gà, sữa.

Việc áp đặt mức giá trần biến Hungary trở thành một trong các nước có giá nhiên liệu rẻ nhất EU, giúp thúc đẩy du lịch. Mức giá trần cũng nâng cao nhu cầu tiêu thụ các loại hàng hóa ở Hungary, gây ra thiếu hụt nguồn cung cho các nước khác.

hungary EU xung dot anh 2

Hungary đã áp đặt mức giá trần với xăng dầu và nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Hungary Today.

EU chỉ trích chính sách mới là phân biệt đối xử, đồng thời đề nghị Hungary tạm dừng thực hiện quy định nói trên trong khi đang xem xét liệu chính sách này có tuân thủ các nguyên tắc của khối hay không. Brussels cảnh báo Budapest sẽ đối mặt hậu quả pháp lý nếu tiếp tục đi ngược lại các nguyên tắc của khối.

"Chính phủ Hungary đúng là phải hành động, nhưng thay vì một giải pháp thân thiện với thị trường, họ lựa chọn biện pháp đi ngược lại các giá trị của EU", Gyorgy Suranyi, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Hungary, nhận định.

Trả lời phóng vấn tuần qua, Thủ tướng Orban đổ lỗi cho chiến sự ở Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt lên Nga, đã gây ra sức ép kinh tế cho Hungary.

Giá trị đồng forint của Hungary đang ở mức thấp chưa từng có. So với cùng kỳ năm 2021, lạm phát tháng 5 tại Hungary là 12,2%. Trong khi đó, lạm phát tại 19 nước sử dụng đồng euro là 8,1%. Dù chưa được chính xác công bố, lạm phát trong tháng 6 tại Hungary dự kiến không dưới 10%.

"Chúng ta đang ở trong hoàn cảnh thời chiến và cần có giải pháp. Các doanh nghiệp sẽ phải gánh vác thêm gánh nặng nhiều hơn bình thường bởi các gia đình Hungary không thể một mình chi trả", ông Orban nói.

Chính quyền Thủ tướng Viktor Orban tuyên bố đang cố gắng xoa dịu nguy cơ suy thoái kinh tế cũng như mức lạm phát cao nhất trong gần 25 năm. Tuy nhiên, chính sách kinh tế gây tranh cãi đang gây thiệt hại cho các doanh nghiệp, có nguy cơ đẩy Hungary vào cuộc đối đầu mới với EU.

Với các biện pháp can thiệp kinh tế mới, chính quyền Thủ tướng Orban đang bỏ qua mô hình kinh tế thị trường tự do và giảm thiểu quy định kiểm soát thị trường vốn là tiêu chuẩn của EU.

Chính sách mới trước mắt đã làm giảm giá một số loại hàng hóa cho người Hungary, tuy nhiên các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước cho biết nền tảng kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của họ bắt đầu bị tổn hại.

EU đang chất vấn liệu chính sách kinh tế mới của Hungary có tuân thủ quy định của khối hay không. Trước đó, Budapest và Brussels đã căng thẳng bởi EU chỉ trích chính quyền Thủ tướng Hungary không tôn trọng các nguyên tắc thượng tôn pháp luật và tham nhũng.

Chính phủ của Thủ tướng Orban cũng đối mặt thâm thủng ngân sách ngày càng phình to sau khi chi hàng tỷ USD phục vụ vận động trước bầu cử hồi tháng 4.

Ông Orban tuyên bố việc đánh thuế bổ sung ngành hàng không và các ngân hàng bảo hiểm cho các chuyến bay là hợp lý, bởi nhóm doanh nghiệp này đã hưởng lợi nhờ nhu cầu di chuyển gia tăng sau đại dịch.

Từ 1/7 đến hết năm 2023, Hungary sẽ áp thuế với lợi nhuận bất thường của các doanh nghiệp, hy vọng thu về thêm 2,1 tỷ USD. Chính quyền Thủ tướng Orban nói số tiền thu được sẽ dành cho chương trình trợ giá điện, gas, nước của người dân, cũng như đầu tư cho quốc phòng.

Giới doanh nghiệp điêu đứng

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hungary Suranyi nói rằng đánh thuế bổ sung chỉ hiệu quả nếu đối tượng là các ngân hàng và công ty kinh doanh nhiên liệu hóa thạch, trong khi sẽ gây hại cho các doanh nghiệp khác.

"Đây không phải là thuế nhắm vào lợi nhuận bất thường, bản chất là tịch thu tài sản của các công ty, trái với luật pháp. Ngành hàng không rõ ràng không có thu nhập nào bất thường", ông Suranyi nói.

Các hãng hàng không hoạt động ở Hungary như Ryanair, EasyJet hay Wizz Air cho biết sẽ tăng giá vé thêm 10 USD để bù cho khoản thuế phải đóng thêm.

Ngân hàng thương mại K&H Bank của Hungary cũng cho biết sẽ tăng phí dịch vụ.

Người phát ngôn chính phủ chỉ trích việc giới doanh nghiệp chuyển gánh nặng chi phí cho khách hàng bởi "các gia đình Hungary không nên bị buộc trả giá cho chiến tranh".

hungary EU xung dot anh 3

Thủ tướng Hungary Viktor Orban. Ảnh: Reuters.

"Chính phủ đã cảnh báo sẽ điều tra toàn diện từng doanh nghiệp và có hành động quyết liệt với những hành vi gây hại", tuyên bố của chính phủ Hungary cho biết.

Budapest đã khởi động cuộc điều tra bảo vệ người tiêu dùng nhắm vào Ryanair vì tăng giá vé máy bay.

Hungary là một trong những nước thu nhập thấp nhất EU. Một số người nói giá nhiên liệu rẻ giúp họ chống chịu được trong bối cảnh giá các loại hàng hóa, đặc biệt thực phẩm, đang tăng lên.

"Điều này hiển nhiên có lợi cho người dân, nhưng tôi không tin là có thể duy trì trong thời gian dài", Nikoletta Palhidi, y tá làm việc tại làng Hetes, nói.

Jozsef Toth, nông dân sống tại một ngôi làng nhỏ ở tây nam Hungary, cho biết mức giá trần với nhiên liệu giúp giảm nhẹ gánh nặng chi tiêu của gia đình ông, nhưng ông không hoàn toàn ủng hộ việc phân biệt đối xử với người nước ngoài.

"Thật lạ khi người nước ngoài phải trả nhiều tiền hơn. Nếu chúng tôi đến các nước khác, liệu họ có bán giá cao hơn cho chúng tôi hay không?", ông Toth nói.

Trong khi giới tài xế hưởng lợi, chủ sở hữu các trạm xăng dầu nhỏ cho biết họ đang thiệt hại bởi bán hàng mà không có lợi nhuận.

Janos Baintner, chủ sở hữu một trạm xăng ở Somogyvar, cho biết trần giá nhiên liệu khiến ông thua lỗ hơn 5.200 USD mỗi tháng suốt từ tháng 11/2021. Hàng chục nghìn hộ gia đình vận hành các trạm xăng dầu nhỏ đang rơi vào hoàn cảnh tương tự Baintner.

"Nếu lợi nhuận cận biên được đảm bảo, chúng tôi sẵn sàng đồng ý bán nhiên liệu với giá rẻ để hỗ trợ người dân. Nhưng chúng tôi không nên là người chịu thiệt hại để trả tiền cho chính sách trợ giá", ông Baintner nói.

Cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Suranyi có cùng nỗi lo lắng với sự bức xúc của chủ các trạm xăng dầu như Baintner.

"Tôi hoàn toàn thông cảm cho họ. Nếu có thể, chúng ta cần giảm gánh nặng chi tiêu của các hộ gia đình. Nhưng cách làm đúng không phải là áp đặt mức trần giá hàng hóa", ông Baintner nói.

Nga tung video hệ thống phòng không Tor-M1 tham chiến tại Ukraine Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống phòng không Tor-M1 có khả năng vô hiệu hóa mọi vật thể bay trên không trong một khoảng cách và độ cao nhất định.

Thủ tướng Hungary ca ngợi việc miễn trừ trong lệnh cấm vận dầu Nga

Thủ tướng Hungary Viktor Orban ngày 31/5 ca ngợi điều kiện miễn trừ trong lệnh cấm vận dầu Nga của Liên minh châu Âu, từ đó nước này có thể tiếp tục nhập khẩu dầu thô từ Moscow.

Lý do Hungary đi ngược chiều châu Âu trong lệnh cấm dầu Nga

Việc cấm vận dầu Nga không chỉ có thể giáng đòn mạnh vào nền kinh tế Hungary, mà còn có khả năng ảnh hưởng đến địa vị chính trị của Thủ tướng Viktor Orban.

Duy Anh

Theo AP

Bạn có thể quan tâm