Zing có cuộc trò chuyện với bác sĩ Phạm Quốc Hùng, người thực hiện ca phẫu thuật cho Hùng Dũng, để tìm hiểu thêm thông tin về ca chấn thương.
Hùng Dũng ôm mặt khóc trên sân ngay sau khi pha va chạm xảy ra. Ảnh: Quang Thịnh. |
Chấn thương của Hùng Dũng nặng hơn Văn Hậu
- Bác sĩ có thể chia sẻ về tình hình chấn thương của Hùng Dũng? chấn thương của cầu thủ này ở mức độ nào?
- Chấn thương của Hùng Dũng đã ổn. Lúc mới vào, Hùng Dũng cũng rất lo lắng vì chưa gặp chấn thương nặng bao giờ. Hùng Dũng hơi sốc và không ổn định tâm lý lắm. Sau đó, khi được bác sĩ nói chuyện và giải thích, Hùng Dũng mới ổn định tinh thần.
Hùng Dũng gãy 2 xương cẳng chân (xương chày và xương mác), đó là chấn thương nặng. Tuy nhiên, nó không phải là chấn thương nghiêm trọng vì Dũng chưa bị tổn thương các bộ phận khác như mạch, chưa gãy hở.
- Cổ chân và dây chằng đầu gối là 2 bộ phận quan trọng của các cầu thủ, ảnh hưởng nhiều đến việc thi đấu. Bác sĩ có thể so sánh 2 loại chấn thương này?
- Tùy theo tính chất và trường hợp cụ thể chứ không thể so sánh chung chung. Việc bị gãy 2 xương cẳng chân rõ ràng là chấn thương nặng. Dây chằng đứt đơn thuần thì cũng nhẹ. Tuy nhiên, trong trường hợp kèm theo vỡ sụn, vỡ mâm chày, chấn thương đa dây chằng thì mức độ sẽ nặng hơn nhiều.
- Bác sĩ cũng từng phẫu thuật cho Đình Trọng và Văn Hậu. Nếu so sánh với 2 cầu thủ này, chấn thương của Hùng Dũng đang ở mức độ nào?
- Chấn thương của Hùng Dũng nặng hơn Văn Hậu. Còn với Đình Trọng phải mổ sửa lại nên cần điều trị phức tạp, dai dẳng hơn chứ thật sự không nặng lắm. Văn Hậu tổn thương sụn, dập nhẹ dây chằng, sụn tổn thương dạng quai sách nên trở thành nặng, phải khâu lại nên mất nhiều thời gian hơn rách sụn chêm đơn thuần.
Tâm lý, tình trạng sức khỏe của Hùng Dũng đã ổn định và có thể xuất viện trong 1-2 ngày nữa. Ảnh: VFF. |
Lộ trình hồi phục
- Ca phẫu thuật đã thành công. Vậy bác sĩ có yêu cầu Hùng Dũng ở lại bệnh viện tập hồi phục thêm một thời gian hay không?
- Hùng Dũng có thể được xuất viện trong 1-2 ngày nữa. Bất cứ chấn thương nào cũng cần tập phục hồi. Bắt đầu từ hôm 25/3, tôi đã cho Hùng Dũng tập dần, tập nhẹ và tăng dần theo giáo án.
- Vì sao Hùng Dũng có thể tập nhanh như vậy, chỉ một ngày sau khi mổ? Sau ca mổ này, Hùng Dũng có cần thực hiện thêm ca mổ nào hay không?
- Vì phương pháp thực hiện là mổ kín, nên vết thương không lộ. Khi rạch da để khoan vào xương, trên da chỉ còn xuất hiện một lỗ nhỏ. Vì vậy, việc tập luyện sớm không ảnh hưởng nhiều đến vết thương.
Thông thường, với ca mổ đóng đinh nội tủy, bệnh nhân cần phải mổ lấy ra sau khoảng 1 năm. Tuy nhiên, một số bệnh nhân sợ phẫu thuật, họ chấp nhận để đinh trong chân, không bắt buộc phải lấy ra, nhưng tôi khuyên các bệnh nhân nên lấy ra sau 1 năm.
- Bác sĩ có thể tiết lộ lộ trình hồi phục của Hùng Dũng?
- Sau 3-4 tuần, Hùng Dũng có thể chạm chân nhẹ, tập nhẹ khoảng 30%. Thêm 2 tuần nữa, Hùng Dũng có thể chịu lực lên 50%-70%. Sau 2 tháng nữa, Hùng Dũng có thể bỏ nạng và tập chạy nhẹ. Nếu tập cơ tốt và cơ địa tốt, sau khoảng 5-6 tháng, Hùng Dũng có thể tập nặng hơn. Sau đó, việc Hùng Dũng trở lại với bóng đá còn phụ thuộc vào các bài tập ở thời gian đó.
- Còn về chi phí mổ và hồi phục của Hùng Dũng, đây cũng là điều được nhiều người hâm mộ quan tâm.
- Chi phí mổ không nhiều, chỉ khoảng 50 triệu đồng. Chi phí hồi phục cũng nằm trong khoảng đó và cũng phụ thuộc vào một số yếu tố khác.
- Cám ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện.