Cho đến trước khi gây ồn ào với mối tình cùng cháu gái vợ cũ, Hulk đã có sự nghiệp đầy phiêu lưu.
Chân sút xứ Samba gây dựng sự nghiệp ở Nhật Bản, không nhận được sự tôn trọng ở quê nhà, lang bạt qua những vùng đất ở châu Âu, rồi quay lại châu Á trong năm tháng cuối của sự nghiệp.
Hulk là một trong những chứng nhân của tuyển Brazil khi nhận thất bại 1-7 trước Đức năm 2014. Ảnh: Getty. |
Những cuộc phiêu lưu của Hulk
Givanildo Vieira de Souza thích được người ta gọi mình là Hulk, và trong suốt những năm tháng sau này, anh đã được toại nguyện. Rất nhiều người hâm mộ bóng đá không biết tên thật của anh, họ chỉ gọi anh bằng cái tên của nhân vật truyện tranh nổi tiếng.
Jaeci Carvalho, một nhà báo đã theo dõi tuyển Brazil trong gần 30 năm, tin rằng cái tên Hulk xuất phát từ quãng thời gian cầu thủ này chơi bóng tại Nhật Bản.
Trong khi nhiều đồng nghiệp có bước đệm hoàn hảo ở quê nhà, Hulk phải lang bạt sang châu Á từ sớm. 18 tuổi, anh sang Nhật thi đấu cho đội bóng hàng đầu J.League, Kawasaki Frontale. 2 năm sau, Hulk xuống chơi ở giải hạng Hai Nhật Bản cho Tokyo Verdy, CLB có màu áo xanh lá cây truyền thống. Biệt danh "Gã khổng lồ xanh" Hulk từ đó trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, chân sút sinh năm 1986 tin ngay từ khi còn nhỏ, cha mình đã yêu thích nhân vật truyện tranh nổi tiếng kể trên. Đến một ngày nọ, ông quyết định gọi con mình bằng cái tên Hulk.
Cho đến bây giờ, Hulk khá tự hào về cái tên của mình. Anh phát triển thương hiệu riêng của mình dựa trên cái tên đó và kiếm tiền từ nó. Những màn ăn mừng khoe cơ bắp và phong cách thi đấu có phần băm bổ của chân sút người Brazil càng khiến mọi thứ trở nên hoàn hảo hơn.
Năm 2017, Hulk thực hiện đoạn video gây sốt trên mạng. Trong một buổi tập cùng các đồng đội ở Zenit, tiền đạo này tung cú sút xé tan quả bóng thành nhiều mảnh. Tất nhiên, Hulk làm được điều đó nhờ kỹ xảo hình ảnh, nhưng nó đã khiến nhiêu CĐV cảm thấy thích thú.
Cuộc đời của Hulk là những chuyến phiêu lưu. Hơn 3 năm sau ngày lang bạt ở giải hạng Hai Nhật bản, Hulk có bước đệm lớn đầu tiên trong sự nghiệp khi chuyển sang Porto chơi bóng. Tại một trong những công xưởng xuất khẩu tài năng bóng đá lớn nhất châu Âu, Hulk thể hiện phong độ ấn tượng và nhận được sự quan tâm từ các ông lớn của châu Âu.
Chelsea hay MU đã ngỏ lời nhưng vào năm 2012, cầu thủ người Brazil lại quyết định chọn Zenit Saint Petersburg, CLB lớn nhất của Nga. Đó là thương vụ chuyển nhượng gây tranh cãi, bởi sự nhập nhằng về phí chuyển nhượng, tiền lót tay và việc có quá nhiều bên tự nhận mình là "chủ sở hữu" của Hulk.
Với tiền đạo người Brazil, tiền bạc là một trong những động lực lớn nhất để anh tiếp tục sự nghiệp bóng đá. Có thời điểm anh nhận gần 6,5 triệu euro/năm ở Zenit, trở thành một trong những cầu thủ có lương cao hàng đầu châu Âu.
Các ngôi sao bản địa ở Zenit ganh tỵ, và họ tự hỏi tại sao một cầu thủ không quá xuất chúng như Hulk lại có thể nhận lương cao đến như vậy. "Nếu CLB chiêu mộ Messi hay Iniesta, họ có thể xứng đáng với mức lương và cái giá đó", đội trưởng Igor Denisov của Zenit nói vào năm 2016. "Tại sao lại có những cầu thủ có trình độ không quá vượt trội, nhưng lại nhận lương cao gấp 3 những người khác?"
Việc bị đồng đội công khai ganh ghét mức thu nhập cho thấy những khó khăn mà Hulk phải chịu ở xứ sở Bạch Dương.
Với Hulk, hành trình trên đất Nga không khác gì cuộc phiêu lưu chứa nhiều rủi ro. Mỗi khi thi đấu, anh không chỉ chịu đựng sự phân biệt chủng tộc từ các CĐV đối thủ, mà còn từ chính CĐV đội nhà.
Thế nhưng trên tất cả, Hulk cho thấy giá trị của mình, và lý giải tại sao BLĐ Zenit chấp nhận chi hậu hĩnh để đưa anh về. Trong 97 lần ra sân cho Zenit, Hulk ghi 56 bàn và giúp CLB vô địch nước Nga năm 2015. Ở đấu trường Champions League, những pha đi bóng đầy thể lực và các cú nã đại bác tầm xa trái phá của Hulk đã trở thành thương hiệu.
Chứng kiến màn trình diễn ấn tượng của Hulk tại Nga, các CLB châu Âu tiếp tục mời chào. Chelsea và AC Milan sau đó ngỏ lời muốn anh về thi đấu. Tuy nhiên, năm 2016, Hulk quyết định thực hiện chuyến phiêu lưu mới. Anh sang Trung Quốc để chơi cho Shanghai SIPG với mức lương gần 17 triệu euro/năm, cao gần gấp 3 mức lương cũ ở Zenit.
Tại Trung Quốc, Hulk giúp Shanghai SIPG vô địch Chinese Super League năm 2018 và bộc lộ ý muốn giải nghệ tại đây. Rất nhiều cầu thủ ngôi sao đến và nhanh đi, nhưng Hulk đã gắn bó với Trung Quốc được nhiều năm.
Hulk từng trải qua hành trình bão táp ở xứ Bạch Dương. Ảnh: Getty. |
Sự lận đận ở quê nhà
Sự nghiệp lang bạt từ Á sang Âu của Hulk, cùng lối chơi có phần thiếu tinh tế khiến anh không phải là một thần tượng bóng đá lớn ở Brazil. Từ khi còn bé, Hulk bị nhiều CLB hàng đầu của xứ Samba từ chối vì cho rằng anh "thiếu kỹ thuật".
Năm 2012, HLV Mano Manezes khiến dư luận nước nhà tranh cãi nảy lửa khi chọn Hulk là một trong 3 cầu thủ quá tuổi của Brazil dự Olympic London. Bóng đá xứ Samba đang khao khát giành tấm huy chương vàng Thế vận hội đầu tiên trong lịch sử. Vì thế, việc chọn một cầu thủ "hạng xoàng" như Hulk là không thể chấp nhận được.
"Các CĐV Brazil tin có hàng tá cầu thủ nước nhà hay hơn Hulk", Carvalho kể lại. "Điều đó làm bùng nổ các cuộc tranh cãi. Anh ấy không phải mẫu cầu thủ mà các CĐV Brazil mơ ước".
Cuộc tranh cãi đó nói lên phần nào về cách người Brazil nhìn nhận và đánh giá Hulk. Anh cao hơn 1,8 m và nặng 85 kg, sở hữu cơ bắp cuồn cuộn và lối chơi thiên về sức mạnh. Hulk dường như là đại diện cho thứ bóng đá thực dụng mà nhiều CĐV Brazil muốn quên.
"Nhiều người Brazil tin khi được đặt cạnh Ronaldinho hay Ronaldo, Hulk thật khập khiễng", Carvalho nói tiếp. Cựu danh thủ Romario thậm chí khắc nghiệt hơn khi nói về Hulk: "Các HLV của Brazil lẽ ra nên gọi một cầu thủ được nhiều người tôn trọng hơn".
Mối quan hệ của Hulk với các CĐV Brazil còn tệ hơn khi anh trở thành nhân tố chính trong kỳ World Cup 2014 đáng quên. Tại quê nhà, Hulk suýt thành tội đồ khi đá hỏng quả penalty trong trận gặp Chile ở vòng knock-out.
Anh thuộc 11 cầu thủ Brazil đá chính trong thảm họa 1-7 trước Đức ở bán kết. Toàn bộ đội hình Brazil năm đó, chỉ còn Willian, Marcelo, Dani Alves hay Fernandinho là có cơ hội trở lại ĐTQG.
Hulk gần đây gây xôn xao dư luận khi kết hôn với cháu gái của vợ cũ. Ảnh: Globo. |
Mối tình gây tranh cãi
Hulk đã chịu rất nhiều lời phán xét ác ý trong suốt sự nghiệp của mình. Anh luôn bỏ ngoài tai tất cả. Cái cách anh lao vào mối quan hệ tình ái cùng cháu gái của vợ cũ dường như cho thấy điều đó.
Hulk cùng vợ cũ Iran Angelo de Sousa sống với nhau trong 12 năm, cả hai có 3 mặt con. Đến tháng 6/2019, anh tuyên bố ly dị vợ và 4 tháng sau, anh tuyên bố hẹn hò Camila, người phụ nữ kém mình 2 tuổi.
Hulk quen Camila từ trước, vì cô chính là cháu gái của vợ cũ Angelo. Gần nửa năm sau, Hulk tuyên bố đã kết hôn lần 2, với cô dâu là cháu gái vợ cũ.
Chân sút của Shanghai SIPG cam đoan anh thông báo với gia đình của Camila về quyết định nói trên. Người đại diện của anh phải đưa thông cáo báo chí với nội dung: "Hulk chỉ tìm hiểu Camila khi anh đã ly dị với vợ cũ được nhiều tháng".
Trang Ole bình luận Hulk và Camila không khác gì "đôi chim non đang hạnh phúc". Tuy nhiên, mối tình này nhận sự chỉ trích mạnh mẽ ở Brazil. Đặc biệt khi công chúng biết Camila từng là thành viên thân thiết với gia đình Hulk. Cô là người cháu gái thân thiết nhất của vợ cũ cầu thủ.
Làn sóng chỉ trích dữ dội khiến Camila phải khóa tài khoản mạng xã hội và đăng tải bức tâm thư xin lỗi Angelo. Cô nói rằng mình và Hulk đi theo tiếng gọi của trái tim.
Sự nghiệp bóng đá và cuộc đời khác thường của Hulk có lẽ không thua gì kịch bản hấp dẫn một bộ phim Hollywood.