Đây là một trong những nội dung được Kiểm toán Nhà nước đưa ra trong báo cáo kiểm toán các hoạt động liên quan việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2020 tại Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD).
Cụ thể, thông qua kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại HUD, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một loạt hạn chế, tồn tại của doanh nghiệp này trong năm 2020.
Trong đó, HUD đã bị phạt gần 316 tỷ đồng trong năm vừa qua do chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tại 4 dự án bất động sản bao gồm Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 (Hà Nội) 4,1 tỷ; Dự án Phú Mỹ (Quảng Ngãi) 1,5 tỷ; Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 (Bình Dương) 304 tỷ; và Dự án HUD - Sơn Tây (Hà Nội) 6,3 tỷ đồng.
Ôm đất cả thập niên không chịu triển khai
Liên quan hoạt động quản lý và sử dụng đất, Kiểm toán Nhà nước cho biết tại công ty mẹ - HUD, việc giao đất trên thực địa còn chậm tại Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 và HUD - Sơn Tây, cũng như chưa giao một phần diện tích gần 10.000 m2 tại Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án.
Bên cạnh đó, một số diện tích tại Dự án KĐT Văn Quán và KĐT Việt Hưng (Hà Nội) đã được giao đất nhưng HUD chưa triển khai xây dựng công trình.
Công ty mẹ - HUD cũng chưa tính tiền sử dụng đất với gần 10.000 m2 thuộc Dự án HUD - Sơn Tây; chưa ký hợp đồng thuê đất với hơn 18.000 m2 thuộc Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 và 79.000 m2 khác thuộc Dự án KĐT mới Phước An.
Tại Dự án KĐT Chánh Mỹ giai đoạn 2, dù địa phương đã giải phóng mặt bằng và bàn giao đất trên thực địa từ năm 2009-2010 với gần 182/226 ha, đã tính tiền sử dụng đất từ năm 2010-20211 với giá trị 245 tỷ đồng, nhưng HUD vẫn đề xuất tạm dừng triển khai và được UBND tỉnh Bình Dương chấp thuận.
Dự án KĐT Chánh Mỹ giai đoạn 2 về tay HUD hơn 10 năm đến nay vẫn chưa được triển khai. Ảnh: Đình Trọng. |
Đến năm 2018, tổng công ty này mới đề nghị UBND tỉnh Bình Dương được tiếp tục triển khai dự án và được chấp thuận. Tuy nhiên, do dự án bị kéo dài qua các thời kỳ, các chế độ chính sách về đầu tư và giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi, nên UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo rà soát lại hồ sơ pháp lý của dự án.
Sau quá trình rà soát, UBND tỉnh cho biết với quy mô gần 226 ha, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án này thuộc về Thủ tướng. Vì vậy, tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Bình Dương đã chỉ đạo UBND thành phố Thủ Dầu 1 và các sở ban ngành thống nhất phương án khả thi, phù hợp để điều chỉnh phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, xác định nghĩa vụ tài chính về đất và hướng dẫn HUD các thủ tục pháp lý đảm bảo theo quy định pháp luật.
Ngoài những tồn tại ở công ty mẹ - HUD, các công ty thành viên của tổng công ty này cũng có nhiều hạn chế trong hoạt động quản lý và sử dụng đất những năm vừa qua.
Trong đó, HUDLand bị xác định chưa điều chỉnh quy hoạch, mục đích sử dụng đất và chưa tính tiền sử dụng đất với hơn 3.500 m2 thuộc Dự án đầu tư xây dựng nhà vườn tại khu B - KĐT mới đường Lê Thái Tổ, Bắc Ninh.
Tương tự, HUD Nha Trang chưa giải phóng xong mặt bằng với gần 5.450 m2, chưa ký hợp đồng thuê hơn 5.100 m2 thuộc Dự án KĐT mới Phước Long và gần 2.000 m2 thuộc Dự án Khu biệt thự Nha Trang - Sea Park.
Tại HUD8, công ty này chưa hoàn thiện thủ tục cấp sổ hồng cho bên mua theo quy định với 7 căn hộ thuộc Dự án nhà ở thấp tầng TT2; TT6B; TT6D Linh Đàm.
Loạt dự án chậm tiến độ nhiều năm
Cũng tại báo cáo này, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những hạn chế trong hoạt động quản lý đầu tư tài chính của HUD.
Trong đó, hiệu quả các khoản đầu tư của tổng công ty chưa tương xứng với số vốn góp. Trong 17 công ty con mà HUD góp vốn trực tiếp, cổ tức dự kiến được chia năm 2020 chỉ là 4,34%.
Trong số này, 3 công ty con có mức lợi nhuận thấp, tỷ suất lợi nhuận/vốn thấp và cổ tức chỉ từ 2% đến 5%; 4 công ty con có lợi nhuận thấp, không chia cổ tức; 1 công ty con có kết quả kinh doanh thua lỗ là Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng HUD.CIC.
Ngoài ra, 4/5 công ty liên kết, đầu tư khác của HUD có kết quả kinh doanh thua lỗ.
Đến hết năm 2020, công ty mẹ - HUD đã phải trích lập dự phòng hơn 41 tỷ đồng cho các khoản đầu tư này, trong đó, số trích lập bổ sung năm 2020 là gần 8 tỷ.
Kiểm toán Nhà nước cho biết thêm vốn chủ sở hữu của công ty mẹ - HUD đến cuối năm 2020 còn thiếu 1.809 tỷ đồng so với vốn điều lệ nhưng đại diện chủ sở hữu chưa điều chỉnh lại mức vốn thực góp trên giấy đăng ký doanh nghiệp.
HUD chính là chủ đầu tư dự án biệt thự biển Nha Trang - Sea Park bị UBND TP Nha Trang (Khánh Hòa) yêu cầu tháo dỡ. Ảnh: An Bình. |
Sau quá trình kiểm toán tại 4 dự án gồm Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 và HUD - Sơn Tây cùng tại Hà Nội; Dự án Phú Mỹ tại Quảng Ngãi và Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 tại Bình Dương, Kiểm toán Nhà nước xác định cả 4 dự án này đều chậm tiến độ nhiều năm so với quyết định phê duyệt ban đầu.
Trong đó, Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 chậm hơn 10 năm; Dự án HUD - Sơn Tây chậm hơn 9 năm; Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 chậm 7 năm và Dự án Phú Mỹ chậm hơn 6 năm.
Bên cạnh đó, HUD cũng bị xác định chậm lập thẩm định và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1; không tổ chức thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư khi phê duyệt dự án và điều chỉnh dự án tại Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2 và Phú Mỹ.
Ngoài ra, HUD cũng thẩm định không chi tiết Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1 và HUD - Sơn Tây, trong khi lập và phê duyệt chưa phù hợp với khả năng huy động vốn, chủ đầu tư phê duyệt điều chỉnh thời gian thực hiện khi chưa được UBND tỉnh Bình Dương gia hạn tại Dự án Chánh Mỹ giai đoạn 1.
Tại Dự án Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, HUD cũng bị xác định bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội chưa đủ so với quy định.