Theo báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm toán nhiệm kỳ Quốc hội khóa 14, cơ quan kiểm toán cho biết trong suốt nhiệm kỳ 2016-2021, cơ quan này đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng thông qua các đợt kiểm toán. Nếu so với giai đoạn 2011-2015, số kiến nghị xử lý tài chính đã tăng gấp 3,5 lần (giai đoạn 2011-2015 kiến nghị xử lý 101.037 tỷ đồng).
Trong số kiến nghị xử lý giai đoạn vừa qua, Kiểm toán Nhà nước tăng thu ngân sách Nhà nước 63.449 tỷ đồng, giảm chi cho ngân sách 91.113 tỷ đồng và kiến nghị khác 199.171 tỷ đồng.
Trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí qua hoạt động kiểm toán, để nâng cao hiệu quả Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo liên quan đến hoạt động này.
Cũng trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã góp phần vào việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tham nhũng.
Lô nhôm trị giá 4,3 tỷ USD của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu trốn thuế bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện và gửi hồ sơ sang cơ quan Công an. Ảnh: T.L. |
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, cơ quan này cũng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định với 2 vụ việc. So với nhiệm kỳ 2011-2015, số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra tăng 9 vụ việc, tương ứng tăng 45%.
Các vụ liên này liên quan đến Công ty CP DAP số 2 - Vinachem thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; dấu hiệu vi phạm pháp luật của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Dầu khí Hoàng Ngân; Ban Quản lý Dự án Công trình Liên hợp Lọc Hóa Dầu Nghi Sơn; Cục Hải quan thành phố Đà Nẵng; Sở Y tế tỉnh Bình Dương; hành vi có dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế của Công ty TNHH Nhôm Toàn Cầu tại Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; và Dự án Nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước...
Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cho biết đã cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền, tăng gần 5 lần so với nhiệm kỳ trước để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Số này bao gồm 250 hồ sơ gửi Ủy ban Kiểm tra Trung ương; 49 hồ sơ gửi Văn phòng Quốc hội và Đại biểu Quốc hội; 72 bộ hồ sơ gửi Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an; và 127 hồ sơ gửi cơ quan khác.
Cũng trong giai đoạn 2016-2021, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn.
Cũng trong nhiệm kỳ này, số kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị. Trong đó, có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.