Huawei trần tình về nghi án 'gián điệp viễn thông' tại VN
Hãng viễn thông Trung Quốc cho rằng bị "oan" và sẵn sàng để các cơ quan chức năng kiểm tra mức độ bảo mật các thiết bị đang cung cấp tại Việt Nam.
Trong vài ngày qua, thông tin hai hãng viễn thông lớn nhất Trung Quốc là Huawei và ZTE bị Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cáo buộc “đe dọa an ninh quốc gia” và cấm mọi hoạt động mua bán, sáp nhập trên lãnh thổ Mỹ được đăng tải trên khắp các báo. Vụ việc này đang làm dấy lên những nghi ngại hai hãng viễn thông Trung Quốc cũng sử dụng những phương pháp tương tự, gây nguy hại cho an ninh viễn thông Việt Nam.
Một cửa hàng của Huawei tại Việt Nam. Ảnh Internet. |
Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí gửi tới các cơ quan báo chí, “đại gia” viễn thông Trung Quốc Huawei - đối tác của nhiều mạng di động tại Việt Nam, cho rằng: “Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã không cung cấp những bằng chứng rõ ràng để chứng minh những vấn đề mà họ đang lo ngại là chính đáng”. Thông cáo này cũng cho biết, phía Ủy ban Hạ viện Mỹ đã sử dụng những “tin đồn” và “lời suy đoán” để buộc tội Huawei.
Tại Việt Nam, Huawei cũng như ZTE đang là những nhà cung cấp chiếm thị phần lớn trên thị trường viễn thông, từ hạ tầng mạng cho tới các thiết bị đầu cuối. Trước nghi vấn các thiết bị này có nguy cơ bị gắn phần mềm gián điệp, hay một loại chip điện tử dùng để gửi và nhận dữ liệu qua “cửa hậu” (backdoor), ông Đặng Kim Long - Giám đốc Truyền thông của Huawei Việt Nam khẳng định, các giải pháp viễn thông của Huawei đã và đang phục vụ hoạt động của 6/7 mạng viễn thông di động tại Việt Nam nhưng chưa từng xảy ra một sự cố lớn nào gây mất an toàn, an ninh mạng.
Cùng với đó, việc nhập khẩu và sử dụng các thiết bị viễn thông cho các mạng di động Việt Nam đều được kiểm tra chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn ngành về an toàn, bảo mật. Ông cũng cho biết, bản thân các mạng viễn thông Việt Nam cũng có những biện pháp kỹ thuật - công nghệ riêng để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Huawei đã cung cấp khoảng 6 triệu thiết bị đầu cuối (bao gồm những chiếc USB 3G) tại thị trường Việt Nam chỉ trong năm 2010. |
Đại diện Huawei cũng cam kết sẽ hợp tác với chính phủ, chính quyền địa phương hoặc các cơ quan có liên quan trong việc kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các thiết bị viễn thông Huawei tại Việt Nam.
Hãng này cũng hé mở việc sẽ thành lập các trung tâm chứng thực an ninh cho từng khu vực nếu cần thiết. Những trung tâm này sẽ hoạt động một cách minh bạch và việc kiểm tra sẽ được kiểm soát bởi những người có ủy quyền từ chính quyền địa phương.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc bộ phận an ninh mạng của BKAV cho biết, đây không phải lần đầu tiên các công ty viễn thông của Trung Quốc bị tẩy chay tại các nước phương Tây. Tuy nhiên, đến nay, chưa có một bằng chứng cụ thể nào về việc có các đoạn mã độc hoặc các loại chip gián điệp cài đặt bên trong các thiết bị đầu cuối hoặc hạ tầng viễn thông được cung cấp bởi Huawei cũng như các hãng khác, tại Việt Nam cũng như các nước khác.
Chia sẻ thêm về mức độ nguy hiểm của việc sử dụng các thiết bị viễn thông có cài phần mềm gián điệp, ông Đức cho biết, hầu như tất cả mọi hoạt động liên lạc của người dùng hiện nay đều phụ thuộc vào các thiết bị viễn thông nói trên. Và nếu những quan ngại là sự thật, đó sẽ là một hiểm họa khôn lường.
Tại thị trường Việt Nam, Huawei đã cung cấp hơn 6 triệu đơn vị thiết bị đầu cuối bao gồm thiết bị cầm tay, USB 3G, các thiết bị đầu cuối cố định không dây, modem ADSL, đem lại cho hãng này doanh thu 500 triệu USD trong năm 2010. Năm 2011, công ty đạt doanh thu 290 triệu USD tại Việt Nam, đóng thuế 1,1 triệu USD. |
Thành Duy
Theo Infonet