Nỗi lo từ 2 đại gia viễn thông Trung Quốc
Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ vừa công bố hai tập đoàn viễn thông Trung Quốc là Huawei và ZTE đe dọa an ninh Mỹ. Ở Việt Nam, thiết bị của hai đại gia viễn thông Trung Quốc này được dùng rất phổ biến.
Bắt đầu thực hiện từ tháng 11/2011, báo cáo khẳng định đã nhận được những tài liệu nội bộ của Huawei. Chúng cho thấy công ty này cung cấp dịch vụ mạng cho một tổ chức đặc biệt, có thể là đơn vị chiến tranh mạng của quân đội Trung Quốc. Phía Mỹ cũng lo ngại các công ty này luôn phải tuân thủ khi Chính phủ Trung Quốc muốn tiếp cận hệ thống mạng của họ.
Hai mẫu điện thoại Huawei được bán tại một cửa hàng điện thoại trên đường Giải Phóng, Hà Nội. |
Gián điệp?
Báo cáo của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ nhắc đến việc một số công ty Mỹ sử dụng thiết bị của Huawei và ZTE từng gặp phải những trường hợp “kỳ lạ” và “đáng báo động”. Hồi đầu năm, nhiều chuyên gia an ninh Mỹ cáo buộc một số thiết bị của Huawei và ZTE được cài sẵn mã độc để chuyển thông tin nhạy cảm từ Mỹ về Trung Quốc.
AFP cho biết hồi đầu năm, nhà chức trách Mỹ đã ngăn việc Huawei mua lại Công ty vi tính Mỹ 3Leaf Systems. Không chỉ Mỹ, Úc cũng đề phòng Huawei. Chính quyền và Quốc hội Úc đã ngăn Huawei tham gia đấu thầu dự án băng thông rộng trị giá 36,6 tỉ USD ở Úc. Chính quyền Úc khẳng định làm như vậy vì lo ngại nguy cơ bị Trung Quốc tấn công mạng và đánh cắp thông tin tình báo. Các quan chức Huawei đã vận động hành lang dữ dội nhưng vẫn bị các nghị sĩ Úc tẩy chay.
“Chúng ta không thể tin tưởng giao các hệ thống quan trọng cho những công ty có quan hệ mật thiết với Chính phủ Trung Quốc. Mà Trung Quốc là thủ phạm tấn công mạng lớn nhất nhắm vào Mỹ”, báo Wall Street Journal dẫn lời chủ tịch Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers.
Theo Wall Street Journal, các cơ quan tình báo Mỹ xác định thời gian qua Trung Quốc liên tục tổ chức các cuộc tấn công trên mạng nhắm vào hàng loạt tập đoàn Mỹ và thậm chí cả mạng quân sự của Nhà Trắng.
Do đó, Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ yêu cầu chính quyền Washington ngăn chặn mọi hợp đồng mua bán, sáp nhập mà Huawei và ZTE thực hiện tại Mỹ. Các cơ quan quan trọng của Mỹ, cũng như các nhà thầu làm việc trong các chương trình nhạy cảm của chính phủ, không nên mua các thiết bị của Huawei và ZTE. Ủy ban cũng kêu gọi các công ty Mỹ nghiêm túc xem xét những nguy cơ an ninh khi mua dịch vụ và thiết bị của Huawei và ZTE.
USB 3G được các mạng điện thoại di động bán cho khách hàng đều có nguồn gốc từ hai hãng Huawei và ZTE. |
Huawei và ZTE tràn lan tại Việt Nam
Tại Việt Nam, sự hiện diện các thiết bị viễn thông của Huawei và ZTE đã quá rõ ràng và quá nhiều. Điển hình chính là những chiếc USB 3G được các mạng di động MobiFone, Vinaphone, Viettel, Vietnamobile cung cấp ra thị trường. Dù mang trên mình thương hiệu của các mạng di động Việt Nam, nhưng thực chất những sản phẩm này đều do Huawei và ZTE cung cấp.
Ngoài ra trên thị trường còn có nhiều thiết bị USB 3G mang thương hiệu Huawei và ZTE. Người dùng Việt Nam có thể mua những thiết bị trên hoàn toàn dễ dàng với giá chỉ vài trăm nghìn đồng từ các cửa hàng máy tính, điện thoại...
Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến cuối năm 2011 Việt Nam có 16 triệu thuê bao 3G. Theo thống kê của một công ty nghiên cứu thị trường, lượng người dùng 3G thông qua USB 3G chiếm hơn 50%. Như vậy tại Việt Nam hiện có hơn 8 triệu thuê bao sử dụng thiết bị USB 3G, trong đó Huawei và ZTE chiếm phần lớn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện cả ba nhà mạng di động lớn của Việt Nam là MobiFone, Vinaphone và Viettel đều đang sử dụng nhiều thiết bị viễn thông của Huawei, ZTE từ việc xây dựng hạ tầng mạng đến thiết bị đầu cuối.
Đại diện một nhà mạng thừa nhận có sử dụng thiết bị của Huawei, nhưng cho rằng: “Các trang thiết bị viễn thông trước khi nhập về sử dụng đều phải qua kiểm tra chặt chẽ phù hợp với tiêu chuẩn ngành, quy định an ninh quốc gia. Ngoài ra mỗi nhà mạng đều có những cách riêng nhằm “đảm bảo an ninh tuyệt đối”.
Chẳng hạn có nhà mạng sử dụng nhiều thiết bị của nhiều nhà sản xuất khác nhau cùng lắp ráp vào một trạm hay một bộ phận, đảm bảo không có nhà sản xuất nào độc quyền trong một bộ máy...”.
Cần quan tâm đến an toàn thông tin
Đánh giá về sự nguy hiểm của việc do thám bằng thiết bị viễn thông, ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc an ninh mạng Bkav, cho hay các thiết bị mạng viễn thông từ thiết bị người dùng đầu cuối đến thiết bị hạ tầng mạng của nhà cung cấp dịch vụ nếu bị cài gián điệp thì các hoạt động liên lạc, giao dịch kết nối qua thiết bị đó sẽ dễ dàng bị lấy cắp. Đó là nguy cơ lớn nhất.
Xa hơn, hạ tầng mạng có thể bị can thiệp, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. Tuy nhiên việc kiểm tra phát hiện là rất khó khăn, chẳng hạn thiết bị lúc đầu sản xuất ra chưa được cài gián điệp, nhưng sau đó trong quá trình sử dụng sẽ được cập nhật các phần mềm điều khiển, sửa lỗi... Phần mềm gián điệp có thể được cài sau theo hướng này khiến người dùng chủ quan không hay biết.
Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena, nhận định: “Nếu đây là sự thật thì không những thông tin của người sử dụng thiết bị của hai hãng trên như USB 3G, điện thoại... mà đến các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin, viễn thông tại Việt Nam cũng có thể bị theo dõi, đánh cắp thông tin, xâm nhập hệ thống... Đây là một việc rất nguy hiểm đến an toàn thông tin, thậm chí đến bí mật quốc gia.
Tuy nhiên, thực tế rất khó phát hiện và ngăn chặn nguy cơ gián điệp trên. Theo tôi, Nhà nước cần phải thành lập một ủy ban kiểm tra gồm các chuyên gia an toàn thông tin và thực hiện theo dõi kiểm tra thiết bị của hai hãng trên đang sử dụng tại các nhà cung cấp cũng như các thiết bị đầu cuối như USB 3G, điện thoại...”.
ThS Ngô Đức Hoàng (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo và thiết kế vi mạch ICDREC - ĐHQG TP.HCM): "Rất khó phát hiện thiết bị gián điệp" Chuyện cài gián điệp vào thiết bị điện tử, chính xác là trong các con chip vi mạch, trong chuyên ngành kỹ thuật người ta gọi là cài đặt “cửa hậu” (backdoor), được thực hiện rất dễ dàng, nhưng chỉ có những người thiết kế ra con chip đó mới làm được. Con chip vi mạch được cài đặt backdoor sẽ được sử dụng trong các thiết bị điện tử (USB 3G, điện thoại di động, máy tính, thiết bị điện tử viễn thông, công nghệ thông tin...). Thông qua kết nối mạng, backdoor sau này được sử dụng để lấy thông tin của thiết bị gắn con chip đó, rộng hơn là của mạng sử dụng thiết bị đó, thậm chí điều khiển từ xa hoạt động của một hệ thống... Để phát hiện backdoor là việc rất khó. Một thiết bị đơn giản như USB 3G, muốn kiểm chứng có backdoor trên chip hay không phải theo dõi việc có hay không có xuất hiện một lệnh điều khiển từ xa. Quá trình theo dõi này phải mất một thời gian rất dài mà vẫn chưa chắc phát hiện vì có thể trong suốt thời gian theo dõi, backdoor đã được cài đặt không hề nhận được lệnh điều khiển từ xa nên cũng không hoạt động. |
Tiếp cận 80% thông tin liên lạc thế giới Trang Internal Business Times dẫn tuyên bố của Michael Maloof, cựu chuyên viên phân tích chính sách bảo mật tại Văn phòng bộ trưởng quốc phòng Mỹ, khẳng định ZTE và Huawei cho phép chính phủ và quân đội Trung Quốc tiếp cận một lượng khổng lồ những thông tin điện tử trên toàn thế giới, gồm các dữ liệu tình báo và quân sự nhạy cảm. Theo ông Maloof, Trung Quốc có khả năng truy cập từ xa thông qua thiết bị hai công ty này cài đặt trong các mạng viễn thông ở 140 nước, từ Malaysia, Philippines, Ấn Độ cho đến Nga, Brazil. Ông cũng nhận định khả năng tiếp cận 80% thông tin liên lạc của thế giới có thể giúp Bắc Kinh theo dõi về mặt điện tử các cơ sở hạ tầng trọng yếu ở Mỹ và các nước khác. Đáng lo ngại hơn, ông tin rằng Bắc Kinh đang ráo riết tìm cách tiếp cận 20% lượng thông tin còn lại. Ngoài ra, các dịch vụ mạng thương mại do hai công ty trên thiết lập tại nhiều quốc gia cũng có nguy cơ là công cụ phục vụ các hoạt động xâm nhập điện tử từ xa. Theo ông Maloof, các hoạt động liên lạc của công ty Mỹ qua mạng riêng ảo tại những nước sử dụng thiết bị mạng của ZTE và Huawei, như Mexico, đều có thể bị theo dõi. |
Theo Tuổi Trẻ