Trong cuộc đua chuyển đổi số toàn cầu, nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) đã triển khai kế hoạch số hóa hiệu quả dưới sự hỗ trợ của Huawei.
Cuộc đua chuyển đổi số
Trong bối cảnh xu hướng chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, khu vực APAC trở thành "ngôi nhà" của nhiều nền kinh tế kỹ thuật số. Nhiều quốc gia đang triển khai kế hoạch chuyển đổi số, chẳng hạn Singapore phát hành bản kế hoạch “Quốc gia thông minh - Smart nation 2025”; Indonesia và Malaysia đề ra chiến lược phát triển kỹ thuật số; Bangladesh có sách lược Digital Bangladesh; Thái Lan công bố tầm nhìn trở thành trung tâm kỹ thuật số của ASEAN. Việt Nam cũng công bố triển khai chiến lược chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Theo báo cáo Hội nhập Kinh tế châu Á 2021, chuyển đổi số giúp APAC thu về khoản cổ tức kinh tế hơn 1.700 tỷ USD mỗi năm, đạt hơn 8.600 tỷ USD đến 2025. Nhu cầu sử dụng công nghệ kỹ thuật số tăng lên tạo ra 65 triệu việc làm mới trong khu vực vào năm 2025.
Sau thời gian triển khai chuyển đổi kỹ thuật số, các quốc gia trong khu vực gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Trong đó, Việt Nam và Indonesia có nền kinh tế số phát triển với tốc độ chóng mặt. Indonesia là quê hương của nhiều kỳ lân công nghệ. Singapore và Hàn Quốc trở thành những trung tâm số nổi bật trong khu vực. Thành tựu này có sự đóng góp không nhỏ của các tập đoàn công nghệ lớn.
Bệnh viện Siriraj (Bangkok, Thái Lan) cộng tác cùng Huawei để xây dựng bệnh viện thông minh 5G. |
Đầu năm nay, Thái Lan khánh thành Bệnh viện Siriraj ứng dụng công nghệ 5G đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á, với sự cộng tác của Huawei. Nhờ ứng dụng công nghệ 5G cùng dữ liệu đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI),… bệnh viện mang đến trải nghiệm khám, chữa bệnh hiệu quả và thuận tiện.
Từ thời điểm khánh thành, bệnh viện này đã thử nghiệm hộp y tế di động 5G, xe không người lái 5G, phương tiện y tế 5G và giường bệnh thông minh 5G. Dự kiến, Huawei đưa 30 ứng dụng y tế 5G vào vận hành trên toàn Thái Lan trong năm nay.
Ngoài Thái Lan, Huawei cũng có mặt tại nhiều quốc gia khác thuộc khu vực APAC. Ở Trung Quốc, Thiên Tân là một trong những cảng container lớn nhất thế giới với khoảng 20 triệu container mỗi năm, lịch trình hàng ngày rất phức tạp. Nhờ ứng dụng giải pháp AI của Huawei, cảng chỉ mất 2-4 tuần để hoạt động trơn tru.
Bên cạnh đó, ngành khai khoáng của Trung Quốc cũng ứng dụng phần mềm và công nghệ của Huawei để tăng cường an toàn, bằng cách dùng video toàn cảnh để hỗ trợ thợ mỏ hình dung khó khăn phải đối mặt; sử dụng xe không người lái giúp giảm tỷ lệ rủi ro,…
Cảng Thiên Tân, Trung Quốc được ứng dụng giải pháp AI của Huawei. |
APAC tập trung thu hút nhân tài và đổi mới
Nguồn nhân lực dồi dào, sở hữu trình độ ICT là yếu tố chủ chốt giúp quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh và thành công. APAC là một trong những khu vực tận dụng tốt ưu thế này để tăng tốc chuyển đổi số.
Nhờ có lực lượng dân số trẻ hơn Mỹ và châu Âu, nhiều quốc gia tại đây đang thực hiện chiến lược thu hút nhân tài ICT trong khu vực lẫn toàn cầu. Đơn cử, Chính phủ Nhật Bản thực hiện chính sách đổ tiền vào những chương trình liên kết đào tạo và dạy nghề toàn cầu, qua đó thu hút chất xám cho quốc gia. Hay Hàn Quốc cấp “thẻ vàng” cho các nhà khoa học trẻ là người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đây, với chính sách trả lương cao, hỗ trợ phương tiện đi lại, nhà ở,… Trong khi đó, người tài ở Singapore không chỉ hưởng lương theo trình độ mà có thể đưa người thân sang sinh sống, đồng thời được cấp giấy phép định cư và nhập tịch lâu dài.
Song song chính sách thu hút nhân tài, nhiều quốc gia và doanh nghiệp lớn tại APAC còn tổ chức các chương trình đào tạo nguồn nhân lực ICT chất lượng cao nhằm phục vụ chiến lược phát triển, thúc đẩy chuyển đổi số khu vực nói chung. Chẳng hạn, Huawei đang thực hiện kế hoạch đào tạo 500.000 chuyên gia ICT trong 5 năm tới thông qua Học viện Huawei ASEAN và chương trình “Hạt giống cho tương lai”. Trong 3 năm tới, tập đoàn dự kiến đầu tư 100 triệu USD để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại khu vực.
Trước đó, công ty này ra mắt chương trình “Đối tác Ascend APAC” nhằm xây dựng hệ sinh thái AI đổi mới sáng tạo và bền vững. Chương trình tiếp cận hơn 100 đối tác, ghi nhận 27 biên bản ghi nhớ với các tổ chức giáo dục sau đại học và tổ chức chính phủ trên toàn khu vực.
Trong tương lai, sự phát triển của quốc gia nói riêng và thế giới nói chung sẽ dựa trên 3 động lực: Kinh doanh, công nghệ và bền vững.
Theo nhiều nghiên cứu, trong tương lai, sự phát triển của quốc gia nói riêng và thế giới nói chung sẽ dựa trên 3 động lực: Kinh doanh, công nghệ và bền vững. Theo đó, động lực kinh doanh đến từ việc áp dụng công nghệ tăng cường số hóa, cải thiện dịch vụ các nhóm ngành. Động lực công nghệ là những kết nối mới gồm 5G Advanced, 6G và IPv6+ cũng như công nghệ điện toán. Các động lực hướng tới tương lai bền vững gồm phát triển xanh, trách nhiệm xã hội và phản ứng nhanh với các tình huống khẩn cấp.
APAC được đánh giá là một trong những khu vực năng động nhất thế giới trong các hoạt động đổi mới, nhằm đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai. Điều này thể hiện ở chương trình hợp tác các giữa doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với quốc gia và giữa các quốc gia.
Tại Singapore, Tập đoàn Huawei hỗ trợ Tập đoàn Sunseap các bộ biến tần năng lượng mặt trời để xây dựng trang trại nổi ngoài khơi. Ở vùng núi hẻo lánh tại Chiang Mai (Thái Lan), giải pháp AirPON giúp tái sử dụng tài nguyên cáp quang và cột sóng hiện có, tạo ra “không gian thiết bị mạng tầng không” cung cấp kết nối cho hơn 10.000 ngôi làng.
Ngoài ra, Huawei đang tăng cường đầu tư vào giải pháp xanh bền vững, xe điện và lưu trữ năng lượng thông minh, nhằm hướng đến mục tiêu cắt giảm khí thải carbon của khu vực APAC và đóng góp vào nền kinh tế tuần hoàn.
Thách thức vẫn còn
Nhận xét về tiềm năng của APAC, ông Ken Hu - Chủ tịch luân phiên của Huawei - cho rằng khu vực này có nền kinh tế đa dạng, gồm các nước phát triển và đang phát triển. “Các quốc gia khác nhau có nhu cầu khác nhau, đối mặt với thách thức khác nhau khi chuyển đổi kỹ thuật số”, ông nói.
Các quốc gia khác nhau có nhu cầu khác nhau, đối mặt với thách thức khác nhau khi chuyển đổi kỹ thuật số.
Ông Ken Hu - Chủ tịch luân phiên của Huawei
Theo đó, mức độ sẵn sàng chuyển đổi kỹ thuật số của các quốc gia trong khu vực có sự khác biệt lớn. Theo Chỉ số Kết nối Toàn cầu của Huawei (GCI), Singapore xếp thứ 2 nhưng Ấn Độ, Indonesia và Philippines lần lượt xếp thứ 63, 58 và 59 trong bảng xếp hạng toàn cầu. Philippines và Indonesia có tốc độ băng thông rộng cố định (FBB) thấp so với Singapore và Thái Lan.
Nhìn rộng hơn, mức độ thâm nhập của công nghệ đám mây tại khu vực APAC chưa đến 20%, vùng phủ sóng di động 4G chỉ hơn 1/2 quốc gia, trong khi FBB chỉ tiếp cận được 1/3 số hộ gia đình.
Bên cạnh đó, mỗi nền kinh tế lại bao hàm nhiều tổ chức và ngành công nghiệp, với tốc độ chuyển đổi số khác nhau. Ví dụ, CNTT và CNTT - tài chính là những ngành tiên phong, do đó hoạt động chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, bao trùm tất cả hệ thống sản xuất cốt lõi. Các ngành năng lượng điện, nhiên liệu và sản xuất đang sử dụng công nghệ kỹ thuật số để giải quyết thách thức; trong khi bất động sản, xây dựng và nông nghiệp chỉ mới bắt đầu hành trình số hóa. Điều này khiến các quốc gia đối mặt với nhiều vấn đề như khó chọn công nghệ phù hợp; đầu tư lớn nhưng chưa thấy kết quả; gặp khó khăn khi dịch chuyển mọi thứ lên “đám mây”,...
Ông Ken Hu - Chủ tịch luân phiên của Huawei - chia sẻ tại “Hội nghị thượng đỉnh các nhà phân tích toàn cầu 2022” (HAS 2022). |
Theo ông Ken Hu, công nghệ đám mây giúp các tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, là nền tảng để mở rộng tài nguyên. “Nhưng các tổ chức trong tất cả ngành nghề - đặc biệt là doanh nghiệp truyền thống - gặp nhiều vấn đề khi ứng dụng công nghệ này. Nhìn chung, các tổ chức thường không muốn sử dụng, không biết làm thế nào hoặc ứng dụng không hiệu quả. Đây cũng là vấn đề mà Huawei có thể giúp đỡ”, ông Ken Hu cho biết.
Huawei phối hợp khu vực APAC và ASEAN Foundation tổ chức “Hội nghị đổi mới kỹ thuật số Huawei APAC 2022”. Diễn ra từ 19/5 đến 20/5, hội nghị có sự góp mặt của các lãnh đạo kinh doanh và chuyên gia đầu ngành trong khu vực APAC và ASEAN. Người tham dự được theo dõi, thảo luận về các cải tiến mới trong lĩnh vực CNTT và truyền thông (ICT), cơ hội kinh doanh, kết nối khách hàng và đối tác tiềm năng,… Độc giả tham khảo tại đây.
Bình luận