Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Huawei và 5G tạo ra những giá trị gì?

Bên cạnh những tiện ích và ứng dụng quan trọng trong phát triển kinh tế, kết nối 5G còn là tiền đề cho đổi mới theo hướng xanh, sạch, bền vững.

Huawei anh 1

Từ những ngày sơ khai của mạng di động cho đến sự phát triển của 5G ngày nay, ngành công nghiệp viễn thông đã đạt được những bước tiến đáng kể. Từ khi 1G ra mắt lần đầu vào năm 1981, cứ khoảng 10 năm, một thế hệ kết nối di động mới lại xuất hiện.

Các hệ thống 2G đầu tiên bắt đầu được tung ra vào năm 1991, năm 2001 là 3G và hệ thống 4G được chuẩn hóa vào năm 2012. Tháng 6/2018, mạng 5G độc lập đầu tiên chính thức được phê chuẩn. Song trước đó, từ tháng 4/2018, những động thái phát triển đầu tiên của thế hệ kết nối này đã bắt đầu.

Là hãng công nghệ tiên phong về lĩnh vực 5G, Huawei đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy sự phát triển 5G trên toàn cầu. Năm 2013, công ty trở thành thành viên sáng lập của Trung tâm Đổi mới 5G (5GIC) ở Anh. Trong thời gian này, Huawei là bên hỗ trợ chính cho các dự án 5G do Liên minh châu Âu khởi xướng.

Cùng năm, hãng phát hành sách trắng về 5G, chủ động xây dựng hệ sinh thái 5G toàn cầu và nghiên cứu chung, hợp tác với hơn 20 trường đại học trên toàn thế giới. Những giải pháp ứng dụng 5G đầu tiên trên thế giới được Huawei triển khai có thể kể đến bệnh viện 5G ở Thái Lan, mạng lưới 5G tối ưu tại Trung Quốc, robot phẫu thuật từ xa tại Bệnh viện Jishuitan Bắc Kinh…

Thời đại của kết nối thông minh

5G mang lại rất nhiều tiện ích và ứng dụng trong tương lai. Theo lý thuyết, tốc độ 5G ước tính đạt 10 GB/giây, gấp 10 lần tốc độ truyền tải thông tin của mạng 4G. Với tốc độ này, người dùng có thể tải một bộ phim dung lượng hàng chục GB về điện thoại chỉ trong vài giây.

Trong khi các thế hệ trước đơn thuần là liên lạc giữa con người, với 5G, ngay cả máy móc cũng có thể liên lạc với nhau. Điều này đồng nghĩa hàng tỷ thiết bị có thể kết nối và trao đổi thông tin cùng lúc, hướng tới xã hội công nghệ thông tin và vạn vật kết nối (IoT). Ngoài ra, nó còn dẫn đến viễn cảnh của kết nối thông minh (Intelligent connectivity).

Kết nối thông minh là khái niệm chỉ sự kết hợp của kết nối 5G, IoT và AI, nhằm tăng tốc phát triển công nghệ và mở ra các dịch vụ kỹ thuật số mới. Trong bối cảnh trên, thông tin kỹ thuật số được thu thập bởi máy móc, cảm biến, rồi được truyền tốc độ cao qua sóng 5G tạo nên hệ sinh thái IoT. Sau đó, dữ liệu sẽ được phân tích bằng AI và trình bày đến người dùng theo cách hữu ích hơn.

Điều này vừa cải thiện khả năng ra quyết định của người dùng, vừa cung cấp trải nghiệm cá nhân hóa, cho phép các tương tác diễn ra phong phú và trọn vẹn hơn giữa con người và môi trường xung quanh.

Huawei anh 2

Kết nối thông minh đã dần trở thành hiện thực. Ảnh: Assia-inc.

Thực tế, kết nối thông minh đã và đang diễn ra trong hầu hết lĩnh vực công nghiệp, thậm chí đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực khác như vận tải - hậu cần, y tế - sức khỏe và an ninh công cộng.

Trong giao thông vận tải, kết nối thông minh làm tăng mức độ an toàn và hiệu quả đường bộ, dẫn đến luồng giao thông thông suốt hơn.

Với hậu cần, kết nối thông minh cải thiện hiệu quả và tính linh hoạt trong vận chuyển hàng hóa. Các hệ thống hỗ trợ người lái, giám sát giao thông dựa trên AI, xe tự lái… giúp hoạt động hậu cần nhanh và rẻ hơn.

Chẳng hạn, tại khu vực hậu cần lớn nhất nhì thế giới ở thành phố Xinheng, tỉnh Henan, Trung Quốc, Huawei ghi nhận ứng dụng 5G của họ với AI đã cho phép các robot, xe nâng không người lái hoạt động trơn tru. Bên cạnh đó, tốc độ và chất lượng quản lý chuỗi hàng hóa cũng được cải thiện.

Bên cạnh đó, kết nối thông minh còn cải thiện năng suất sản xuất và giảm thiểu tỷ lệ sai sót từ con người, tối ưu hóa chi phí và nâng cao an toàn lao động. Một trong những hoạt động tiêu biểu là dự án sản xuất vật liệu xây dựng Conch Group 5G của Trung Quốc.

Tháng 3/2020, China Telecom hợp tác với Huawei cung cấp dịch vụ 5G cho Conch Group - một trong những tập đoàn sản xuất xi măng lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên trên thế giới 5G được triển khai vào các hoạt động thương mại đầu cuối (E2E).

Xi măng vốn là phần không thể thiếu trong nguyên vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, việc sản xuất vẫn còn trong giai đoạn kết hợp giữa lao động thủ công và tự động hóa, chưa tối ưu quá trình bởi sự ảnh hưởng của việc kiểm tra chất lượng chu kỳ dài với độ trễ đáng kể, cùng nhiều yếu tố con người.

Huawei anh 3

Quy trình sản xuất xi măng của Conch Group với sự kết hợp giữa 5G và AI. Ảnh chụp từ báo cáo các dự án 5G GSMA.

Theo báo cáo dự án, việc tích hợp 5G đã giúp tăng tốc sản xuất lên 20-60%, tránh được đến 95% tổn thất do tai nạn máy móc và nhân tạo. Bên cạnh đó, điều này còn loại bỏ nhu cầu kiểm tra thủ công hơn 5 lần trên dây chuyền sản xuất, làm tăng hiệu quả kiểm tra.

Khi kết hợp kết nối thông minh vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhà quản lý được tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực của mình với chi phí hợp lý. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra phức tạp thời gian qua, Trung tâm Y tế Từ xa Quốc gia Trung Quốc, với hỗ trợ dịch vụ 5G từ Huawei, đã kết nối 147 bệnh viện, gồm 108 quận và 18 thành phố để phân bổ nguồn lực tốt hơn, cung cấp hướng dẫn điều trị cho các vùng sâu, vùng xa.

Ngoài ra, điều này còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra từ xa đối với bệnh nhân trong các khu cách ly, cung cấp các hội thảo trực tuyến với các chuyên gia về virus, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo do chuyển bệnh nhân.

Ngoài ra, kết nối thông minh còn cải thiện hiệu quả của hệ thống giám sát video, tăng cường an ninh, nâng cao chất lượng dịch vụ khẩn cấp. Điều này hỗ trợ công tác của các cơ quan quản lý thành phố, khu vực phòng chống tội phạm, đồng thời giảm chi phí hoạt động.

Lấy phát triển xanh làm trung tâm

Tại Việt Nam, kết quả đo cho thấy tốc độ thử nghiệm mạng 5G của cả 3 nhà mạng đều đạt mức cao so với thế giới, cho thấy tiềm năng khai thác là rất lớn. Bởi không chỉ giải quyết những vấn đề về cơ sở hạ tầng quốc gia, tại Việt Nam, 5G còn là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình giảm phát thải khí các-bon nhờ tốc độ truyền dữ liệu hiệu quả hơn, lượng khí thải ra cũng được giảm thiểu.

Ngày 1/11/2021, trong khuôn khổ sự kiện COP26, Việt Nam cũng đã khẳng định sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Trong nỗ lực chung, những đóng góp về mặt công nghệ cũng như chia sẻ kinh nghiệm phát triển của các bên là rất cần thiết. Tại hội nghị bàn tròn MWC 2022 về thúc đẩy các tiêu chuẩn ngành và cuộc cách mạng năng lượng, xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương kỹ thuật số xanh với 5G, Phó chủ tịch Huawei khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ông Jay Chen, đã chia sẻ thẳng thắn về vai trò của công ty.

“Huawei luôn tích cực cải thiện hiệu quả năng lượng của mạng 5G, giảm mức tiêu thụ năng lượng của sản phẩm CNTT-TT và làm việc với các khách hàng, đối tác trong khu vực để đưa công nghệ đó ra khắp châu Á - Thái Bình Dương”, ông cho biết.

Thực tế, Huawei cũng đã triển khai các giải pháp trạm các-bon thấp tại hơn 100 quốc gia, gồm Arab Saudi, Hy Lạp, Pakistan và Thụy Sĩ, giúp các nhà mạng giảm lượng khí thải CO2 xuống 40 triệu tấn. Công ty này còn đặt mục tiêu lấy phát triển xanh làm trung tâm cho mọi hoạt động, phát triển các giải pháp sáng tạo nhằm xây dựng mạng 5G xanh hơn với các nhà mạng trên toàn thế giới.

Huawei anh 4

Ông Ken Hu - Chủ tịch luân phiên của Huawei - trình bày về F5.5G tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Phân tích Toàn cầu Huawei 2022.

Đến nay, hơn 200 nhà mạng trên toàn thế giới đưa 5G vào sử dụng thương mại, với tổng số người dùng vượt quá 700 triệu. Tuy 5G đang thực hiện tốt vai trò của mình trong đời sống và hỗ trợ các ngành công nghiệp chuyển đổi kỹ thuật, trong tương lai, nhu cầu về băng thông và độ trễ sẽ cao hơn để đáp ứng từng kịch bản ứng dụng khác nhau.

Tại diễn đàn Băng thông rộng Di động năm 2020 tại Thượng Hải, Huawei đưa ra khái niệm 5.5G cho các mạng không dây. Và sau 2 năm, tại Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Phân tích Toàn cầu Huawei 2022, ông Ken Hu công bố tầm nhìn của hãng đối với F5.5G. Trong đó, hãng đặt mục tiêu tăng băng thông và phạm vi phủ sóng, nhằm nâng cao trải nghiệm mạng lên gấp 10 lần.

Đến năm 2025, 5.5G được kỳ vọng đem đến trải nghiệm với tốc độ 1 Gbps, đáp ứng được các kịch bản vận hành công nghiệp phức tạp.

Video - Nhà máy thông minh ứng dụng 5G của Qingdao Haier Nhà máy Qingdao Haier đã hợp tác Huawei và China Mobile phát triển giải pháp 5G để nâng cấp quản lý, giám sát chất lượng tại nhà máy.

Giang Hoàng Linh

Bình luận

Bạn có thể quan tâm