Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 11818 hướng dẫn phương án thu thuế Uber. Theo đó, Bộ này yêu cầu Uber Hà Lan uỷ quyền cho công ty con ở Việt Nam hoặc một bên thứ ba kê khai, nộp thuế cho cả Uber lẫn các tài xế. Đây là kết quả của nhiều buổi gặp mặt cũng như trao đổi giữa Chính phủ Việt Nam với Uber trong suốt thời gian qua.
Phản hồi về lệnh thu thuế của Bộ Tài chính, đại diện Uber cho hay, hiện Uber đang làm việc chặt chẽ với Chính phủ để đảm bảo hướng dẫn được thực thi đúng luật.
“Chúng tôi rất hoan nghênh những bước tiến trong việc minh bạch hoá chính sách thuế ở Việt Nam và cam kết sẽ tuân thủ đúng quy định. Khi vấn đề về thuế được giải quyết, chúng tôi rất mong đợi sự công nhận chính thức từ Bộ Giao thông Vận tải về Uber cũng như những đóng góp tích cực của Uber tới ngành dịch vụ chia sẻ phương tiện tại Việt Nam”, đại diện Uber khẳng định.
Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều Quốc gia khác trên thế giới cũng đau đầu vì cách đánh thuế với Uber. Ảnh: Bizlive |
Trước đó, Bộ Tài chính cho hay, do không hoạt động tại Việt Nam nên Uber phải uỷ quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam hoặc một tổ chức khác kê khai, nộp thuế theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải.
Ngoài ra, công ty này không đủ điều kiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ nên sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp trên tổng doanh thu.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng theo tỷ lệ là 3%. Thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được tính theo tỷ lệ 2%. Phần thuế phải nộp của các tài xế, công ty nộp theo tỷ lệ 3% đối với VAT, 1,5% với thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng.
Có mặt tại TP.HCM từ tháng 7/2014, dịch vụ taxi Uber mặc dù đã mang lại lợi ích cho một số khách hàng sử dụng nhưng vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động của loại hình này như nộp thuế, điều kiện kinh doanh đến nay vẫn chưa rõ ràng. Trong khi đó, đối thủ của Uber - GrabTaxi đã đi trước Uber một bước, đã đóng thuế và có pháp nhân tại Việt Nam.