Theo đó, cơ quan này đã ban hành văn bản hướng dẫn phương án thu thuế với Công ty Uber Hà Lan. Do không hoạt động tại Việt Nam nên Uber phải uỷ quyền cho Công ty TNHH Uber Việt Nam hoặc một tổ chức khác kê khai, nộp thuế theo hợp đồng ký kết với doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vận tải.
Phương án yêu cầu Uber kê khai, nộp thuế tại Việt Nam từng gây nhiều tranh cãi. Ảnh minh họa |
Ngoài ra, công ty này không đủ điều kiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, nên sẽ áp dụng phương pháp trực tiếp trên tổng doanh thu.
Cụ thể, doanh nghiệp sẽ được tính thuế giá trị gia tăng trên doanh thu được hưởng theo tỷ lệ, là 3%. Thuế thu nhập doanh nghiệp trên doanh thu được tính theo tỷ lệ 2%.
Phần thuế phải nộp của các tài xế, công ty nộp theo tỷ lệ 3% đối với VAT, 1,5% với thuế thu nhập cá nhân trên doanh thu được hưởng.
Trước đó, Tổng cục Thuế từng đưa ra phương án các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải là đối tác của Uber có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay thuế cho nhà thầu Uber, theo tỷ lệ thỏa thuận chia sẻ doanh thu. Phương án này bị nhiều chuyên gia cho rằng chẳng khác nào “thả gà ra đuổi”.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – Chuyên gia kinh tế cao cấp, Trưởng Bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) từng có đề xuất thu thuế Uber thông qua việc chuyển tiền từ các chủ thể tham gia vào dịch vụ này sang cho người sáng lập ra nó.
“Muốn làm được việc đó, cơ quan thuế phải có liên kết chặt chẽ với các ngân hàng để kiểm soát các dịch vụ chuyển tiền, thanh toán quốc tế, và cũng cần hệ thống công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Có mặt tại TP HCM từ tháng 7/2014, dịch vụ taxi Uber mặc dù đã mang lại lợi ích cho một số khách hàng sử dụng, nhưng những vấn đề liên quan đến quản lý hoạt động của loại hình này như nộp thuế, điều kiện kinh doanh… tới nay vẫn chưa rõ ràng.