Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

HSBC: Việt Nam vẫn xuất siêu năm 2015

Trái ngược với dự báo nhập siêu tới 6 tỷ USD mà Bộ Công Thương đưa ra, HSBC vẫn nhận định Việt Nam sẽ xuất siêu khoảng 0,5 tỷ USD trong năm 2015.

Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 11/2014. Theo đó, dù chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) giảm từ mức 51,7 điểm trong tháng 9 xuống còn còn 51 điểm trong tháng 10. Nhưng chỉ số việc làm và đơn hàng xuất khẩu mới tăng mạnh lên trên mức 53 điểm.

HSBC nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn chịu tác động của lực cầu nội địa yếu, nhưng xu hướng nhân khẩu học thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên dồi dào và chi phí lao động thấp sẽ giúp triển vọng phát triển của Việt Nam "không đáng quan ngại".

Nợ lớn và tăng trưởng phụ thuộc vào tín dụng là những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam cần trải qua trong để phát triển bền vững. Nguồn: Báo cáo HSBC.
Nợ lớn và tăng trưởng phụ thuộc vào tín dụng là những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam cần trải qua trong để phát triển bền vững. Nguồn: Báo cáo HSBC.

Báo cáo cũng nêu rõ, dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã giảm trần lãi suất huy động xuống 5,5% từ mức 6% trong một nỗ lực kích cầu và tăng trưởng tín dụng nhưng khó kỳ vọng các hoạt động cho vay sẽ thực sự tăng. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách có xu hướng tiếp tục tăng do chi thì cao còn thu lại chậm. "Thâm hụt ngân sách sẽ vẫn ở mức 5-6% trong năm nay và năm tới. Việt Nam sẽ cần phải mở rộng nguồn thu thuế để bù đắp sự sụt giảm của thu thuế thu nhập doanh nghiệp, dự tính sẽ giảm xuống còn 20% trong năm 2016 từ mức 22% hiện tại", báo cáo nhận định.

Nhận xét về tác động của xu hướng giảm giá dầu thô thế giới, HSBC cho rằng nguồn thu của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thu từ dầu vẫn chiếm tới hơn 4% GDP của Việt Nam trong nhiều năm qua. "Việt Nam sẽ trải qua một quy trình hồi phục kéo dài, với tăng trưởng tín dụng chậm chạp, tiêu thụ tư nhân yếu, áp lực giảm phát kéo dài, và đầu tư thận trọng. Những gì thực sự đang hỗ trợ tỷ lệ tăng trưởng 5 - 6% của Việt Nam là dòng chảy vào của các nhà đầu tư nước ngoài, sức cạnh tranh cao của ngành sản xuất cần nhiều nhân công và sự chủ động trong nỗ lực tự do hóa thương mại thông qua đàm phán các hiệp định thương mại tự do".

Tuy nhiên, báo cáo cũng cho thấy điểm sáng trong nền kinh tế Việt Nam trong năm 2014 và 2015 là xuất khẩu khả quan. "Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Việt Nam vẫn giữ vững tăng trưởng xuất khẩu 2 con số. Việt Nam đang đi theo mô hình tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu truyền thống, các mặt hàng xuất khẩu ngày càng giảm phụ thuộc vào nguyên liệu thô. Dự báo xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ đạt giá trị 151 tỷ USD vào năm 2014", báo cáo cho hay.

Các mặt hàng nông nghiệp ngày càng đa dạng được xem là cứu cánh của xuất khẩu Việt Nam trong tương lai. Ngân hàng này dự báo, Việt Nam sẽ xuất siêu khoảng 1,8 tỷ USD trong năm 2014, và giảm mạnh trong năm 2015, nhưng vẫn đạt con số 0,5 tỷ USD.

Dự báo này trái ngược với thông tin mà Bộ Công Thương đưa ra vài ngày trước. Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, căn cứ thực tế mức giảm tăng trưởng xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và những biến động về kinh tế, chính trị năm 2015, Việt Nam sẽ lần đầu tiên nhập siêu trong vòng 4 năm, với con số nhập siêu dự kiến cho năm 2015 là khoảng 6 tỷ USD.

T.A

Bạn có thể quan tâm