Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương vào chiều 3/11, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chỉ ra các nguyên nhân khiến Bộ trình chỉ tiêu nhập siêu 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2015. Trong đó, các nguyên nhân trực tiếp là từ chính tình hình tăng trưởng xuất khẩu của các khu vực kinh tế.
"Phải nhìn nhận một thực tế rằng, thời gian qua Việt Nam xuất siêu, nhưng đây là xuất siêu của doanh nghiệp FDI, còn riêng doanh nghiệp trong nước vẫn đang nhập siêu. Trong khi đó, tỷ lệ tăng trưởng xuất siêu của chính khu vực FDI cũng đang giảm. Năm 2012, khu vực này có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu là 31%, đến năm 2013 chỉ còn 22% và sang đến năm 2014 chỉ còn 12%", Thứ trưởng Hải dẫn chứng.
Đại diện Bộ Công thương cũng chỉ ra rằng, khả năng xuất khẩu trong năm 2014 có thể không còn tăng được như trước, do một số mặt hàng xuất khẩu trọng điểm như điện thoại di động đang có dấu hiệu giảm nhanh về tốc độ tăng trưởng. Ngoài ra, những bất ổn về chính trị với Trung Quốc khiến Việt Nam phải đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu. Trong đó, việc nhập khẩu với một nước khác có thể sẽ dẫn tới tổng giá trị nhập khẩu tăng cao, dễ dẫn đến nhập siêu.
Vị này cũng khẳng định, thời điểm 2015 mang đến nhiều cơ hội, cũng như nhiều thách thức cho xuất khẩu của Việt Nam. "Giai đoạn đầu năm xuất khẩu của nước ta khó tăng cao, bởi chưa đáp ứng được nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng của đối tác. Đây cũng là năm nhiều doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu máy móc để đón đầu xu hướng kinh doanh từ các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán, kí kết. Năm 2015, hàng loạt nhà máy nhiệt điện cũng đi vào hoạt động, nên có thể chúng ta sẽ phải tính tới bài toán nhập khẩu than thay vì xuất khẩu như trước, hay nhập khẩu dầu thô làm nguyên liệu cho các nhà máy lọc dầu trong nước...".
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2014 sẽ đạt khoảng 163 tỷ USD. Trong đó, con số nhập siêu cũng từ 6-8 tỷ USD, tương đương 5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.