Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC vừa có báo cáo cập nhật dự báo kinh tế đối với thị trường Việt Nam năm 2022, trong đó, ghi nhận nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay từ mức 6,6% lên 6,9%.
Dự báo được đưa ra trong bối cảnh Tổng cục Thống kê vừa công bố tăng trưởng GDP quý II/2022 của Việt Nam đạt 7,7% so với cùng kỳ, mức cao nhất trong 11 năm trở lại đây, nhờ được hưởng lợi từ việc tái mở cửa nền kinh tế.
Cụ thể, HSBC cho rằng sau 2 quý mở cửa, sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam tiếp tục là ví dụ nổi trội cho khu vực. Trong đó, tăng trưởng GDP quý II đã chạm mốc 7,7%, vượt xa kỳ vọng của thị trường (HSBC dự báo 5,8%, các tổ chức nghiên cứu dự báo 5,9%).
Tuy nhiên, dù tăng trưởng kinh tế toàn phần khả quan, HSBC cho rằng cuộc khủng hoảng năng lượng đã bắt đầu ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong nước.
Tính đến cuối tháng 6, lạm phát toàn phần trong nước đã tăng 0,7% so với tháng trước, tương đương tăng 3,4% so với năm ngoái, vượt dự báo của HSBC và thị trường, cùng ở mức 3,2%.
TĂNG TRƯỞNG GDP HÀNG NĂM CỦA VIỆT NAM | ||||||||||
Nguồn: Tổng cục Thống kê; HSBC; Tổng hợp | ||||||||||
Nhãn | 2016 | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 6T2022 | 2022 kế hoạch của Chính phủ | 2022 dự báo của HSBC | |
Tăng trưởng GDP | % | 6.21 | 6.81 | 7.08 | 7.02 | 2.91 | 2.58 | 6.42 | 6.5 | 6.9 |
Tương tự những tháng trước, lạm phát vận chuyển cao (tăng 3,6%) vẫn đóng vai trò chủ đạo khiến lạm phát toàn phần tăng lên. Bên cạnh đó, giá xăng dầu trong nước tiếp tục tăng và đạt mức cao kỷ lục cũng tác động đến chỉ tiêu này.
Để ứng phó, Chính phủ đã và đang tìm cách giảm thuế đánh vào xăng dầu để giảm áp lực giá, vì thuế và phí hiện chiếm đến 35% giá xăng dầu.
Sau khi giảm thuế môi trường đối với xăng xuống 2.000 đồng/lít và 700-1.000 đồng/lít đối với các nhiên liệu khác từ 1/4, đầu tháng 6, Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm thuế xuống còn 500-1.000 đồng. Mới nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý đề xuất này và việc giảm thuế sẽ áp dụng ngay từ tuần sau (từ 11/7).
Bộ Tài chính cũng đang xem xét để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (8-10%) và thuế VAT (10%) với mặt hàng xăng dầu. Các đề xuất này đang chờ Quốc hội phê duyệt trong kỳ họp tiếp theo diễn ra vào tháng 10.
Trong khi giá năng lượng tăng cao là điều đã được dự báo, các chuyên gia tại HSBC cho rằng bất ngờ lớn nhất là tình trạng lạm phát lương thực đang diễn ra, với mức tăng 0,8% so với tháng trước. Điều này phản ánh tác động mạnh của chi phí năng lượng đối với giá lương thực bao gồm thịt, trứng và rau củ.
Nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá tích cực triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022. Ảnh: T.L. |
HSBC cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy lạm phát bắt đầu lan rộng khi lần đầu tiên trong gần 2 năm, lạm phát cơ bản đã hồi phục ở mức 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong bối cảnh giá dầu thế giới tiếp tục tăng, các chuyên gia dự báo áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ còn tăng lên. HSBC dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam ở mức trung bình 3,5%, thấp hơn trần 4% do Ngân hàng Nhà nước đặt ra và áp lực giá sẽ tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm.
Dựa vào các dự báo, HSBC cho rằng lạm phát trong nước có thể vượt 4% kể từ quý IV/2022 đến quý II/2023. Điều này khiến NHNN phải bình thường hóa chính sách tiền tệ và bắt đầu tăng lãi suất điều hành thêm 0,5 điểm % từ quý III/2022, rồi tăng thêm 0,5 điểm % cho mỗi quý tiếp theo đến quý III/2023. Như vậy, đến cuối năm 2023, lãi suất điều hành có thể trở lại mốc 6,5%.
Với các dữ liệu kể trên, HSBC dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể đạt 6,9% (dự báo trước là 6,6%). Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng năm 2023 của nền kinh tế Việt Nam được điều chỉnh giảm từ 6,7% xuống 6,3%.
Trong đó, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ tái mở cửa nền kinh tế, nhu cầu trong nước quay trở lại và động lực bên ngoài tiếp tục thuận lợi. Tuy nhiên, Việt Nam cũng cần thận trọng với những rủi ro tăng cao đối với sự tăng trưởng, nhất là rủi ro từ giá năng lượng leo thang.