Ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) vừa công bố báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam tháng 10/2014. Theo đánh giá của HSBC, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tăng từ mức 50,3 điểm trong tháng 8 lên mức 51,7 điểm trong tháng 9 cho thấy xuất khẩu của Việt Nam đang hoạt động tốt, đạt tăng trưởng 14,1% tính từ đầu năm đến nay. Đây được coi là kết quả khá ấn tượng xét về lực cầu không mấy sáng sủa trên toàn cầu, HSBC đánh giá.
Trong quý III/2014, lĩnh vực sản xuất tăng vượt bậc, 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong ngắn hạn, HSBC kỳ vọng nền kinh tế sẽ duy trì ổn định. Áp lực lạm phát nhẹ khi nguồn cung thực phẩm dồi dào, lực cầu trong nước yếu, tín dụng tăng trưởng thấp và giá cả xăng dầu thấp. Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại của các công ty trong nước đã giảm dần trong khi xuất siêu của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài tăng cao hơn, góp phần ổn định đồng nội tệ và nền kinh tế.
Biểu đồ cho thấy sản lượng sản xuất đã tăng kểtừcuối quý III/2013. |
Trong trung hạn, HSBC đánh giá, Việt Nam cần cải cách thị trường lao động, tài chính, cơ sở hạ tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ để có thể tăng trưởng bền vững. Mức độ kết nối thấp với các doanh nghiệp nước ngoài và tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao kéo dài hiện đang làm hạn chế các lợi ích của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong việc tiếp thu công nghệ. HSBC lấy ví dụ, điện thoại và linh kiện hiện đang là những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, chiếm 15,6% tổng xuất khẩu tính từ đầu năm đến nay, từ mức 0% trong năm 2010. Nhưng bên cạnh lợi thế về nhân công rẻ, có rất ít công ty Việt Nam tìm được cách lọt vào danh sách cung cấp linh kiện cho lĩnh vực xuất khẩu máy thu phát cầm tay.
Dù vẫn còn các khoản đầu tư không hiệu quả song các chuyên gia kinh tế của HSBC cho biết, thời kỳ thâm hụt thương mại liên tiếp của Việt Nam đã qua. Chính sách của chính phủ được kỳ vọng sẽ tập trung vào phát triển giá trị các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, xây dựng hạ tầng cơ sở công thực sự cần thiết và tăng cường cho đào tạo tay nghề kỹ thuật cao.
Về viễn cảnh kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn, HSBC dự báo Việt Nam có thể duy trì mức thặng dư thương mại nhỏ nhờ nguồn lao động cạnh tranh. Điều kiện là các công ty trong nước, đặc biệt là các công ty nhà nước không có những gói tín dụng lớn, sử dụng các gói này để nhập siêu và bóp méo cán cân thương mại (khoảng trên 15 tỷ đôla).
Một nghiên cứu về cấu trúc sở hữu thương mại của HSBC cho thấy, các công ty trong nước đang mất dần tính cạnh tranh, và vấn đề này cần được giải quyết trong trung hạn. Các công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam tạo cơ hội cho các công ty trong nước học hỏi công nghệ mới, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo việc làm và thu nhập cho người dân chưa có kỹ năng ở khu vực nông thôn. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nhà nước phải hết sức chủ động đưa ra các chính sách để tối đa hóa những cơ hội đó. Chuyên gia HSBC kỳ vọng CPI trong quý IV/2014 không thay đổi nhiều, đạt 3,7% vào cuối năm so với cùng kỳ năm ngoái.