Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hốt bạc từ dịch vụ nghề biển

Trong tháng Giêng, người thợ sửa tàu thuyền đánh cá có thể thu về khoảng 100 triệu đồng.

Sau chuyến đi biển đầu năm, nhiều tàu thuyền đánh bắt xa bờ nghỉ ngơi nhiều ngày để gia cố tàu thuyền. Đây là khoảng thời gian để những người sửa chữa phương tiện đánh cá, ngư cụ kiếm thêm hàng chục đến cả trăm triệu đồng

Tranh thủ cật lực


Đến làng biển Đại Lãnh (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vào những ngày đầu năm Ất mùi, chúng tôi ghi nhận có gần 10 hộ chuyên sửa chữa tàu thuyền, không khí làm việc tại đây hết sức tất bật. Nhiều người hì hục khuân vác gỗ, pha dầu rái, khuân vác gỗ để, đục đẽo thân tàu đê sửa chữa những chiếc thuyền hỏng hóc.

Sau Tết, nhiều thuyền đánh cá nghỉ ngơi, những người thợ sửa chữa tàu tranh thủ kiếm thêm thu nhập.

Vừa căng sức uốn hanh gỗ để đóng lên thành thuyền xong , ông Trần Văn Hòa ngồi bệt trên nền cát hổn hển cho biết: “Từ hôm mùng 2 Tết, nhiều tàu thuyền đánh cá ngừ đại dương tấp vào cảng để bán cá. 

Họ nghỉ ngơi 2-3 ngày rồi tiếp tục vươn khơi nhắm kịp theo luồng cá tại ngư trường Trường Sa và Nhà giàn DK1. Tranh thủ khoản thời gian này, tôi và nhiều người thợ khác gia cố những thuyền đã xuống cấp, hư hỏng nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân”.

Theo ông Hòa, do nhiều thời điểm trong năm những người thợ đóng thuyền rỗi việc nên không ít mọi người phải xin làm thuyền viên đánh cá. Riêng tháng Giêng Âm lịch nhu cầu đóng mới, sửa chữa tàu thuyền mới rầm rộ.

Do đó, những người thợ như chúng tôi phải tranh thủ làm việc cật lực từ mùng 2 Tết, mức phí để sửa chữa mỗi chiếc thuyền có giá từ 50-200 triệu tùy theo mức độ hư hỏng.

Trong khi đó, ông Trần Văn Giàu, 53 tuổi, hớn hở khoe chỉ trong vòng 7 ngày đầu năm Âm lịch ông đã thu về hơn 50 triệu đồng từ việc phết lại sơn, trám vỏ tàu và hạ thủy. Ông Giàu dự tính với số lượng gần 120 thuyền công suất lớn đang chờ sửa chữa, phải làm cật lực hết tháng Giêng mới xong. 

“Nghề này hơi cực, nhưng vào thời vụ là hốt bạc. Năm nay, nhiều tàu thuyền có nhu cầu sửa chữa nên tôi ước tính có thể kiếm thêm thu nhập hơn 140 triệu”, ông Giàu tính toán.

Tuy có thêm thu nhập nhưng chúng tôi nhận thấy ông Giàu không mấy phấn khởi. Tìm hiểu mới biết, ông có hơn 30 năm làm nghề sửa chữa tàu thuyền ở làng biển Đại Lãnh. 

Theo ông Giàu, từ ngày đầu làm nghề sữa chữa tàu chuyền, ông chứng kiến có đến 60 người thợ song đến nay đa phần trong số đó họ chuyển sang nghề đi biển, chỉ còn lại 20 người thợ cố gắng bám trụ để lưu giữ nghề truyền thống mà tổ tiên đã để lại hằng trăm năm qua.

Một số người dân làng biển Đại Lãnh cho rằng, nghề sửa tàu thuyền tuy cực nhọc, hoạt động theo mùa vụ nhưng đã phần nào giúp những người thợ như ông Hòa, ông Giàu có thêm thu nhập đáng kể. 

Bởi tiền công gia cố, sữa chữa cho một tàu thuyền thường trên dưới 10 triệu đồng. Tính ra, trong tháng Giêng những người thợ có thể làm được 10 thuyền, thu về khoảng 100 triệu đồng.

Phụ nữ vá lưới dạo


Không chỉ có nghề sữa tàu thuyển mà nghề vá lưới cũng kiếm được bộn tiền, khiến 20 phụ nữ từ làng biển Đông Tác, Hòa Hiệp (tỉnh Phú Yên) kéo sang ở làng biển Đại Lãnh để vá lưới dạo.

Không ít phụ nữ vá lưới kiếm được bộn tiền trong tháng Giêng Âm lịch

Cách nơi sửa tàu không xa, nhiều căn chòi tạm mọc lên làm nơi trú ngụ của những người làm nghề vá lưới. Tại đây, có rất nhiều phụ nữ vừa giăng cước vừa cười nói rôm rả. Chị Phạm Thị Hoa, Phạm Thị Tâm, xã Hòa Hiệp Bắc (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) gồng mình khuân vác hơn nửa tạ lưới rồi cho biết: Đầu năm, thuyền cá ngừ ồ ạt cập bến, lưới hỏng hóc nhiều thế là mùa “ăn nên làm ra” của phụ nữ vá lưới có dịp bốc lên. 

Mặt khác, do nhiều thuyền cần vá lưới gấp để kịp chuyến đi biển tiếp theo nên dịp Tết vừa rồi, chúng cố gắng làm việc từ sáng đến tối khuya để làm xong các mảnh lưới theo yêu cầu của chủ thuyền.

“Từ mùng 1 Tết , tôi nhiều người khác đã kéo nhau vào Đại Lãnh thuê nhà, ngủ lại để làm nghề vá lưới. Thu nhập từ công việc này rất khá khiến những người vá vơi đi nỗi buốn ăn Tết xa nhà. 

Còn những những ngày khác trong năm chỉ có lẻ tẻ vài mảnh lưới cánh cá ven bờ nên nghề vá lưới này không có nhiều việc làm”, chị Phạm Thị Hoa Hoa bộc bạch.

Tiếp xúc với chúng tôi, chị Tạ Ngọc Yến thoăn thoắt mũi kim trên tấm lưới và nói cho tiền công vá lưới được trả theo diện tích tấm lưới. Với tấm lưới 100 m2, tiền công được chủ thuyền trả từ 100.000-200.000 đồng. 

Mỗi người thợ có thể vá khoảng 5 tấm/ngày. “Hết mùa vá lưới tôi có thể kiếm trên 20 triệu ngang bằng với thu nhập của 2 mùa vụ làm lúa”, chị Yến so sánh.

http://vnmoney.nld.com.vn/vnmoney/hot-bac-tu-dich-vu-nghe-bien-20150301122335102.htm

Theo Lê Phong / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm