Vì phát triển theo tự nhiên, không dùng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên đây được xem là lúa sạch. Loại lúa này năng suất rất thấp, chỉ đạt 2 – 2,5 tấn/ha, chưa bằng một nửa so với các loại giống thông thường, nhưng nông dân An Giang vẫn sản xuất, vì giá bán rất cao và nhu cầu thị trường ngày càng lớn.
Trước mùa mưa, nông dân gieo giống và đợi khi mưa xuống, cây lúa nẩy mầm, tự phát triển cho đến khi thu hoạch mà không sử dụng bất cứ loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nào. |
Hiện giá lúa được nông dân bán ra từ 12.000 - 13.000 đồng/kg, giá gạo từ 25.000 -26.000 đồng/kg. Đây được cho là loại lúa sạch, hạt gạo đạt độ dinh dưỡng rất cao và an toàn cho người tiêu dùng, được thị trường chuộng, nhất là làm quà biếu.
Cây lúa mùa nổi thích hợp vùng đất trũng có màu xám đen pha với than bùn. Tỉnh An Giang đang tổ chức đánh giá và bảo tồn phát triển cây lúa mùa nổi, vì đây là giống lúa có nguy cơ tiệt chủng nguồn gen quý ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Nguyễn Văn Nào, ở ấp Vĩnh Lợi, canh tác 5 ha lúa mùa nổi (giống Bông Sen) cho biết, do diện tích đất nơi đây nhiễm phèn nặng nên ông không làm được các giống lúa ngắn ngày khác. Tuy năng suất thấp nhưng loại này nông dân không cần phải bỏ chi phí đầu tư. Mỗi ha ông có lãi khoảng 8 – 9 triệu đồng.
Cơm được nấu lên từ gạo lúa mùa nổi rất thơm ngon và có màu đỏ, rất tốt cho những người bệnh tiểu đường. |
Khi ăn xong vụ lúa mùa nổi, nông dân tận dụng rơm rạ để sử dụng làm phân hữu cơ phục vụ trồng các loại hoa màu rất tốt, mỗi năm tính cả trồng lúa và hoa màu nông dân thu nhập từ 40-50 triệu đồng/ha.
Lúa mùa nổi có nhiều loại giống như Chệt Cụt, Tây Đùm, Nàng Pha, Bông Sen...hạt gạo có màu đỏ, khi nấu hạt khô cơm nhưng có nhiều chất dinh dưỡng.
Ngoài phát triển giống lúa mùa nổi, tỉnh này còn lồng ghép phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp nhằm nâng giá trị kinh tế đối với đất vùng sâu khắc nghiệt. |
Theo dự kiến đến 2016 diện tích lúa mùa nổi tăng 200 ha, đến 2030 trên 500 ha. Để bảo tồn cây lúa mùa nổi ngành nông nghiệp kết hợp với Viện, Trường Đại học và các ban ngành để bảo tồn, duy trì và cải thiện giống lúa đang canh tác tại địa phương. Nhằm hướng tới thương mại hóa lúa mùa nổi và cải thiện thu nhập cho nông dân.