HoREA phản đối áp dụng hợp đồng BOT để nâng cấp đường hiện hữu trong Dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù cho TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Góp ý về dự thảo, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rẳng vẫn còn một số điểm bất cập, chưa khả thi.
Băn khoăn về hợp đồng BOT
Trong công văn góp ý này, HoREA nhấn mạnh đến việc không nên áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu để tránh xảy ra xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư dự án với người dân sử dụng tuyến đường BOT phải trả phí, tiềm ẩn phát sinh "điểm nóng" trong xã hội.
Thay vào đó, nên thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu theo hợp đồng BT, sử dụng nguồn vốn ngân sách của TP để thanh toán cho nhà đầu tư.
Trên thực tế, ông Châu cho biết đã từng xảy ra xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng trên các công trình BOT tại một số địa phương trong những năm trước đây.
Nếu nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng mới đường giao thông, trong đó có đường bộ theo hợp đồng BOT thì hợp lý. Nhưng đối với đường bộ hiện hữu mà thực hiện theo hợp đồng BOT thì chắc chắn sẽ dẫn đến xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư, người sử dụng và cộng đồng", ông Châu khẳng định.
Do đó, HoREA đề nghị cần bỏ điểm c khoản 3 Điều 4 "Dự thảo Nghị quyết" không nên quy định TP được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư, xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Ngoài ra, theo Chủ tịch HoREA, các quy định pháp luật trước đây chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng làm thất thu ngân sách Nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai và làm cho môi trường đầu tư kém minh bạch, thiếu tính cạnh tranh, không công bằng. Chính vì vậy, điểm d khoản 5 Điều 101 Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) 2020 đã quyết định "Dừng triển khai dự án mới áp dụng loại hợp đồng BT" là rất cần thiết.
Tuy nhiên, sau 3 năm dừng dự án BT mới, HoREA nhận thấy đến nay rất cần thiết xem xét cho phép tái khởi động trở lại các dự án đầu tư xây dựng theo hình thức Hợp đồng BT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để thanh toán cho nhà đầu tư, dứt khoát không thanh toán bằng quỹ đất để nhà đầu tư thực hiện dự án khác.
Đồng thời, Nhà nước tạo nguồn vốn ngân sách thông qua hoạt động đầu tư phát triển quỹ đất; quỹ phát triển đất; tổ chức phát triển quỹ đất; đấu giá quyền sử dụng đất" theo quy định của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để huy động nguồn lực của khu vực tư nhân đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, công trình giao thông... theo chủ trương xã hội hoá đầu tư của Đảng và Nhà nước.
Bài toán giá đất
Cũng tại công văn này, ông Châu đề nghị không loại trừ dự án nhà ở thương mại được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn của TP, trình Hội đồng nhân dân TP thông qua để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất (không phân biệt giá trị tính theo bảng giá đất).
Đồng thời, ông góp ý dự thảo không nên quy định điều kiện bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất để bảo đảm tính khả thi khi thực hiện cơ chế TP xây dựng.
Cùng với đó, nên ban hành hệ số điều chỉnh giá đất để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất để áp dụng cho các trường hợp: Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân; Nhà nước giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được nộp tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm đối với tổ chức, cá nhân.
Do đó, HoREA kiến nghị UBND TP.HCM xây dựng và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn, trình HĐND thông qua để áp dụng tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất trong trường hợp bảng giá đất đã thu thập thông tin thị trường và xây dựng đến từng thửa đất hoặc áp dụng trình tự, nội dung xác định giá đất theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất theo quy định của pháp luật về đất đai để áp dụng cho các trường hợp nêu trên, kể cả trường hợp sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.