Ở Thể Công thời điểm trước đó, thời điểm của Hồng Sơn và sau vài lứa, chuyện thi tuyển còn khắc nghiệt hơn thi đại học gấp nhiều lần. Vì những người dự tuyển chỉ có duy nhất một buổi sáng để bộc lộ năng khiếu. Nhỡ tàu là nhỡ luôn cả năm.
May mắn là Hồng Sơn lọt vào tốp 100 người cuối cùng. Sau đó, các HLV cũng không chia độ tuổi, cứ chia ra từng nhóm thi đấu rồi lại chấm chấm, gạch gạch. Hết giờ, không rõ mô tê ra sao, chỉ biết được các thầy đọc tên trúng tuyển là hét lên sung sướng. Hồng Sơn mừng rỡ còn hơn khi nhận được điểm 10 ở lớp học. Ước mơ được đi đá bóng, muốn được làm cầu thủ... đã trở thành sự thực.
Tốp cầu thủ nhí trúng tuyển ngày hôm đó được các HLV chia thành hai lớp, lớp năng khiếu lớn (12-13 tuổi) tập vào chiều thứ 3, 5,7; nửa còn lại nhỏ hơn (10-11 tuổi) tập vào chiều thứ 2, 4, 6 trong tuần. Thời gian sáng vẫn đi học và tập buổi chiều. Cứ như thế, tôi miệt mài tập nhiều năm liền trong các đội trẻ của Thể Công.
Đội bóng lúc ấy không phân ra hệ thống U11, U13, U15, U19 như sau này mà chỉ có đội năng khiếu và đội 2. Nôm na hiểu là đội 1 thi đấu giải cao nhất; đội 2 là lực lượng kế cận. Tập năng khiếu sàng lọc khắt khe đến 15-16 tuổi. Đến khi đủ 17, 18 tuổi sẽ ăn ở tập trung, nhập ngũ, đeo quân hàm, được hưởng chế độ quân đội.
Bình luận