- New Zealand, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và nhiều nước châu Á lần lượt đón năm mới 2018.
- Một vụ nổ súng đã xảy ra ở thành phố Denver, Mỹ, ngay trước giao thừa. Nhiều cảnh sát được xác nhận trúng đạn.
- New York, thành phố có màn đón năm mới nổi tiếng tại Quảng trường Thời đại, dự kiến sẽ có giao thừa lạnh kỷ lục.
-
Nơi đầu tiên đón năm mới 2018
Nơi đầu tiên đón năm mới là quốc đảo Samoa và Tonga trên Thái Bình Dương. Vào lúc 17h (theo giờ Việt Nam), những khu vực này sẽ bước qua năm mới 2018.
Samoa vốn là một đảo nhỏ chỉ với 250.000 người sinh sống, thuộc quản lý của hai chính quyền là Tây Samoa và chính quyền Mỹ. Trong khi đó, vương quốc Tonga là một quần đảo độc lập ở nam Thái Bình Dương. Ảnh: Getty.
-
Vì Facebook, ngày 1/1 trở thành "sinh nhật tập thể" ở Afghanistan
Tại Afghanistan, người dân không làm giấy khai sinh. Lâu nay, với những người không nhớ ngày sinh, họ dùng các mùa hoặc sự kiện lịch sử... để nói tuổi của mình, cho đến khi Facebook xuất hiện.
Theo AFP, sự bùng nổ của các mạng xã hội như Facebook, vốn yêu cầu người dùng khai báo ngày sinh, cũng như nhu cầu ngày càng tăng trong việc làm hộ chiếu và visa, đã buộc người Afghanistan phải chọn một ngày làm sinh nhật. Ngày 1/1 trở thành lựa chọn phổ biến.
Điều này thực chất chỉ là sự "tiện tay" hơn là mang bất kỳ ý nghĩa tinh thần nào. Thậm chí những người nhớ rõ ngày sinh của mình cũng chọn ngày 1/1 vì họ ngại chuyển đổi sinh nhật của họ từ lịch Hijri Hồi giáo sang lịch phương Tây.
Chính quyền đang cố gắng thay đổi điều này. Trong những năm qua, các bệnh viện ở Afghanistan đã bắt đầu cấp giấy khai sinh cho các em bé, điều hoàn toàn không xuất hiện trong các thế hệ trước đây.
Ảnh: AFP/Getty.
-
Châu Đại Dương có thể đón năm mới trong mưa gió
Australia đang trải qua ngày 31/12/2017 trong tiết trời nắng gắt. Dù vậy, mưa rào và sấm chớp có thể xuất hiện vào đêm giao thừa. Ảnh: AFP. Những người chờ đón năm mới 2018 tại Sydney và Brisbane có thể sẽ phải chuẩn bị dù và áo mưa cho thời khắc giao thừa. Daily Mail đưa tin mưa rào và sấm chớp có thể xuất hiện tại đây vào cuối ngày 31/12/2017 và kéo dài sang ngày 1/1/2018.
Dù vậy, đến gần cuối ngày 31/12, các hình ảnh cho thấy dự báo thời tiết đã không thể cản trở những dòng người đổ về khu vực gần bến cảng Circular Quay ở Sydney để đợi chờ màn bắn pháo hoa truyền thống nổi tiếng của thành phố này.
Trong khi đó, những người ham thích tiệc tùng tại Melbourne, Perth và Canberra có thể thở phào nhẹ nhõm và tận hưởng ánh nắng cùng nhiệt độ khá cao, từ 25 - 33 độ C.
-
1,6 triệu người chờ xem pháo hoa ở Sydney
Sau Samoa và Tonga, hai nước New Zealand và Australia là những quốc gia tiếp theo được năm mới gõ cửa. Tại New Zealand, tháp Sky Tower ở Auckland luôn có những màn trình diễn pháo hoa nghệ thuật rực rỡ vào đêm giao thừa và được chuẩn bị kỳ công trong nhiều tháng. Năm ngoái, màn pháo hoa ở đây kéo dài trong 5 phút, 500 kg pháo với hơn 3.000 phát được bắn liên tục.
Tại Australia, hàng nghìn người đã tập trung ở khu vực cầu cảng Sydney từ ngày 30/12 nhằm tìm kiếm địa điểm đẹp nhất để chiêm ngưỡng màn pháo hoa ngoạn mục vào đêm giao thừa. Chính quyền thành phố cho biết khoảng 1,6 triệu người sẽ có mặt tại khu vực này trong tối 31/12. Ảnh: Getty.
-
Người Nhật chờ 108 tiếng chuông chào năm mới
Ở Nhật, không khí có phần trầm lắng hơn. Người dân ở xứ sở hoa anh đào ghé thăm các đền chùa trong tối 31/12 và chờ đợi thời khắc năm mới, khi 108 tiếng chuông sẽ ngân vang. Con số 108 đại diện cho số lượng ham muốn của con người, theo đức tin Phật giáo. Đây là nghi thức giúp mọi người nhìn lại những cảm xúc tiêu cực của năm qua và hướng tới một năm mới tốt đẹp. Ảnh chụp đường phố Tokyo được trang trí bắt mắt với hình ảnh của chó, con giáp trong năm 2018. Ảnh: Getty.
-
Pháo hoa cầu vồng chào mừng hôn nhân đồng tính được thông qua luật
Sydney, thành phố lớn nhất Australia, sẽ chào đón năm mới 2018 bằng màn trình diễn pháo hoa mang chủ đề cầu vồng, chào mừng việc nước này vừa hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.
Khoảng 1,6 triệu người sẽ tụ tập ở khu vực quanh bến cảng để chào đón một trong những màn pháo hoa năm mới nổi tiếng nhất thế giới.
"Đây là một cách tuyệt vời để tạm biệt 2017, năm mà cứ 5 người Sydney lại có 4 người đồng ý với việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính", AFP dẫn lời thị trưởng Sydney Clover Moore.
-
Bánh mừng năm mới lớn nhất thế giới lập kỷ lục Guinness
Hiệp hội Thợ làm bánh Athens, Hy Lạp, và chính quyền vùng Peristeri đã tổ chức sự kiện làm ra chiếc bánh tráng miệng lớn nhất thế giới để phục vụ người dân trong đêm giao thừa. Chiếc bánh có kích thước 180 m2 và nặng khoảng 2,5 tấn. Nó dự kiến được phân phát cho tất cả người dân ở Athens trong đêm giao thừa. Ảnh: AFP.
-
Từ châu Á đến Trung Đông: Hôn lễ tập thể, pháo hoa và trình diễn ánh sáng
Số 2018 được tạo nên bằng pháo hoa và máy ảnh để chế độ chụp phơi sáng tại Đức. Ảnh: AFP. Người đón năm mới tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP. Tại Hong Kong, pháo hoa sẽ được bắn lên từ nóc của các tòa nhà trong một màn trình diễn kéo dài 10 phút và kết hợp âm nhạc.
Tại Singapore, nhiều buổi tiệc đếm ngược sẽ diễn ra đồng thời trong khi một màn trình diễn ánh sáng đã được chuẩn bị với phông nền là đường chân trời của thành phố.
Tại Jakarta, Indonesia, 500 cặp đôi sẽ kết hôn trong một lễ cưới tập thể do chính phủ tài trợ. Hàng loạt lễ hội cùng phiên chợ sẽ diễn ra ở nhiều đường phố và các điểm du lịch.
Ở Dubai, pháo hoa năm mới được thay thế bằng màn trình diễn laser trên tòa tháp Burj Khalifa 828 m, tòa tháp cao nhất thế giới.
-
Nhiều tuyến đường tại khu vực trung tâm TP.HCM cấm lưu thông
Tại TP.HCM, Sở Giao thông - Vận tải đã thông báo cấm xe nhiều tuyến đường trung tâm thành phố để phục vụ lễ hội chào đón năm mới 2018 và chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật tối 31/12.
Cụ thể, từ 20h ngày 31/12 đến 4h ngày 1/1, xe máy bị cấm lưu thông trên tuyến Võ Văn Kiệt - đường hầm sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ, đoạn từ đường Ký Con (quận 1) đến đường dẫn cầu Thủ Thiêm (quận 2) theo cả hai hướng.
Từ 20h ngày 31/12 đến 0h ngày 1/1/2018, cấm tất cả các loại xe lưu thông vào các tuyến đường: Nguyễn Tất Thành (từ Hoàng Diệu đến cầu Khánh Hội, quận 4); Tôn Đức Thắng (từ Công trường Mê Linh đến cầu Khánh Hội); Đồng Khởi (Ngô Đức Kế đến Tôn Đức Thắng); Hải Triều (Hồ Tùng Mậu đến Nguyễn Huệ); Hàm Nghi (Hồ Tùng Mậu đến Tôn Đức Thắng).
Đường Nguyễn Huệ sẽ cấm tất cả loại xe lưu thông từ 19h ngày 31/12 đến 0h30 ngày 1/1/2018.
Đồ họa: Minh Trí.
-
Đền thờ Nhật Bản trang hoàng đón năm mới
Các chùa và đền thờ ở Nhật Bản đã trang hoàng để đón hàng triệu lượt khách trong dịp năm mới. Trong số này, đền Meiji Jingu thường đón hơn 3 triệu lượt khách trong ba ngày đầu tiên của năm mới, bao gồm phần lớn là du khách nước ngoài. Hình ảnh con chó, con giáp của năm 2018, được trang trí xung quanh cũng như chế tác thành các vật cầu may. Người dân sau khi cúng viếng sẽ ném đồng xu hoặc giấy bạc và khu vực chỉ định và cầu nguyện. Ảnh: NHK.
-
Những màn pháo hoa đầu tiên ở Sydney
Tiết mục pháo hoa đầu tiên ở khu vực cầu cảng Sydney được bắn lúc 21h (giờ địa phương). Đây là một trong những màn trình diễn "hâm nóng" không khí đêm giao thừa, nhưng chưa phải tiết mục đặc sắc nhất. Ảnh: AFP.
-
Pháo hoa năm mới ở New Zealand
New Zealand là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới chào đón năm mới 2018 (lúc 18h giờ ngày 31/12/2017 giờ Việt Nam). Bầu trời Auckland, New Zealand rực sáng bởi màn bắn pháo hoa hoành tráng từ đỉnh tháp Sky Tower đúng vào thời khắc kim đồng hồ chuyển sang năm mới. Ảnh: AFP.
-
New York: Quả cầu pha lê trăm tuổi đã sẵn sàng cho giao thừa
Thả quả cầu pha lê đón năm mới là một trong những hoạt động đặc sắc nhất ở thành phố New York của Mỹ vào đêm giao thừa. Năm nay, quả cầu được làm từ 2.688 miếng tam giác bằng pha lê, xen kẽ là hình ảnh bươm bướm.
Trọng lượng của quả cầu lên tới hơn 5,4 tấn. Trong nhiều tuần qua, các kỹ sư và thợ thủ công đã lắp ghép những miếng tam giác vào khung của quả cầu và thử nghiệm nhằm đảm bảo nó sẽ rơi đúng nhịp vào thời khắc giao thừa tại quảng trường Thời đại.
Truyền thống này bắt đầu vào năm 1907 khi quả cầu pha lê đầu tiên được đặt trên nóc tòa nhà One Times Square. Vào thời khắc giao thừa hàng năm, quả cầu được thả từ trên nóc tòa tháp, ngoại trừ hai năm 1942 và 1943.
Ảnh: AFP/Getty.
-
Năm mới bên vũ điệu thổ dân
Đất nước đầu tiên đón năm mới 2018 là Samoa. Điều thú vị nhất là sau khi đón năm mới ở Samoa, người ta có thể bắt máy bay đến lãnh thổ Samoa thuộc Mỹ, nằm ở phía đông nam Samoa, để đón năm mới lần thứ hai sau đó 20 giờ.
Hình ảnh trên Instagram cho thấy các cư dân Samoa và du khách đến đây đang đón năm mới cạnh pháo hoa và các vũ điệu truyền thống.
Ảnh: Instagram meihan_huang/Telegraph.
-
Gói pháo hoa nổ do bén lửa ở Australia, dân hoảng sợ bỏ chạy
Chính quyền vùng Central Coast, bang New South Wales, phải sơ tán hàng nghìn người tập trung quanh một bờ biển đón năm mới do các gói pháo hoa bị bén lửa khiến chúng nổ tung.
Số pháo hoa này được dự kiến bắn trong tiết mục lúc 21h ngày 31/12/2017 (giờ địa phương). Daily Telegraph cho biết hàng nghìn người được sơ tán nhanh chóng sau khi loạt vụ nổ xảy ra gần bãi biển Terrigal. Không có ai bị thương trong sự cố.
Tiết mục pháo hoa vẫn diễn ra, nhưng không có sự sắp xếp nào nữa cả. Một nhân chứng tên Ainslie Drewitt-Smith nói: "Pháo hoa bắn loạn xạ. Một số bay theo chiều ngang, lao về hướng đám đông".
-
-
Các nước tăng cường an ninh cho đêm giao thừa
Mỹ: Sở Cảnh sát New York cho biết họ đã tăng cường các biện pháp an ninh cho sự kiện đón năm mới 2018 tại quảng trường Thời đại. Khoảng hai triệu người dự kiến tụ tập về đây để chứng kiến giờ khắc chuyển giao 2017-2018.
Để vào khu vực chính nơi sự kiện diễn ra, người tham gia phải phải vượt qua hai điểm kiểm tra an ninh, theo Reuters. Các biệt đội mang vũ khí hạng nặng và chó nghiệp vụ giúp phát hiện vật liệu nổ đã được triển khai.
Ảnh: CBS News.
Thổ Nhĩ Kỳ: Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đón năm mới trong ký ức chưa phai về vụ khủng bố xảy ra ngay sau đêm giao thừa năm ngoái. Một tay súng người Uzbekistan đã giết chết 45 người tại một hộp đêm ở Istanbul trong vụ tấn công sau đó IS nhận trách nhiệm.
Tổng cộng 37.000 cảnh sát, được triển khai tại Istanbul trong đêm giao thừa năm nay, tức hơn gấp đôi năm ngoái, theo AFP. Chính quyền cũng đã cấm hoặc hủy bỏ một số hoạt động tại những địa điểm nổi tiếng, bao gồm quảng trường Taksim, khu Besiktas và khu Sisli. Mọi con đường dẫn đến những khu vực này đều bị phong tỏa từ trưa 31/12.
Trong một động thái bất thường, chính quyền Istanbul cũng cấm xe tải trọng nặng đi vào thành phố từ sáng 31/12 đến ngày 1/1. Trong khi đó tại thủ đô Ankara, chính quyền cũng đã triển khai 9.700 cảnh sát, cấm các hoạt động tại quảng trường trung tâm.
Ảnh: AFP/Getty.
Pháp: Theo TTXVN, chính phủ Pháp đã triển khai tổng cộng 139.400 nhân viên an ninh tại các thành phố trên toàn quốc, với trọng tâm là thủ đô Paris. Các vành đai an ninh sẽ được thiết lập, trong đó có đại lộ Champs Elysees, nơi hàng nghìn người Pháp và du khách sẽ tập trung để đón năm mới.
Đức: Nhà chức trách thành phố Cologne tuyên bố sẽ làm "mọi thứ", bao gồm việc lắp thêm camera và đèn chiếu sáng, để đảm bảo vụ việc tương tự đêm giao thừa 2015-2016 sẽ không xảy ra, theo Telegraph. Khi đó, hàng trăm phụ nữ trình báo họ bị tấn công tình dục tại một ga tàu.
Cảnh sát Berlin sẽ áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt, bao gồm việc cấm mang các túi lớn, ba lô, chai thủy tinh và đồ uống có cồn. Năm nay cũng là lần đầu tiên Berlin lập một khu vực an toàn cho phụ nữ tại địa điểm gần cổng Brandenburg.
Ảnh: Xinhua.
-
Người Việt ở Melbourne: Kẻ đón pháo hoa, người mở tiệc trong nhà
Trao đổi với Zing.vn, Nguyễn Thành Công, sinh viên Đại học Monash (Melbourne, Australia), cho biết thời tiết ở thành phố này đột nhiên trở lạnh vào buổi tối dù chiều nay vẫn còn khá nóng, đây là điều khá bất thường so với thời tiết của Melbourne trong thời gian này. Vào khoảng 20h, các ngã đường trong trung tâm Melbourne đã đông nghịt người, rất nhiều gia đình tập trung về trung tâm để chờ đón màn pháo hoa đón năm mới.
"Đối với cộng đồng người Việt, mọi người thích tụ họp lại với nhau theo từng nhóm nhỏ, khoảng vài ba gia đình, cùng nhau thưởng thức vài món ăn, một chút bia, rượu, champagne nhẹ đón năm mới", Công cho biết.
Vũ Phan, một kỹ sư tại Melbourne, cũng cho biết anh sẽ sang nhà bạn bè để mở tiệc trong đêm giao thừa. Một phần, Vũ cho biết mình đã sống nhiều năm tại Melbourne và nhiều lần ra ngoài đón giao thừa, một phần khác là lo sợ khủng bố sau nhiều vụ đâm xe trong năm qua tại Melbourne.
Trái với Vũ, một số gia đình người Việt vẫn đang chờ xem pháo hoa ở bờ sông Yarra, trung tâm thành phố Melbourne.
Ảnh: Võ Hội.
-
Năm 2018 về 'đến' Sydney
Pháo hoa tại cầu cảng Sydney, Australia là một trong những màn trình diễn pháo hoa được trông đợi nhất mỗi dịp năm mới. Đất nước ở châu Đại Dương đã bước sang năm 2018 theo giờ địa phương.
Chính quyền Sydney ước tính khoảng 1,6 triệu người theo dõi pháo hoa tại chỗ và hơn 1 tỷ người trên thế giới thưởng thức qua Internet. Hình ảnh thác nước cầu vồng được sắp đặt giữa màn trình diễn để ăn mừng việc Australia chính thức thông qua luật hôn nhân đồng giới. Thị trưởng Sydney, bà Clover Moore, nói chính quyền nỗ lực củng cố hình ảnh "thủ đô đêm giao thừa của thế giới".
"Họ đã sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất. Chúng tôi đã và đang nỗ lực quảng bá Sydney ra thế giới. Một tỷ người theo dõi màn pháo hoa này", bà Moore nói.
Ảnh: Daily Telegraph.
-
Cả nghìn người đổ ra đường ở Hà Nội đón năm mới
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục bên hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) lúc 20h đông nghẹt người dân xuống đường đón năm mới. Khu vực phố đi bộ sẽ có màn trình chiếu ánh sáng 3D độc đáo phục vụ khán giả. Trước đó ít giờ, nhiều người thi nhau trèo lên di tích ở hồ Hoàn Kiếm để chụp ảnh. Các thảm hoa và rào chắn nơi đây cũng bị mọi người dẫm đạp lên.
Nhóm bạn trẻ của Trinh (23 tuổi) từ Đà Nẵng ra thủ đô đón Tết Dương lịch chia sẻ cô thấy không khí ở đây nhộn nhịp đông vui hơn so với tại thành phố bên sông Hàn. Ảnh: Tiến Tuấn - Quỳnh Trang.
-
Màn pháo hoa chào năm mới ở Sydney
Ảnh: Daily Telegraph.
-
Singapore cũng bắn pháo hoa sớm
Màn pháo hoa sớm cũng xuất hiện tại Singapore, trong một màn trình diễn định kỳ mỗi giờ trong buổi tối cuối cùng của năm 2017. Straits Times cho biết trong năm thứ 13 của chương trình đếm ngược ở Marina Bay, an ninh được thắt chặt cao độ. Cảnh sát đã thông báo trước đó 1 ngày rằng túi xách và các vật dụng cá nhân của người tham gia có thể bị kiểm tra.
Chương trình đếm ngược ở Marina Bay thu hút khoảng 300.000 người theo dõi mỗi năm.
Ảnh: AFP.
-
Đám cưới tập thể đêm giao thừa
Trong lúc năm mới 2018 vừa đến tại châu Đại Dương và sắp "tràn về" châu Á, giới chức thủ đô Jakarta đang làm lễ thành hôn cho hơn 500 cặp đôi trong một lễ cưới tập thể. Chính quyền đã tài trợ một số sính lễ cho các cặp vợ chồng mới này.
Ảnh: AFP.
-
Brazil: Chạy về phía năm mới
Tại Sao Paulo, Brazil, khi năm 2018 vẫn còn cách hơn nửa ngày, 30.000 người đã tham gia vào cuộc thi chạy Sao Silvestre thường niên, với đường đua dài 15 km, để chào đón năm mới.
Ảnh: AFP.
-
Thông điệp năm mới của ông Kim Jong Un là gì?
Cùng với lễ hội năm mới đang diễn ra ở khắp nơi, các quan chức chính phủ Hàn Quốc cùng giới quan sát cũng chờ đợi thông điệp năm mới từ lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Korea Times dẫn nhận định của các chuyên gia cho rằng diễn biến trên bán đảo Triều Tiên năm 2018 sẽ phụ thuộc vào nội dung bài phát biểu năm mới này, vì các nhiệm vụ đề cập tới trong bài phát biểu được xem là mệnh lệnh và đường hướng cho một năm.
Ảnh: Reuters.
-
Mỹ: Nhiều cảnh sát bị nhắm bắn trong ngày giao thừa
Đội cảnh sát ở ngoại ô thành phố Denver, bang Colorado, khi đang đến hiện trường một nơi có cuộc gọi cầu cứu đã bị tấn công vào sáng sớm 31/12 (giờ địa phương).
Một vài cảnh sát đã bị bắn. “Chúng tôi chưa thể cung cấp con số chính xác vì vẫn đang điều tra và cố gắng bắt giữ nghi phạm”, thông báo của văn phòng cảnh sát cho biết, đồng thời khuyến cáo người dân nên trú ẩn và tránh xa cửa sổ. Ảnh: Cox.
-
Hàn Quốc tạm biệt một năm 'sống cùng tên lửa Triều Tiên', chào đón Thế vận hội Mùa đông
Tại Hàn Quốc, năm mới 2018 được chào đón bằng màn pháo hoa bắn từ tòa nhà Lotte World Tower cao 555 m và là tòa nhà cao thứ 5 thế giới. Người Hàn Quốc vừa trải qua một năm nhiều biến động với việc cựu tổng thống Park Geun Hye bị phế truất, cuộc bầu cử sớm và những căng thẳng liên tục trên bán đảo Triều Tiên.
Trong năm 2018, Hàn Quốc sẽ là nước chủ nhà của Olympic Mùa đông.
Ảnh: Getty.
Các ngôi đền ở Nhật Bản gióng chuông 108 lần vào thời khắc chuyển giao. Người dân Nhật Bản ở tỉnh Nagoya cầu nguyện an lành trong đêm giao thừa. Ảnh: Mainichi.
-
Người Việt ở Nhật cùng nhau đón năm mới
Từ Tokyo, anh Lê Quang Hưng, 27 tuổi (ở chính giữa ảnh trên), chia sẻ với Zing.vn rằng anh và nhóm bạn đã đến đây từ hôm qua để cùng nhau đón tết. Người Nhật "ăn" tết Tây nên rất nhiều hoạt động được tổ chức tại thủ đô dịp này.
Anh Hưng, làm việc tại Nagoya, và những người bạn hầu hết là tu nghiệp sinh và cũng là đồng hương (quê Quảng Nam). Anh cho biết người sang Nhật lâu nhất trong nhóm là 3 năm còn người mới sang, chính là em trai ruột của anh, thì mới hơn nửa năm. Chín người sống tại các thành phố khác nhau ở Nhật, xa nhất là ở Hiroshima.
Đêm 31/12, nhóm của anh Hưng đã đến Shibuya, khu phố sầm uất bậc nhất Tokyo, để tham gia hoạt động "countdown" (đếm ngược chào năm mới). "Người đông kinh dị, đứng chen chúc nhưng không khí rất vui", anh nói.
Anh cho biết thêm rằng sau hoạt động này thì sẽ về nhà một người anh trong nhóm để tổ chức tiệc với món lẩu và thịt heo cuốn bánh tráng đặc trưng của quê hương. Nhóm anh cũng dự định đi chùa vào ngày mai, dù chưa quyết định sẽ đến ngôi chùa nào.
-
Chủ tịch Trung Quốc cam kết tuân thủ luật quốc tế
Trong phát biểu 10 phút đêm giao thừa, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định sẽ thúc đẩy vai trò của Trung Quốc là người bảo vệ luật pháp quốc tế, thúc đẩy "một kỷ nguyên mới cho Trung Quốc" trong năm 2018 là năm khởi đầu "việc thực thi toàn diện tinh thần Đại hội Đảng lần 19".
Ông Tập nói Trung Quốc sẽ bảo vệ thẩm quyền của Liên Hợp Quốc, luôn cam kết các lời hứa về chống biến đổi khí hậu, và thúc đẩy sáng kiến "Vành đai và Con đường".
"Rất nhiều bên hy vọng hòa bình và phát triển cho nhân loại, nhưng họ cũng có nhiều lo lắng, và trông đợi Trung Quốc đưa ra quan điểm. Trung Quốc, với tư cách là một cường quốc có trách nhiệm, cũng có tiếng nói của mình", ông Tập nói. Ảnh: Xinhua.
-
Nhật Bản: Lễ hội cáo đêm giao thừa
Người dân tham gia lễ hội Cáo Oji ở đền Oji (thủ đô Tokyo, Nhật Bản). Lễ hội được tổ chức để cảm tạ năm cũ và chào đón năm mới.
Ảnh: AFP.
-
Ước nguyện năm mới của người Hong Kong: Giá nhà vừa phải, thành phố hòa hợp
Bến cảng Victoria và khu phố đêm Lan Quế Phường là 2 trong số những địa điểm đón năm mới yêu thích của người dân và du khách đến thành phố này.
Ở Tiêm Sa Chủy, rất nhiều người dân và du khách đã đến sớm để tìm chỗ đẹp và quan sát màn trình diễn pháo hoa ở cảng Victoria.
South China Morning Post dẫn lời nhiều người dân cho biết họ mong ước trong năm 2018, giá nhà sẽ không "quá cao" và người dân thành phố có thể đoàn kết hơn. Hong Kong là nơi có giá nhà cao nhất thế giới.
Ảnh: Getty/South China Morning Post.
-
Đặc khu Hong Kong đón năm 2018
Người dân Hong Kong, Trung Quốc, chiêm ngưỡng trình diễn pháo hoa chào năm mới 2018 ở khu vực cảng Victoria. Ảnh: HKFP.
Pháo hoa trong đêm giao thừa ở đặc khu Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Harbour City.
-
Thái Lan bước vào năm 2018 'không còn gia đình Yingluck'
Cùng thời điểm với giao thừa tại Việt Nam, người dân và du khách ở Thái Lan cũng chào đón năm 2018 "gõ cửa". Nếu không có gì thay đổi nữa, năm 2018 sẽ là thời điểm người dân Thái Lan được đi bầu cử lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính năm 2014. Tuy nhiên, trước cuộc bầu cử được lên kế hoạch vào tháng 11 năm nay, người Thái Lan đã nhiều lần bị "thất hứa" bầu cử.
Trong năm 2017, cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra đã trốn khỏi Thái Lan để tránh phiên tuyên án bà trong vụ án tắc trách đối với chương trình trợ giá gạo. Sự ra đi của bà Yingluck đánh dấu sự chấm hết cho gia tộc quyền lực ở Thái Lan.
Ảnh: AFP.