Viễn cảnh London bị ngập do nước biển dâng cao. Ảnh: Independent |
Independent dẫn nghiên cứu khoa học mới được công bố cho thấy, nếu con người sử dụng hết lượng nhiên liệu hóa thạch có thể khai thác, khí thải carbon từ than, dầu và khí sẽ gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu nghiêm trọng. Băng ở Nam Cực sẽ tan chảy hoàn toàn, đẩy mực nước biển dâng cao tới hơn 60 m. Rất nhiều thành phố sẽ bị nhấn chìm dưới đáy đại dương.
Phần lớn dải băng Nam Cực nằm về phía tây, nơi nhiệt độ đang tăng mạnh. Nếu muốn bảo vệ các thành phố như Tokyo, Hong Kong, Thượng Hải, Hamburg, New York..., con người cần giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu tới cực nam của trái đất.
Giáo sư Anders Levermann của Viện nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu Potsdam, cho biết: “Nếu chúng ta không muốn Nam Cực biến mất, chúng ta phải dừng việc xả thẳng khí CO2 vào môi trường. Nếu không có hành động đúng đắn, nơi ở của hơn một tỷ người sẽ chìm dưới nước”.
Giáo sư Anders cũng dự đoán, nếu con người tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch với tỷ lệ tăng dần đều như trong những thập niên qua, toàn bộ lượng than đá, dầu mỏ và khí đốt có thể khai thác sẽ cạn kiệt trong 150 năm tới.
Nghiên cứu này cũng chỉ ra tỷ lệ dâng của nước biển đạt 3 cm mỗi năm trong khoảng 1.000 năm tới. Tới cuối thiên niên kỷ này, nước niển dâng cao khoảng 30 m.
Giáo sư Ricarda Winkelmann của viện Potsdam, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Sẽ dễ dàng hơn để tiên đoán sự tan chảy của một khối băng hơn là tốc độ biến mất của nó”.
Ngoài chuyên gia của viện Potsdam, các nhà nghiên cứu của Đại học California Riverside, cũng tham gia thực hiện nghiên cứu mới. Nó được đăng tải trên tạp chí Khoa học Tiến bộ.