Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn nửa số hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số

Hiện nay các dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% dân số nhưng chiếm trên 50% số hộ nghèo cả nước, trong đó có dân tộc tỷ lệ hộ nghèo lên đến 83%.

Sáng 19/12, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo "Nghèo đa chiều ở Việt Nam".

Báo cáo là bức tranh tổng quan về giảm nghèo đa chiều ở Việt Nam, tập trung phân tích và đưa ra khuyến nghị cho các chính sách giảm nghèo ở nhóm đồng bào dân tộc thiểu số và người khuyết tật.

Ho ngheo Viet Nam anh 1
Bà Caitlin Wiesen khen ngợi thành tích xóa đói giảm nghèo của Việt Nam những năm qua. Ảnh: Trần Hà.

Thành tựu nhiều, thách thức cũng lớn

Trong hơn 20 năm từ năm 1990, tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam đã giảm mạnh từ 57% xuống còn 13,5% năm 2014. Theo Kế hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân cả nước là 1%-1,5%/năm và riêng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn là 4%/năm.

Bà Caitlin Wiesen, Quyền Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam, nói quốc tế nhìn nhận rất tích cực những thành quả Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa đói giảm nghèo trong vài thập kỷ vừa qua.

Bà Wiesen đánh giá rất cao nỗ lực của Việt Nam trong sử dụng phương pháp tiếp cận đa chiều để đo lường nghèo đói và giúp Việt Nam xóa đói giảm nghèo một cách toàn diện hơn và ở nhiều khía cạnh hơn không chỉ cải thiện thu nhập.

Báo cáo đưa ra các kết quả phân tích cho thấy tỷ lệ nghèo giảm đáng kể ở nhiều khía cạnh giai đoạn 2012-2016. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm từ 18,1% xuống còn 10,9%, nghèo chi tiêu giảm từ 17,2% xuống còn 9,8% và tỷ lệ nghèo thu nhập từ 12,6% xuống còn 7,0%.

Ho ngheo Viet Nam anh 2
Có những dân tộc tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới hơn 80%. Ảnh: Trần Nhị.

Phát biểu trong hội nghị, ông Phan Văn Hùng, Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho biết tỷ lệ giảm nghèo ở nhóm dân tộc thiểu số giai đoạn 2014-2016 là 13% cao hơn mức bình quân chung của cả nước và là mức giảm lớn nhất trong thập kỷ vừa qua.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng còn nhiều thách thức và khó khăn phía trước.

"Mặc dù dân tộc thiểu số chỉ chiếm 14% dân số nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại chiếm hơn 50% số hộ nghèo cả nước, có một số dân tộc có tỷ lệ hộ nghèo rất cao như dân tộc La Hu 83% hay dân tộc Mang 79%", ông Hùng nói.

Có một số vùng dân tộc có tỷ lệ nghèo cao điển hình như vùng dân tộc tỉnh Quảng Bình có tỷ lệ hộ nghèo 88%, tỉnh Bình Định là 76%, tỉnh Quảng Nam là 72% và tỉnh Nghệ An là 59%.

'Không để ai bị bỏ lại phía sau'

Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đều nhất trí với ý kiến giảm nghèo cần phải có các lộ trình bền vững, phù hợp với từng địa phương và nhất là không để xảy ra tình trạng các hộ nghèo "dai dẳng", tái nghèo và phát sinh nghèo.

"Trong tổng thể xu thế chung của cả nước, tại sao vẫn có những vùng, những dân tộc nghèo như vậy, đây là một câu hỏi rất lớn", ông Hùng cho rằng đây là thách thức cho các nhà làm chính sách và cho chính bản thân các hộ đang muốn thoát nghèo.

Báo cáo cho thấy các nhóm yếu thế có mức sống cải thiện đáng kể nhưng vẫn tiếp tục bị tụt lại phía sau.

Chênh lệch về chi tiêu giữa nhóm đồng bào Kinh và Hoa với đồng bào các dân tộc thiểu số có xu hướng gia tăng trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2016.

Năm 2004, mức chi tiêu của đồng bào dân tộc thiểu số bằng 59% mức chi tiêu của nhóm dân tộc Kinh và Hoa, đến năm 2016 con số này chỉ còn 52%.

Ho ngheo Viet Nam anh 3
Ông Phan Văn Hùng phát biểu ở hội nghị. Ảnh: Trần Hà.

Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, chỉ ra những bất cập trong công tác xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

"Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, chưa bền vững giữa các vùng miền, nhóm dân cư, dân tộc thiểu số, nguồn lực đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đặc biệt khó khăn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế".

Bà Hà nói hệ thống cơ chế chính sách đặc thù cho khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa thực sự phát huy hiệu quả. Để mục tiêu giảm nghèo cho mọi người, ở mọi nơi, đảm bảo an sinh xã hội phải được thực hiện kiên trì, thường xuyên liên tục.

Chủ tịch Quốc hội: 'Phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm'

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là phát triển bền vững, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm.

Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm