Những người phụ nữ đau xót bên cạnh thi thể của người thân tại một sân vận động, sau trận động đất thảm khốc ở Kahramanmaras, Thổ Nhĩ Kỳ, hôm 8/2. Ảnh: Reuters. |
Reuters cho biết thông báo của cơ quan ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ ngày 8/2 cho thấy số người thiệt mạng trong trận động đất hôm 6/2 tại nước này đã lên tới 7.108 người.
Trong khi đó, truyền thông Syria đưa tin số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất trên lãnh thổ nước này cũng tăng lên 2.470 người. Như vậy, tổng số người thiệt mạng trong trận động đất kinh hoàng ngày 6/2 hiện lên tới 9.578 nạn nhân.
Bên cạnh số người thiệt mạng, cơ quan ứng phó thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cũng có 37.011 người bị thương trong trận động đất. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, đang có hơn 79.000 người tham gia vào công tác tìm kiếm và giải cứu các nạn nhân sau thảm họa ngày 6/2.
Theo CCTV, một nhóm cứu hộ động đất của Trung Quốc gồm 82 thành viên đã tới Thổ Nhĩ kỳ để hỗ trợ công tác tìm kiếm, cứu nạn. Nhóm này mang theo khoảng 20 tấn vật tư y tế cùng các trang thiết bị cứu hộ chuyên dụng và 4 chú chó tìm kiếm cứu nạn.
Nhóm này sẽ phối hợp với Đại sứ quán Trung Quốc ở Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền địa phương trong công tác giải cứu những người còn bị mắc kẹt và tìm kiếm nạn nhân. Trước đó, một đội cứu hộ gồm 52 người từ nhiều tỉnh thành của Trung Quốc đã được cử đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Một người phụ nữ bị kẹt dưới đống đổ nát được giải cứu tại thành phố Kahramanmaras, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP. |
Vào chiều 7/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thiết lập vùng thảm họa đối với 10 tỉnh chịu ảnh hưởng của trận động đất và ban bố tình trạng khẩn cấp ở những khu vực này trong 3 tháng.
Bất chấp các biện pháp trên, theo Guardian, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng trước áp lực lớn từ người dân khi tiến độ của công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn còn chậm. Công tác cứu hộ gặp nhiều thử thách khi quy mô thiệt hại lớn và thời tiết lạnh giá, đe dọa đến những người sống sót đang bị mắc kẹt.
Thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 được xem là trận động đất mạnh nhất trong hơn 80 năm, cũng như một trong những trận động đất chết chóc nhất tại nước này, theo CNN.
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này…
>>Độc giả có thể đọc thêm tại đây.