Tại họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM chiều 6/7, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP cho biết trong 6 tháng đầu năm, thành phố ghi nhận có 82.589 lao động nghỉ việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. So với cùng kỳ, con số này tăng 5.066 người.
Theo ông Lâm, nguyên nhân chính là doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh dẫn đến giảm giờ làm, thiếu việc; giữa doanh nghiệp và người lao động tiến hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc doanh nghiệp không tiếp tục gia hạn hợp đồng lao động.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM chia sẻ tại họp báo chiều 6/7. Ảnh: T.N. |
Thời gian qua, Sở LĐTBXH TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tăng cường thu thập thông tin nhu cầu tuyển dụng lao động tại các doanh nghiệp khác để kết nối. Bên cạnh trung tâm dịch vụ việc làm công lập, hệ thống 130 doanh nghiệp dịch vụ việc làm trên địa bàn cũng tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động có nhu cầu tìm việc.
"Trong 6 tháng cuối năm, nhu cầu lao động vẫn tập trung cao ở khu vực thương mại - dịch vụ như thương mại, vận tải kho bãi, công nghệ thông tin - truyền thông... khoảng 90.000 lao động, chiếm tỷ lệ 64,57% trên tổng số nhu cầu", ông Lâm nói thêm.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng ghi nhận TP.HCM là địa phương có số lượng lao động mất việc lớn nhất nhì trong quý II (khoảng 30.400 người), chỉ xếp sau Bình Dương (khoảng 83.200 người). Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động của TP.HCM trong quý cũng lên đến 3,71%, tăng so với quý trước, trong khi ở tỷ lệ này ở Hà Nội giảm còn 1,23%.
Tính chung cả nước, có 217.800 lao động mất việc trong quý II. Tổng cục Thống kê cho hay tình trạng nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề thiếu đơn hàng diễn ra từ quý IV/2022 và tiếp tục kéo dài sang quý II, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.
Trong đó, lao động trong các công nghiệp như dệt may, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học... chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.