Bị bắt khi làm nội báo cho cách mạng ở Nha Trang, ông Kiều Xuân Cư suýt bị địch đem xử bắn. Chúng đưa ông qua các nhà giam ở Nha Trang, Khám Lớn, Chí Hòa… Đến bây giờ, tuổi đã 93, ông Cư vẫn nhớ mãi ngày được tin giặc Pháp đầu hàng ở Điện Biên Phủ. “Đêm 7/5/1954, tin thắng lợi Điện Biên Phủ đến tai tù nhân. Chúng tôi không hề chợp mắt, lòng sung sướng, bồi hồi vì biết mình sẽ được ra tù, về với gia đình, với cách mạng...”, ông kể.
Ông Kiều Xuân Cư và một trong những bộ tem về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. |
Ông Cư được ra tù theo dạng trao trả tù binh và ra Bắc. Ít lâu sau, đầu tháng 5/1957, tại Điện Biên, ông và Trung đoàn 55 - miền Nam của mình được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. “Đại tướng hỏi han rất ân cần, bảo anh em đã bị tù đày, tra tấn rất nhiều, sức khỏe bị ảnh hưởng mà Tây Bắc lại rét mướt, sợ chúng tôi không quen. Sau đó, chúng tôi được điều về đồng bằng để học tập, chuyển sang ngành y”, ông hồi tưởng.
Sau này, trở thành bác sĩ, ông Cư may mắn được gặp và tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp 4 lần. Lần nào Đại tướng cũng để lại những ấn tượng khó phai đối với ông. “Xưa Bạch Đằng Giang nổi sóng, Trần Hưng Đạo dìm giặc Nguyên Mông, vang dội Á Âu. Nay Điện Biên Phủ bão lửa, Võ Đại tướng thắng quân Pháp Mỹ, chấn động địa cầu”. Đó là câu đối mà ông Kiều Xuân Cư đặt và đóng thành bức trướng gửi tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng cũng ký tặng ông Cư bộ sách.
Bắt nguồn từ sự ngưỡng vọng, ông Cư cất công sưu tầm rất nhiều tem và sách, báo viết về Đại tướng cũng như chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Hơn 50 năm qua, ông sưu tầm được cả ngàn con tem, trong đó riêng về tướng Giáp và trận Điện Biên Phủ khoảng 400. Số tem này được chia thành nhiều phơi với các chủ đề khác nhau.
Đầu tiên là bộ tem Chiến thắng Điện Biên Phủ do họa sĩ Bùi Trang Chước thiết kế với 4 mẫu cùng hình tượng người chiến sĩ Điện Biên đang đứng trên nóc hầm Đờ Cát, hiên ngang phất cờ chiến thắng. Bộ tem đầu tiên về Điện Biên Phủ này được in tại Nhà in Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, phát hành vào tháng 10/1954.
Tiếp đó là bộ tem Kỷ niệm 10 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ do họa sĩ Trần Lương thiết kế, gồm 4 mẫu với các chủ đề Kéo pháo, Bao vây Mường Thanh, Phá bom nổ chậm và Điện Biên ngày nay; mệnh giá 3 xu, 6 xu, 12 xu. Bộ Kỷ niệm 20 năm do họa sĩ Trần Huy Khánh thiết kế, gồm 2 mẫu tem đều có mệnh giá 12 xu: Quyết chiến quyết thắng và Huy hiệu chiến sĩ Điện Biên Phủ. Kỷ niệm 30 năm là bộ kỷ niệm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đầu tiên kể từ nước nhà thống nhất do họa sĩ Huy Toàn thiết kế, gồm 7 mẫu tem và 1 block với những nội dung: Họp Bộ Chính trị, Hành quân ra trận, Dân công hỏa tuyến, Kéo pháo, Bắn rơi máy bay địch, Đánh chiếm cứ điểm, Trên hầm Đờ Cát. Bảy mẫu tem có mệnh giá từ 50 xu (2 mẫu) đến 1 đồng, 2 đồng, 3 đồng, 5 đồng và 8 đồng. Đây là bộ tem rất đẹp và quý hiếm, được Cuba in lại. Bộ Kỷ niệm 40 năm gồm 2 mẫu tem có các chủ đề: Kéo pháo vào trận địa và Mừng chiến thắng. Bộ Kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ gồm 2 mẫu tem và 1 block với hình ảnh người chiến sĩ Điện Biên năm xưa trên cánh đồng Mường Thanh cùng cô gái Thái ở Điện Biên. Block là hình ảnh của Điện Biên trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa…
Đặc biệt hơn, trong bộ sưu tập của mình, ông Kiều Xuân Cư còn được Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký tặng ở 3 bì thư có tem kỷ niệm 20 năm, 30 năm và 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngoài tem trong nước, ông còn có được một số bộ tem về Đại tướng Võ Nguyên Giáp do nước ngoài phát hành.
“Với tôi, chơi tem không chỉ vì niềm đam mê mà còn thể hiện tình cảm, sự kính trọng nhân vật được chọn. Tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc cũng nằm trong những con tem đó. Dẫu Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi xa nhưng tình cảm tôi dành cho ông vẫn còn đầy đặn mãi”, ông Kiều Xuân Cư thổ lộ.